Ông Vũ Mạnh Hải là 1 trong 26 cầu thủ trẻ xuất sắc của Thể Công được Bộ Quốc phòng cử sang Triều Tiên tập huấn từ tháng 11.1967 đến tháng 11.1968. “Đội bóng đá Thể Công trẻ lớp ấy có rất nhiều cầu thủ trẻ triển vọng. Tuy nhiên, do chiến tranh nên việc tập luyện cực kỳ khó khăn. Thể Công đã phải sơ tán về vùng nông thôn để tập luyện nhưng điều kiện quá thiếu thốn, không phát triển tốt. Sau khi lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã quyết định đưa lứa trẻ của đội bóng đi tập huấn ở nước ngoài để nâng cao trình độ”, ông Vũ Mạnh Hải nhớ lại.
Sau nhiều cân nhắc, đất nước Triều Tiên đã được Bộ Quốc phòng lựa chọn. “Khi ấy, Việt Nam và Triều Tiên là anh em trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Chúng ta và Triều Tiên cũng có nhiều tương đồng văn hóa xã hội vì cùng ở châu Á. Đặc biệt, đội bóng đá Triều Tiên lúc đó thuộc diện hùng mạnh nhất châu Á với chiến tích lọt vào đến tứ kết Wolrd Cup 1996 tại Anh”, ông Hải lý giải về quyết định của Bộ Quốc phòng.
|
Và thế là đội trẻ Thể Công gồm 26 cầu thủ do trung tá Ngô Xuân Quýnh làm trưởng đoàn, đại uý Nguyễn Văn Tiền làm phó đoàn kiêm HLV trưởng, trung uý Nguyễn Minh Cảnh là trợ lý HLV và trung uý Phùng Công Hùng, trợ lý HLV thể lực kiêm ngôn ngữ (tiếng Nga) sang Triều Tiên tập huấn 1 năm.
“Bạn cử đại uý Chosesich, nguyên thủ môn đội tuyển quốc gia Triều Tiên theo sát và hỗ trợ giúp đỡ về kế họach, tổ chức tập luyện, thi đấu và bảo đảm mọi yêu cầu về cơ sở vật chất, ăn ở, chăm sóc sức khoẻ”, ông Vũ Mạnh Hải nhớ lại.
Phía Triều Tiên đã dành 1 toà nhà 2 tầng trong Trung tâm Huấn luyện thể thao quân đội tại Bình Nhưỡng cho đội Thể Công ở. Theo ông Vũ Mạnh Hải, trung tâm này rất tiện nghi với đầy đủ trang thiết bị, sân bãi cả ngoài trời và trong nhà cho hàng ngàn vận động viên các môn thể thao Olympic của quân đội Triều Tiên. Riêng sân bóng đá ngoài trời cách trung tâm khoảng 1 km. Sân không có cỏ nhưng rất bằng phẳng và mềm mại. Sân được chăm sóc, tưới nước, lu nhẹ thường xuyên nên đáp ứng được yêu cầu tập luyện và thi đấu.
“Thủ đô Bình Nhưỡng là một thành phố đẹp và hiện đại chẳng khác gì châu Âu. Con người Triều Tiên thân thiện, rất dễ gần nhưng luôn luôn tôn trọng nguyên tắc. Học sinh đi học hàng ngày phải xếp hàng đến trường, đường phố luôn sạch sẽ, cây cối xanh tươi, ra hoa rất đẹp khi mùa xuân đến”, ông Vũ Mạnh Hải tấm tắc khen.
