Trong cuộc hội đàm hôm 22.10 tại Kuala Lumpur, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, ông Han Song-ryol lặp đi lặp lại yêu sách của Bình Nhưỡng đề nghị Mỹ ký kết hiệp ước hòa bình nhằm đảm bảo Washington sẽ không tấn công Triều Tiên.
AFP cho biết tham gia bên phía Mỹ có ông Robert Gallucci, người từng dẫn đầu đoàn đàm phán Mỹ làm trung gian cho một thỏa thuận liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng hồi năm 1994.
Cuộc gặp diễn ra vài ngày sau khi Triều Tiên bắn thử tên lửa tầm trung và thất bại. Leon Sigal, một học giả chuyên về Triều Tiên tham dự cuộc họp, cho biết chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trở thành chủ đề chính trong cuộc “đối thoại ngầm” lần này.
Ông Sigal nói với hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc rằng Triều Tiên tái khẳng định yêu sách chỉ bàn hiệp ước hòa bình với Mỹ trước khi đề cập đến chương trình vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, phía Mỹ muốn điều ngược lại, tức chỉ đề cập đến hiệp ước hoà bình sau khi Bình Nhưỡng loại bỏ chương trình hạt nhân, theo ông Sigal.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ tránh né đối thoại chính thức với Triều Tiên, nhưng có một sự thay đổi đang dần xuất hiện ở Nhà Trắng với suy đoán rằng chính quyền mới sẽ có chiến lược ngoại giao khác với ông Obama.
Nhiều người chỉ trích chính sách hiện tại của chính phủ Mỹ khi cho rằng biện pháp trừng phạt ngăn chặn chương trình hạt nhân đáng lo ngại của Triều Tiên không hiệu quả, thay vào đó còn tiếp tục đe doạ an ninh của nước Mỹ.
Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ, nói rằng các cuộc gặp không liên quan đến chính phủ. "Chúng tôi tin rằng chính phủ Mỹ vẫn kiên định với lập trường thúc đẩy đối thoại nhưng Triều Tiên không có thiện chí phi hạt nhân hoá và điều này chỉ biện minh cho hành vi sai trái của Bình Nhưỡng", một quan chức ngoại giao nói với AFP.
Cuộc gặp kéo dài 2 ngày ở Malaysia, được chính phủ Hàn Quốc và cả Mỹ xác nhận, nằm trong một loạt cuộc đối thoại không chính thức được gọi là “Track 2” (đối thoại ngầm) giữa giới ngoại giao Mỹ và Triều Tiên diễn ra nhiều lần trong nhiều năm ở Singapore, Berlin (Đức), Bắc Kinh (Trung Quốc) và nhiều nơi khác.
Hồi tháng 7.2016, Triều Tiên cắt đứt kênh liên lạc ngoại giao chính thức duy nhất giữa Mỹ và Triều Tiên, tức thông qua đại diện 2 nước ở Liên Hiệp Quốc, nhằm trả đũa lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt lên lãnh đạo Kim Jong-un.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đang thảo luận về một nghị quyết mới trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ năm hồi tháng 9.2016, dù đã áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề sau vụ thử thứ tư hồi tháng 1.2016.
Bình luận (0)