Thông tin sắp xếp bộ máy trên được ông Phan Văn Mãi trao đổi tại buổi gặp mặt cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu trên địa bàn TP.HCM nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024) tổ chức chiều 18.12.
Tinh gọn bộ máy là một trong những công việc trọng tâm của TP.HCM trong năm 2025 gắn với đề án xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, TP.HCM tập trung sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương.
"Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần sự thống nhất rất cao về mặt nhận thức, sự đồng thuận, chấp hành nghiêm. Quá trình điều chỉnh, sắp xếp, từng cá nhân sẽ bị tác động ít nhiều nhưng chúng ta phải thực hiện với tinh thần vì lợi ích chung", ông Mãi nói thêm.
Thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chấp hành nghiêm và triển khai rất khẩn trương chủ trương tinh gọn bộ máy của Trung ương. Ông Mãi cho biết cuối tuần này, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sẽ nghe phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của thành phố để sớm triển khai trong thời gian tới.
Tại buổi gặp mặt, người đứng đầu chính quyền TP.HCM thông tin một số kết quả nổi bật như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,17%, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7,3%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tăng 10,7%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46 tỉ USD, thu ngân sách ước đạt 502.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, các chương trình trọng điểm, đột phá được tăng tốc thực hiện có hiệu quả. Công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị có nhiều chuyển biến ngày càng đồng bộ, hiện đại. Các vấn đề bất cập, các điểm nghẽn kéo dài được tập trung tháo gỡ, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…
Nêu một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, ông Mãi cho biết TP.HCM tiếp tục triển khai, phát huy hiệu quả, hiệu lực Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội; đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang và phát triển đô thị đồng bộ, chất lượng cao.
Song song đó, địa phương cũng sẽ kiên quyết, kiên trì thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp...
Lãnh đạo TP.HCM cảm ơn các ý kiến đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm, toàn diện của các tướng lĩnh, cán bộ cao cấp quân đội đã nghỉ hưu, nhất là những kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ vững chắc và lực lượng vũ trang thành phố vững mạnh.
Nữ liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát được truy tặng danh hiệu anh hùng
Cũng tại buổi gặp mặt, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải trao bằng truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho thân nhân liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát.
Liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát, bí danh "Sáu Xuân", sinh ngày 10.10.1940 tại xã Nghi Thủy, H.Nghi Lộc (nay là thị xã Cửa Lò), tỉnh Nghệ An. Tháng 12.1964, chị lên đường vào Nam chiến đấu, lần lượt tham gia công tác tại chiến khu Tây Nam Bến Cát (tỉnh Bình Dương) và các mặt trận Đà Lạt, Sài Gòn.
Tại mặt trận Sài Gòn, với vai trò điệp viên, chị Bạch Cát làm nhiều nghề khác nhau như: thợ may, công nhân thu dọn bao bì ở nhà máy, bán rau ở chợ, gây dựng được 12 cơ sở bí mật đầu mối tại 3 quận nội đô Sài Gòn.
Tháng 11.1967, chị Bạch Cát được Khu ủy Sài Gòn - Gia Định phân công làm quận ủy viên, Bí thư quận đoàn, Bí thư Chi bộ Võ trang tuyên truyền liên quận 2 - 4 (nay là Q.1, TP.HCM).
Khi hiệu lệnh Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 phát ra, Lê Thị Bạch Cát trực tiếp chỉ đạo Chi bộ Võ trang tuyên truyền liên quận 2 - 4, phát động nhân dân nổi dậy vũ trang tấn công các khu vực: Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bến Chương Dương, hẻm Hiệp Thành, Bến Vân Đồn...
Kết thúc đợt 1, đơn vị diệt nhiều sinh lực địch, treo Cờ giải phóng từ 23 giờ đêm mùng Một đến 3 giờ sáng mùng Hai Tết Mậu Thân 1968, tại số nhà 225 hẻm Hiệp Thành, Bến Vân Đồn.
Trong đợt 2, tại hẻm 83/2 Đề Thám (P.Cô Giang, Q.1), trung đội do Lê Thị Bạch Cát chỉ huy đã kiên cường chiến đấu với một tiểu đoàn địch để giữ từng bờ tường, đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch. Do chênh lệch quá lớn về lực lượng và vũ khí, không thể tiếp tục đối đầu với quân địch nên bà ra lệnh đồng đội rút lui, còn mình ở lại chặn địch, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trước khi hy sinh vào trưa 5.5.1968.
Cảm phục và tri ân sâu sắc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã lập bia dẫn tích để tưởng nhớ tại hẻm 83/2 Đề Thám, lập bàn thờ ở đền An Nhơn (Q.1), đặt tên Lê Thị Bạch Cát cho một con đường và một ngôi trường THCS trên địa bàn.
Bình luận (0)