Triều Tiên lấy tiền từ đâu cho chương trình hạt nhân?

20/07/2015 17:51 GMT+7

(TNO) Ngoại tệ thu được từ xuất khẩu lao động được cho là nguồn cung chính cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên, trong bối cảnh nước này đang chịu cấm vận của Liên Hiệp Quốc.

(TNO) Ngoại tệ thu được từ xuất khẩu lao động được cho là nguồn cung chính cho chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Triều Tiên, trong bối cảnh nước này đang chịu cấm vận của Liên Hiệp Quốc.

Một nữ công nhân tại nhà máy lụa ở Bình Nhưỡng - Ảnh minh họa: Reuters
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên có nhiều nguồn cung tiền, nhưng chiếm phần lớn trong số đó là xuất khẩu lao động, theo bài viết trên ABC News ngày 20.7.
Xuất khẩu lao động được Triều Tiên xem là nguồn thu ngoại tệ lớn cho quốc gia bị cô lập nhất thế giới này. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un xem đây là ngành quan trọng nhằm phục vụ cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng nên đã đẩy mạnh việc đưa người lao động ra nước ngoài. 
ABC trích nguồn tin từ tổ chức Theo dõi Triều Tiên ở Hàn Quốc ước đoán hiện có khoảng 90.000 lao động Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài, và nguồn lao động này mang lại cho Bình Nhưỡng 2 tỉ USD mỗi năm. Lao động Triều Tiên làm việc tại 40 nước, phần lớn ở châu Á, Trung Đông và châu Âu; đông nhất là ở Nga với 25.000 người, tiếp đến là Trung Quốc. Họ làm việc trong các lĩnh vực khai khoáng, dệt may và xây dựng.
“Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước, ông Kim Jong-un càng đẩy mạnh lĩnh vực xuất khẩu lao động”, ABC News dẫn lời ông Myeong Chul-ahn, giám đốc tổ chức Theo dõi Triều Tiên. Ông này gọi chương trình đưa người lao động ra nước ngoài làm việc của Triều Tiên là "xuất khẩu lao động nô lệ", vi phạm nhân quyền và thúc giục Liên Hiệp Quốc phải có hành động.
Người lao động làm việc ở nước ngoài được cho là nguồn thu ngoại tệ của chính quyền Triều Tiên - Ảnh: Reuters
Hãng tin ABC News đã gặp gỡ 3 người Triều Tiên từng tham gia chương trình xuất khẩu lao động của Bình Nhưỡng, đã đào tẩu sang Hàn Quốc. Những người này cho biết họ đã lao động như nô lệ trong một xưởng gỗ ở vùng Siberia của Nga, phải làm việc trong thời gian dài dưới điều kiện lạnh giá và không có thiết bị bảo hộ.
Những người Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc không muốn nêu tên nói rằng đổi lại với điều kiện làm việc như thế, họ chỉ nhận được 10% tiền lương. 90% tiền lương còn lại của người lao động bị nhà nước lấy, tờ The Guardian (Anh) cho hay. Có người thậm chí không nhận được đồng nào, phải giao toàn bộ tiền lương cho chính quyền Triều Tiên.
Điều kiện làm việc khắc nghiệt khiến nhiều người lao động chết ngay tại công trường, trong khi những người khác không dám bỏ trốn vì lo sợ tính mạng của người thân trong nước. Chính quyền Triều Tiên được cho đã giữ gia đình người lao động như "con tin". 
Dưới áp lực của cộng đồng quốc tế, một số nước đã dè dặt hơn với lao động Triều Tiên, Qatar đã gửi lại Bình Nhưỡng lao động Triều Tiên làm việc trong các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho Giải vô địch bóng đá thế giới 2022 (World Cup 2022) sẽ tổ chức tại nước này, theo The Guardian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.