Trở lại khu biểu tình ở Hồng Kông

(TNO) Những dấu vết cuối cùng trên bức tường Lennon Wall đã bị xóa sạch. Những dòng chữ hẹn ngày trở lại của những người biểu tình đòi phổ thông đầu phiếu trên các con đường khắp thành phố cũng không còn. Hồng Kông gần như trở lại nhịp điệu sinh hoạt của những ngày trước “Cuộc cách mạng dù” (Umbrella Revolution).

(TNO) Những dấu vết cuối cùng trên bức tường Lennon Wall đã bị xóa sạch. Những dòng chữ hẹn ngày trở lại của những người biểu tình đòi phổ thông đầu phiếu trên các con đường khắp thành phố cũng không còn. Hồng Kông gần như trở lại nhịp điệu sinh hoạt của những ngày trước “Cuộc cách mạng dù” (Umbrella Revolution).

Con đường giữa khu biểu tình này có thể đi đến Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Hồng Kông - Ảnh: Trần Tâm
Rời ga tàu điện ngầm ở Admiralty (Kim Chung), tôi hỏi một vài người dân Hồng Kông đường đến Lennon Wall nổi tiếng. Trong những bức ảnh trên mạng, Lennon Wall ở ngay cạnh tòa nhà của lãnh đạo chính quyền Hồng Kông, dán chi chít những tấm giấy nhỏ đầy màu sắc của lực lượng sinh viên biểu tình, của người dân và cả du khách, với nhiều lời cầu nguyện và ủng hộ cho lực lượng này.
Một phụ nữ nhiệt tình dẫn tôi lên cầu vượt, nơi nối ga tàu và những tòa nhà trong khu vực lại với nhau, băng qua đại lộ Harcourt, để có thể đến tòa nhà chính quyền Hồng Kông. Đó chính là chỗ Lennon Wall từng tồn tại.
Khu vực cầu vượt này từng là điểm nóng trong suốt thời gian dài khi lực lượng biểu tình phong tỏa các con đường xung quanh khu vực hành chính Admiralty trong sự kiện Occupy Central (Chiếm trung hoàn). Từ trên cầu vượt, có thể dễ dàng nhìn thấy Lennon Wall, giờ đã trở lại nguyên trạng.
Lennon Wallkhông còn những mảnh giấy cầu nguyện - Ảnh: Trần Tâm
Lennon Wall là một cầu thang bộ từ Harcourt đi lên cầu vượt để có thể đến các tòa nhà xung quanh, rồi từ đó có thể đi thang máy chừng hai tầng lầu để xuống sân trước tòa nhà chính quyền.
Ngày 31.12, khi mở một tờ báo Hồng Kông, để xem tin tức, tôi đọc được một bài dài về cô bé 14 tuổi vẽ một đóa hoa bằng phấn lên bức tường và ngay lập tức bị cảnh sát bắt giữ trong 17 giờ. Cô bé buộc phải đến nhà dành cho trẻ em không có ba mẹ để được giáo dục trước khi đưa trở về nhà với ba mẹ. Câu chuyện khiến nhiều người bị sốc.
Tôi từng đến Hồng Kông 4 lần vào các năm trước, và đây là lần thứ 5. Sự thay đổi của Hồng Kông rất rõ ràng, đặc biệt cảnh sát hiện diện khắp nơi trong trung tâm thành phố. Đêm giao thừa, ở hai khu vực đếm ngược để xem pháo hoa là khu trung tâm trên đường Queen gần Lan Quế Phường và Trung tâm Hội chợ triển lãm Hồng Kông dày đặt cảnh sát.
Trung tâm Hội chợ triển lãm Hồng Kông có Quảng trường Golden Bauhinia (hoa Dương tử kinh vàng) là địa điểm lịch sử của bán đảo này, khi năm 1997 Hồng Kông chính thức trao trả về cho Trung Quốc.
Cổng chính của tòa nhà ngăn cách người biểu tình bằng một hàng rào sắt - Ảnh: Trần Tâm
Phía trước tòa nhà chính quyền Hồng Kông vẫn còn chừng 50 chục căn lều của lực lượng biểu tình bám trụ. Xoay người về phía ống kính, cô gái đang phơi chiếc khăn ngoài căn lều gần cầu thang máy đề nghị không chụp mặt, vì cảnh sát có thể dễ dàng bắt giữ cô.
Trong căn lều lớn có 4 lều nhỏ của nhóm bạn cô gái. Tất cả đều đang ngủ. “Tôi đã ở đây hơn 1 tháng rồi”, cô nói rồi mời tôi vào lều để trò chuyện. “Chúng tôi ở đây để đòi được quyền lựa chọn, chiến đấu cho dân chủ và công bằng. Dù nhiều người đã rời đi và không còn tiếp tục chiến đấu, nhưng chúng tôi vẫn ở đây với nhiệm vụ của mình”, cô một lần nữa đề nghị không nêu tên.
Cô gái này còn rất trẻ, chừng 24 tuổi, như rất nhiều những người trẻ còn bám trụ ở khu vực này. Cô đang làm việc cho một công ty ở Hồng Kông, sau giờ làm việc hoặc cuối tuần lại về với căn lều của mình, thay vì về nhà với ba mẹ ở Sha Tin (khu Tân Giới). Nhiều bạn trẻ làm việc ở khu vực xung quanh đến ở trong lều vào giờ nghỉ trưa hoặc bất cứ lúc nào rảnh rỗi.
Những căn lều của người biểu tình trước cổng tòa nhà chính quyền Hồng Kông - Ảnh: Trần Tâm
“Chúng tôi không nghĩ rằng mình sẽ chiến thắng trong thời gian ngắn. Có thể là một, hai năm hoặc nhiều hơn nữa. Nhiều lúc chúng tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, khi không còn có một cuộc sống thường nhật bình thường như những người khác. Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác”, cô gái nói. 
Nhiều người như cô gái này thấy Hồng Kông không còn của người Hồng Kông, kể từ vài năm trước. “Hồng Kông đang bị kiểm soát. Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra. Chúng tôi muốn kết thúc nó”, cô chia sẻ.
Ba mẹ cô gái ủng hộ cuộc sống của cô hiện thời, như là quyền được lựa chọn của những người trẻ tuổi. Nhiều thanh niên ở khu vực lều trại này sẵn sàng trả lời phỏng vấn, dù cảnh sát thường xuyên đi ngang qua và nhìn họ.
Cô gái trả lời phỏng vấn đề nghị không nêu tên và chụp thẳng mặt đang đứng trước căn lều của mình - Ảnh: Trần Tâm
Cô gái trẻ ngồi bên cây thông nhỏ bên lều của mình, nói rằng cô chẳng nhớ mình đã ở đây bao nhiêu ngày rồi. Bởi tối qua, ngay cả đêm giao thừa, cô cũng ở đây cùng với bạn bè của mình mà không về nhà.
Hồng Kông thay đổi rất nhiều so với ngày đầu tiên tôi đến đây. Du khách đến từ Đại lục chiếm tới 80% trong tổng số 40 triệu du khách tới Hồng Kông mỗi năm. Trong các khu vui chơi, mua sắm, nhiều người nói to, kêu gọi í ới, và đặc biệt là chen lấn, xô đẩy khiến Hồng Kông không còn là một điểm đến lịch sự.
 Dù chính du khách đến từ Đại lục mang tới cho Hồng Kông thu nhập, nhưng cũng chính họ đang biến Hồng Kông thành một điểm đến không thân thiện và nhộn nhạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.