(TNO) Khoảng 50 tàu ngầm Triều Tiêu đã trở về căn cứ sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên đạt được thỏa thuận nhằm làm hạ nhiệt căng thẳng hai bên.
>> Triều Tiên đưa 10 tàu đổ bộ áp sát vùng biển Hàn Quốc
>> Hàn - Triều đạt thỏa thuận tránh chiến tranh
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trên một tàu ngầm của Triều Tiên trong lúc thị sát một đơn vị hải quân - Ảnh: Reuters
|
Triều Tiên đã triển khai 50 tàu ngầm và tăng gấp đôi các đơn vị pháo binh dọc biên giới với Hàn Quốc sau khi nước này đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu, theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 25.8.
“Khoảng 50 tàu ngầm rời căn cứ từ ngày 21.8 đã có dấu hiệu quay trở về”, Yonhap dẫn lời một quan chức quân đội Hàn Quốc cho hay.
Trong khi đó, các quan chức quân đội khác khẳng định việc tàu ngầm Triều Tiên trở về căn cứ có thể liên quan đến bão Goni đang tiến gần bán đảo Triều Tiên hoặc do chúng không đủ năng lực định vị dưới nước. Yonhap cho hay tàu ngầm chỉ có thể lặn trong nước tối đa 3 ngày rồi phải trồi lên để tiếp oxy, điều này khiến chúng dễ bị phát hiện.
Các quan chức quân đội Hàn Quốc cho hay sẽ tiếp tục hoạt động tuần tra săn ngầm đề phòng tàu ngầm Triều Tiên vượt qua Đường ranh giới phía bắc. Đường ranh giới phía bắc là ranh giới trên biển giữa hai nước do phái bộ Liên Hiệp Quốc vạch ra sau Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953; tuy nhiên Bình Nhưỡng chưa bao giờ công nhận ranh giới này.
Triều Tiên hiện sở hữu 77 tàu ngầm loại 1.800 tấn, 325 tấn và 130 tấn và gần đây đóng mới một tàu ngầm 2.000 tấn có thể bắn tên lửa đạn đạo, theo Yonhap.
Việc tàu ngầm Triều Tiên quay về được phát hiện vài giờ sau khi Triều Tiên và Hàn Quốc đầu giờ sáng 25.8 đạt được thỏa thuận nhằm hạ nhiệt căng thẳng quân sự hai bên sau 3 ngày liền đàm phán tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở biên giới hai nước.
Quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên trong cuộc gặp cuối cùng, kết thúc ba ngày đàm phán căng thẳng - Ảnh: AFP
|
Theo thỏa thuận, Triều Tiên tuyên bố lấy làm tiếc đối với vụ nổ mìn ở biên giới khiến 2 lính biên phòng Hàn Quốc bị thương nặng hồi tháng đầu tháng 8.2015, Bình Nhưỡng cam kết không tái diễn những hành động gây hấn; trong khi đó Hàn Quốc quyết định ngừng chiến dịch tuyên truyền chống Triều Tiên bằng loa phát thanh dọc biên giới hai nước.
Các loa phát thanh sẽ được tắt vào 12 giờ trưa ngày 25.8 (tức 10 giờ theo giờ Việt Nam), khi đó Triều Tiên sẽ rút quân đội khỏi tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Hai bên cũng nhất trí sẽ thảo luận về việc tổ chức chương trình đoàn tụ cho các gia đình Triều Tiên - Hàn Quốc bị chia cách sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Văn bản thỏa thuận cũng được đăng tải toàn văn trên website của Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA).
Trước đó, căng thẳng dâng cao đến mức Hàn Quốc cho sơ tán người dân sống ở khu vực biên giới - Ảnh: Reuters
|
Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, Kim Kwan-Jin, người đứng đầu phái đoàn đàm phán, cho biết thỏa thuận này giúp hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên và tạo nền tảng mới cho mối quan hệ liên Triều trong tương lai. Ông Kim nói việc Triều Tiên bày tỏ sự hối tiếc đối với vụ cài mìn ở biên giới là “rất có ý nghĩa”. “Chúng tôi đã có một lời xin lỗi từ Triều Tiên”, ông Kim cho hay.
Triều Tiên trước đó nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng đứng sau vụ cài mìn; tuy nhiên một nhà nghiên cứu nhận định văn bản thỏa thuận ngày 25.8 cho thấy Triều Tiên đã nhận trách nhiệm và xin lỗi. “Trong ngôn ngữ ngoại giao, đây rõ ràng là một lời xin lỗi, với cách dùng từ hối tiếc”, nhà phân tích Jeung Young-tae, chuyên nghiên cứu về quan hệ liên Triều ở thủ đô Seoul, nhận định.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hoan nghênh Triều Tiên - Hàn Quốc đạt được thỏa thuận. AFP cũng nhận định các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Nhật Bản sẽ hoan nghênh thỏa thuận này. Bắc Kinh và Tokyo từng bày tỏ lo ngại về căng thẳng quân sự ở bán đảo Triều Tiên và kêu gọi hai bên tự kiềm chế.
Bình luận (0)