Trình Quốc hội giám sát việc phòng, chống xâm hại trẻ em

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/04/2019 04:53 GMT+7

Ngày 16.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ 33. Trình bày tại phiên họp, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nêu báo cáo dự kiến chương trình giám sát của QH, UBTVQH năm 2020.

Theo ông Phúc, trên cơ sở ý kiến của các cơ quan Quốc hội, Tổng thư ký trình 3 nội dung chuyên đề để UBTVQH chọn 2 chuyên đề báo cáo QH lựa chọn. Theo đó, 3 nội dung được đề nghị bao gồm: việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà VN là thành viên (FTA); việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.
Tại phiên họp hôm qua, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo UBTVQH một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, QH khóa XIV. Dự kiến tổng thời gian làm việc của QH tại kỳ họp thứ 7 là 19 ngày, khai mạc vào ngày 20.5 và bế mạc vào ngày 13.6.
Thảo luận sau đó, hầu hết các ý kiến đều lựa chọn chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em và chuyên đề việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà VN là thành viên (FTA) để trình ra QH lựa chọn vào kỳ họp thứ 7, khai mạc vào tháng 5 tới. QH sẽ chọn 1 trong 2 nội dung này để tiến hành giám sát tối cao.
Cũng tại phiên họp, trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án luật Chứng khoán sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết một trong những điểm mới của dự thảo luật là tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán lên mức tối đa 3 tỉ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỉ đồng đối với cá nhân để tăng mức răn đe.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất bổ sung một số quyền của Ủy ban Chứng khoán nhà nước như yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu hoặc đến làm việc; yêu cầu các ngân hàng tại VN cung cấp thông tin liên quan tới giao dịch trên tài khoản của khách hàng; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin cuộc gọi (tên, địa chỉ, số máy, thời gian gọi) để xác minh, xử lý hành vi bị cấm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các thành viên UBTVQH băn khoăn việc nâng mức phạt vi phạm hành chính liệu có phù hợp với luật xử lý vi phạm hành chính, vì mức xử phạt tối đa theo luật này chỉ là 1 tỉ đồng đối với cá nhân còn tổ chức chỉ là 2 tỉ đồng.
Đối với đề xuất bổ sung thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình thẳng thắn “liệu có hợp pháp hay không”? Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng việc quy định cho phép Ủy ban Chứng khoán nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin giao dịch ngân hàng, cuộc gọi viễn thông khiến cơ quan này mang “dáng dấp một cơ quan tố tụng”. “Những thẩm quyền này luật chỉ quy định một số cơ quan tố tụng làm chứ Ủy ban Chứng khoán nhà nước thì không làm được”, ông Định nói và cho rằng quy định như vậy là không phù hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.