Liên tục xác lập kỷ lục
Bản tin dự báo thủy triều của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ phát đi hôm qua (16.11), dự báo đỉnh triều cao nhất trong đợt này tại các trạm vùng hạ lưu sông Đồng Nai - Sài Gòn xuất hiện vào ngày 16 - 17.11.
Trong một thập niên qua, thủy triều tại TP.HCM đang có xu hướng năm sau “đè” năm trước. Hàng loạt tuyến đường thường xuyên phải hứng chịu ảnh hưởng do triều cường, ngập sâu từ 0,3 - 0,5 m gồm QL50 (H.Bình Chánh), đường Nguyễn Bình, Lê Văn Lương (H.Nhà Bè), Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Q.7), đường Hoàng Diệu (Q.4), khu vực Thảo Điền (Q.2) và khu vực bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh)...
Hồi cuối tháng 10.2019, tờ The New York Times dẫn nghiên cứu, do Tổ chức Khoa học Climate Central thực hiện và công bố trên chuyên san Nature, dự báo hiện tượng nước biển dâng sẽ xóa sổ nhiều TP lớn ven biển vào năm 2050. Khu vực sinh sống của hơn 20 triệu người, tương đương gần 1/4 dân số cả nước, sẽ bị ngập do ảnh hưởng của nước biển dâng. Đáng chú ý, phần lớn diện tích TP.HCM cũng sẽ chìm dưới nước.
Nghiên cứu này tuy còn gây nhiều tranh cãi, song bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo và phục vụ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, khẳng định: “Chưa biết 30 - 50 năm nữa miền Nam VN có “chìm” thật hay không, nhưng chắc chắn nếu không nhanh chóng có giải pháp căn cơ, tình trạng ngập lụt tại TP.HCM sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Triều cường năm sau “đè” năm trước, ngập năm sau phá kỷ lục của năm trước. Biến đổi khí hậu, các hiện tượng thiên tai dị thường xuất hiện ngày càng nhiều, cùng với tình trạng bê tông hóa, sụt lún do khai thác nước ngầm vô tội vạ sẽ khiến TP.HCM chìm dần, ngập nặng”.
Kịch bản thoát ngập chưa đủ
Để kiểm soát ngập do triều, “liều thuốc” quy mô lớn đang được kỳ vọng nhiều nhất là dự án chống ngập 10.000 tỉ do Trung Nam Group làm chủ đầu tư. Đây là dự án thuộc Quy hoạch 1547, nhiệm vụ chính là ngăn triều, hỗ trợ tiêu thoát nước. Nếu trước đây thủy triều đạt mức 1,5 đến trên 1,7 m, TP sẽ ngập thì sau khi dự án đi vào hoạt động, có thể ngăn triều lên tới mức 3 m. Bên cạnh việc liên tục gặp khó từ khâu giải phóng mặt bằng đến thủ tục thanh toán khiến dự án phải lùi đích từ 30.4.2018 đến nay vẫn chưa hoàn thành, đại diện chủ đầu tư cũng bỏ ngỏ câu trả lời cho câu hỏi “Có giúp TP hết ngập hay không?” với lý giải: Nếu các dự án tổng thể hoàn thiện mạng lưới thoát nước theo Quy hoạch 752 chưa hoàn thiện, hệ thống cống, kênh rạch không được khơi thông thì cống ngăn triều cũng không thể hoạt động hiệu quả.
Phân tích chi tiết, kỹ sư Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C, cho biết các dự án tiêu thoát nước hiện nay đang được thiết kế và xây dựng để tiêu thoát nước cho từng lưu vực riêng lẻ. Quy hoạch 1547 là nghiên cứu xây dựng 13 cửa cống ngăn triều hỗ trợ tiêu thoát nước cho bờ hữu sông Sài Gòn (hiện mới thi công chưa hoàn thành 6 cửa ngăn triều), tức là nếu hoàn thành 6 cống ngăn triều cũng chỉ mới ngăn thủy triều xâm nhập, hỗ trợ tiêu thoát nước cho lưu vực Nhiêu Lộc Thị Nghè, Đôi Tẻ Bến Nghé, Ông Lớn, Mương Chuối, Rạch Đỉa. Kịch bản sau khi các cửa cống ngăn triều đi vào hoạt động, khi thủy triều lên cao (trên 1,6 m) đồng thời có mưa trên 150 mm ở một số vùng trong TP, thủy triều sẽ không thể xâm nhập vào khu vực nội thành (vì đã được cống ngăn triều bảo vệ) và sẽ có 2 tình huống xảy ra: Nếu mực nước trong các kênh rạch nói trên đã được hạ xuống cao độ dưới 2 m đến dưới 2,5 m trước khi có mưa, do không còn bị cản trở của nước triều hạ lưu, vận tốc dòng chảy trong cống gom sẽ tăng nhanh theo cường độ mưa gây xói lở mối nối cống, rồi sụt lún mặt đường. Lượng nước tập trung về hạ lưu cống quá nhanh, lớn hơn khả năng thoát của cửa xả khiến cho vùng hạ lưu cống bị ngập. Ví dụ mưa lớn ở vùng Q.10 thì khu vực ven kênh Tàu Hũ Bến Nghé sẽ bị ngập sâu. Cần có công trình điều tiết bậc thang mới có thể cải thiện tình trạng này. Nếu mực nước trong các kênh rạch nói trên không kịp hạ xuống, vẫn ở cao độ 0 m - dương 1 m thì dòng chảy trong cống vẫn giống như không có cống ngăn triều, vì vẫn bị cản ở hạ lưu, gọi là tình trạng chảy ngập hạ lưu.
“Như vậy tình trạng ngập lụt vẫn có thể chưa được cải thiện ngay cả sau khi xây dựng xong các cống ngăn triều. Lý do chính là hệ thống cống đã không đủ sức tiêu thoát nước cho lưu vực riêng rẽ và không có hồ điều tiết chứa nước mưa tạm thời”, ông Công nhận định
Bình luận (0)