Lần đầu tiên, ca - nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn chia sẻ về mối quan hệ 4 đời với nhà thơ Nguyễn Khuyến và lý do ông cố nội mình họ Nguyễn mà anh mang họ Trịnh.
Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc
|
Anh biết mình là cháu đời thứ 4 của nhà thơ Nguyễn Khuyến từ khi nào, thưa anh?
Điều này tôi đã biết từ hồi còn bé do nghe bố tôi nói, nhưng vì lúc đó còn nhỏ quá chưa đọc và biết nhiều về cụ nên chưa ý thức hết niềm hãnh diện được là con cháu của cụ. Lớn lên một chút thì đã qua Mỹ, thời gian đầu mải quay cuồng để hội nhập với cuộc sống và văn hóa mới nên thật tình tôi cũng ít nghĩ gì đến cái gọi là nguồn cội.
Khi biết mình là cháu của cụ Tam nguyên Yên Đổ, anh có thắc mắc với ba mẹ mình vì sao mình mang họ Trịnh không?
Câu chuyện khá dài, chỉ có thể tóm tắt như sau: Lúc còn bé bố tôi thuộc dạng khó nuôi, nên phải đưa qua người quen họ Trịnh làm con nuôi và mang họ Trịnh. Thời niên thiếu, ông làm thơ nói nặng triều đình; vì sợ liên lụy gia đình, sau đó tự đổi lại thành họ Trình. Từ đó ngoài bắc, bố tôi trên giấy tờ là họ Trình, chứ không phải Trịnh. Nhưng khi vào nam (1954) thì người ta thấy họ Trịnh có vẻ “thuận tai” nên bên thủ tục hành chính lại tự đổi lại thành Trịnh. Và tôi mang họ này khi được sinh ra vào năm 1956 tại Sài Gòn.
Những sáng tác của anh có ca từ mượt mà và đẹp như thơ. Anh nhận thấy mình có gien thi ca không?
Gien thi ca của cụ Nguyễn Khuyến có lẽ đã truyền cho nhiều đời. Ông nội tôi, sinh thời thường được biết đến là cụ "Ấm Thuần", rất có năng khiếu về văn chương, thi ca và bố tôi cũng vậy. Chính bố tôi là người đầu tiên truyền cho tôi cảm hứng về văn chương và thi ca qua cách cụ đọc, kể, ngâm và bình thơ cho tôi nghe lúc tôi còn nhỏ. Tôi nghĩ, gien của cụ Nguyễn Khuyến cũng vẫn còn rải rác trong con cháu của cụ nhiều lắm, chỉ là mỗi người được số phận chọn cho một con đường khác nhau thôi.
Vì sao phải đến tết năm ngoái anh mới lần đầu tiên về thăm mộ cụ Nguyễn Khuyến?
Trong những lần về Việt Nam trước, tôi có ra Hà Nội thăm người chị ruột (chị đã không theo gia đình di cư vào nam). Chị đã lớn tuổi rồi nên không còn nhớ rõ mộ cụ ở đâu, và cũng đã khá lâu chị mất liên lạc với những người bà con ở quê nội, tại Hà Nam. Mãi đến khoảng năm 2013, gia đình tôi mới liên lạc được với một người bà con bên nội là bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền ở Hải Phòng; nhờ cô Hiền hướng dẫn mà tôi mới được đến viếng mộ cụ.
Tôi sinh ra trong nam nên không hề có chút kỷ niệm nào với quê nội, ngoài ký ức của những câu chuyện về miền đất sinh thời của ông cha do bố tôi kể lại. Tuy nhiên, qua lần về thăm quê nội và viếng mộ cụ Nguyễn Khuyến, tôi thật sự có cảm giác bâng khuâng, xao xuyến của một người con đi xa trở về.
Ngoài âm nhạc, dường như anh rất kiệm lời khi nói về cuộc sống riêng?
Cuộc sống hiện tại của tôi bên Mỹ, nhờ trời, cũng tạm gọi là an bình. Tôi đang làm việc trong ngành đầu tư và tài trợ về bất động sản. Đó là nghề, còn nghiệp vẫn là sáng tác, biểu diễn. Rất hạnh phúc vì nghề và nghiệp vẫn hỗ trợ tốt cho nhau, khi nghề nuôi nghiệp và nghiệp làm cho nghề bớt căng thẳng để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Người yêu anh - chị Giáng Tiên - từng chuyển lời Việt sang Anh bài Hương xưa (Cung Tiến) cho Duyên dáng Việt Nam ở Singapore năm 2007, bản chuyển ngữ khiến nhạc sĩ Đức Trí “ngạc nhiên vì lời tiếng Anh quá hay, vừa dễ hát, vừa toát lên được ý thơ của lời Việt, và cũng thật gần với ý nghĩa của bài gốc”. Không biết trong những sáng tác của mình, có khi nào anh cần đến chị?
Giáng Tiên có nhạc cảm tốt và rất đam mê với "ngôn ngữ” nên sau này thỉnh thoảng tôi có nhờ Giáng Tiên viết lời một số bài hát, mỗi khi tôi quá hứng thú viết nhạc mà không có thời gian để sáng tác lời. Trong CD Gọi từng yêu thương của tôi, Giáng Tiên đã viết lời tiếng Anh cho phần giới thiệu bài nhạc chủ đề, lời Pháp - Việt cho bài Une chance d'aimer (tựa tiếng Việt: Duyên tình). Giáng Tiên cũng có viết lời trên nền một bài nhạc instrumental của tôi, mà tôi đã đặt tựa là Giáng Tiên; cùng một số bài sau này tôi chưa ra CD, nhưng tôi đã đưa lên YouTube như Việt Nam non sông gấm hoa mà chúng tôi rất tâm đắc.
Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) có 7 người con trai: Nguyễn Hoan, Nguyễn Thuần, Nguyễn Điềm, Nguyễn Doãn Đôn, Nguyễn Khác, Nguyễn Hữu Lộc, Nguyễn Cát. Trong đó, Nguyễn Thuần (thường gọi “Ấm Thuần”) là ông nội của ca - nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn. Bố Trịnh Nam Sơn - Nguyễn Văn Ân là con thứ hai của cụ Ấm Thuần, sau khi làm con nuôi nhà họ Trịnh, được đổi tên thành Trịnh Công Hạnh.
|
Bình luận (0)