Trên thực tế, Triều Tiên khi ấy cũng rất căng thẳng vì Mỹ và Hàn Quốc gia tăng sức ép về quân sự. “Cho dù khó khăn nhưng nhân dân Triều Tiên vẫn sẵn sàng giúp Việt Nam. Khi biết chúng tôi từ Việt Nam đến, người Triều Tiên rất ưu ái và coi chúng tôi như những người thân, sẵn sàng giúp bất cứ việc gì. Đó là điều chúng tôi nhìn thấy hàng ngày khi tiếp xúc tập luyện cùng các bạn Triều Tiên. Thật sự rất đáng trân trọng”, Ông Vũ Mạnh Hải tâm sự.Trong tập luyện thể thao, vận động viên Triều Tiên để lại ấn tượng sâu đậm với những cầu thủ trẻ thể công. “Họ có tính kỷ luật và ý chí chiến đấu rèn luyện kiên cường. Ở giải bóng đá Triều Tiên, mỗi trận đấu là 120 phút thay vì 90 phút. Các môn thể thao khác cũng vậy, mỗi hiệp đấu của họ thời gian thường kéo dài hơn và tính quyết liệt hết mình là điều cần thể hiện đầu tiên. Chính vì tập luyện như thế nên các vận động viên Triều Tiên thường có sức chịu đựng dẻo dai hơn hẳn cá đối thủ”, ông Lương Mạnh Hải bật mí về bí quyết tập luyện của vận động viên Triều Tiên.
Với Thể Công, xác định được nhiệm vụ, trọng trách lớn lao của mình nên các cầu thủ trẻ rất quyết tâm và đã có những tiến bộ vượt bậc. “Theo như đánh giá của các nhà chuyên môn là thì một năm ở Triều Tiên chúng tôi tiến bộ bằng 3 năm ở trong nước. Trước khi đi, chúng tôi thua các anh đội lớn Thể Công 5, 6 bàn không gỡ. Sau chuyến tập huấn ở Triều Tiên, đội hình trẻ ấy đã thường xuyên giành thắng lợi trước các anh lớn và cả các đội mạnh khác như Công an Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng… Lứa trẻ Thể Công đi Triều Tiên tập huấn về đã tạo nên một hiệu ứng không khác gì hiện tượng U.19 Hoàng Anh Gia Lai ngày nay”, ông Vũ Mạnh Hải tự hào nói.
|
Các cầu thủ trẻ Thể Công sau khi tập huấn ở Triều Tiên về đã trở thành nòng cốt của đội tuyển quốc gia Việt Nam và được cử đi xây dựng các đội bóng quân đội nổi tiếng khác như đội Quân khu 2, đội Phòng không Không quân…
Đặc biệt, lứa cầu thủ này có những những tài năng kiệt xuất đã trở thành “tượng đài” của bóng đá Việt Nam như trung vệ Nguyễn Trọng Giáp, tiền vệ Phan Văn Mỵ, tiền đạo Ba Đẻn (Nguyễn Thế Anh)…
Ông Vũ Mạnh Hải nhấn mạnh: “Bên cạnh tài năng của các cầu thủ thì đoàn trưởng Ngô Xuân Quỳnh và HLV Nguyễn Văn Tiền cũng đã thể hiện khả năng kiệt xuất của mình khi xây dựng lối chơi rất phù hợp với con người Việt Nam. Lối đá dựa vào tập thể, từng nhóm phối hợp ít chạm, nhanh và táo bạo đã luôn gây bất ngờ cho đối phương đã trở thành lối chơi sở trường của Thể Công. Sau này, tướng Vương Thừa Vũ đã tổng hợp cho dễ nhớ là thấp (bóng sệt), nhanh, ngắn, mạnh, thọc sâu”. Chiến thuật này giúp Thể Công thời đỉnh cao có những chiến thắng trong và ngoài nước đầy ấn tượng, góp phần nâng cao uy tín và thành tích cho bóng đá Việt Nam”.
|
Những thành công đó của Thể Công có đóng góp rất lớn của đất nước Triều Tiên. Ông Vũ Mạnh Hải xúc động nói: “Thể Công học được nhiều điều từ chuyến đi này. Tuy nhiên, điều chúng tôi tâm đắc nhất là tính kỷ luật, đề cao sự rèn luyện thể lực không có giới hạn. Người Triều Tiên rất coi trọng rèn luyện ý chí và thể lực vì điều đó thể bù đắp sự hạn chế về những kỹ năng chuyên môn.
Về bóng đá, chúng tôi học được ở đội tuyển Triều Tiên lối đá tập thể, đoàn kết, hiệu quả cao dựa trên lối chơi đơn giản khoa học và hợp lý. Nếu không có 1 năm ở Triều Tiên ấy, tôi không thể có được chỗ đứng trong đội hình mạnh nhất của Thể Công khi ấy và đội tuyển quốc gia sau này”.
Bình luận (0)