Sự căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã tăng cao trong thời gian gần đây, với việc Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa, hạt nhân. Điều này khiến Mỹ và Hàn Quốc, những nước đối nghịch với Triều Tiên nhất trên bàn ngoại giao, luôn muốn gây sức ép lên chính quyền của lãnh đạo Kim Jong-un.
Bên cạnh những biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, hiện nay Mỹ và Hàn Quốc cũng đe dọa sẽ tiếp tục mạnh tay với Triều Tiên thông qua các phương án trừng phạt đơn phương.
tin liên quan
Triều Tiên ‘nực cười’ về ý định trừng phạt đơn phương của MỹTrước sự lên án mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc và thái độ quyết liệt của Mỹ, Triều Tiên hôm 11.9 nói rằng chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang bối rối và làm chuyện “nực cười”.
Ngoài ra, một kế hoạch rộng lớn hơn nữa nhằm khống chế, cô lập Bình Nhưỡng cũng là ưu tiên của Washington và Seoul, Reuters ngày 26.9 cho biết.
Hiên Triều Tiên vẫn bị xem là một trong những quốc gia cô lập nhất thế giới, với những mối quan hệ ngoại giao khá hạn chế. Bản thân lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn chưa thực hiện chuyến thăm chính thức nước ngoài nào kể từ lúc nắm quyền suốt 5 năm nay.
Từ đó, Mỹ và Hàn Quốc tích cực đối thoại với những nước còn lại có mối quan hệ với Triều Tiên như Ba Lan, Mông Cổ, Ukraine...; kêu gọi các lệnh phong tỏa về nhiều lĩnh vực, nhằm kiềm chế chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên.
Reuters dẫn lời Andrea Berger, phó giám đốc chương trình phát triển và phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Viện Nghiên cứu Royal United Services (RUSI, Anh), cho rằng Triều Tiên sẽ gặp khó vì bị hạn chế các hoạt động phi pháp ở nước ngoài, một khi các quốc gia hữu hảo lâu đời của Triều Tiên tiếp tục công khai hạn chế quan hệ ngoại giao với họ.
Truyền thông phương Tây nhận định rằng Triều Tiên đã cố gắng thích ứng với tình trạng ít giao du với nước ngoài bằng cách tận dụng các hoạt động buôn lậu, làm ăn phi pháp, nhằm tạo ra của cải để phục vụ các kế hoạch phát triển vũ khí.
Một nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts gần đây khẳng định, những lệnh trừng phạt trong nhiều năm qua đã khiến Triều Tiên khôn ngoan hơn trong việc luồn lách, tìm kiếm những nguồn thu thay thế, theo Reuters.
Mặc dù giới chức Hàn Quốc từ chối cho biết liệu họ có dùng lợi ích để tác động khiến các nước trừng phạt Triều Tiên hay không, nhưng bà Andrea Berger cho rằng Hàn Quốc trong quá trình ngoại giao cũng đưa ra những tín hiệu để các nước thấy việc quan hệ với Triều Tiên sẽ thiệt hại đến quan hệ giữa họ và Seoul.
Trong thời gian qua, Angola đã ngừng mọi giao dịch thương mại với Triều Tiên, cấm các công ty Triều Tiên hoạt động kể từ khi Liên Hiệp Quốc đưa ra lệnh trừng phạt từ tháng 3.2016, theo lời một quan chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.
tin liên quan
Vì sao Trung Quốc không mạnh tay vụ hạt nhân của Triều Tiên?Trung Quốc ngày 9.9 đã chỉ trích hành động thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên, nhưng không cho thấy dấu hiệu sẽ có biện pháp xử lý nào, Reuters cho biết.
Năm 2011, Angola bị nghi ngờ đã mua các thiết bị quân sự từ Triều Tiên, vốn bị Liên Hiệp Quốc đưa vào danh sách cấm vận. Tại Angola, Triều Tiên cũng có những quan hệ hợp tác khác về y tế, tin học và lao động.
Đầu năm 2016, Mỹ đã kêu gọi các nước hạn chế sử dụng lao động người Triều Tiên. Số lượng lao động Triều Tiên ước tính khoảng 50.000 người, tạo ra khoảng 1,2 – 2,3 tỉ USD/năm, một báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2015 cho biết.
Ở Ba Lan và Malta, các lao động Triều Tiên không được phép làm mới thị thực trong năm nay, còn Ukraine cũng chấm dứt một thỏa thuận miễn thị thực đi lại đối với công dân Triều Tiên, Reuters cho biết. Singapore, trong khi đó sẽ yêu cầu khách Triều Tiên bắt đầu phải xin thị thực từ tháng 10.
Song song đó, một số nước như Mông Cổ hay Campuchia cũng chấm dứt hoặc hoãn việc đăng ký cờ phương tiện cho tàu chở hàng của Triều Tiên. Trong đó, Campuchia thông báo không đăng ký cờ phương tiện cho tàu nước ngoài từ tháng 8, tức không trực tiếp nhắm vào việc “loại” các tàu của riêng Triều Tiên.
Bất chấp các lệnh trừng phạt và thái độ “nghỉ chơi” từ nhiều nước, giới quan sát nhận định rằng hành động cần thiết nhất phải đến từ Trung Quốc – nước có quan hệ mật thiết nhất với Triều Tiên, theo Reuters.
Trung Quốc vẫn chưa đưa ra những biện pháp nào cứng rắn như kỳ vọng của Mỹ và Hàn Quốc, bất chấp có lời chỉ trích với các hoạt động thử hạt nhân của Triều Tiên. Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc vẫn đóng vai trò then chốt, nếu không thì các nỗ lực đơn phương từ vài quốc gia cũng chỉ khiến Triều Tiên chuyển hướng hoạt động mà thôi.
Bình luận (0)