Tro tàn ngày cũ - Truyện ngắn của Dương Hằng

19/12/2016 20:00 GMT+7

Cái thềm nắng là chỗ cho tơ tình lấp ló. Gã Khú gật gù trên mâm rượu với ông Chấp, người bạn đồng đội năm xưa. Men say lảo đảo đưa ánh mắt gã Khú xuyên qua bóng nắng, gặp Mến đang cần mẫn đập lúa ở sân.

Từng lời ông Chấp vỗ bên tai gã khiến tâm hồn gã càng liêu xiêu vì bóng cô gái đó.“Ba mươi mấy tuổi rồi mà trời đánh không đi ông ạ. Cạn chén vì cái sự buồn này đi”. “Ông tính mà xem, nó tuy xấu chút nhưng cái nết được lắm. Chán cái sự đời. Uống nào ông!”. Mỗi chuyện của Mến như một lát mồi cho hai gã nhâm nhi. Nhưng, Mến khi ấy sao mà đẹp, hiện ra như tiên nữ giữa bóng nắng nghiêng nghiêng trong mắt gã Khú.
Ít ngày sau, gã sang nhà Mến lần nữa và xin cưới. Giữa mâm rượu, gã bảo:
- Tôi gọi ông là bố vợ thì sượng mồm lắm. Tôi với ông đều là những kẻ không màng lễ nghĩa lễ nghi rườm rà, tôi có lấy Mến về thì chúng ta càng nhiều dịp cạn chén với nhau. Sau lần này thì ông không phải một mình nói về Mến trên bàn rượu nữa. Phải không nào?
- Ông nói chí phải. Uống đi nào!
Gã Khú đón Mến về bằng ba mâm cỗ, khách mời là những bạn đồng đội của gã và ông Chấp. Quỳnh - đứa bạn từ hồi cắt cỏ chăn trâu của Mến cũng đến trong ngày ấy. Đến vì sửng sốt. Đến vì nghi hoặc. Quỳnh hỏi Mến nghĩ gì về chuyện này, Mến bảo Mến chẳng nghĩ gì cả, gã Khú hơn năm mươi rồi cũng có sao, còn chưa biết cá nào cắn câu nào. Quỳnh thấy lành lạnh ở gáy, ra về sau cái nhìn ráo hoảnh bất cần của Mến. Cuộc hôn nhân này đã biến Mến thành một người đàn bà khác rồi. Nhưng Mến nghĩ hoàn cảnh chẳng bao giờ có thể nhào nặn ra một thân phận, một tính cách. Bởi vậy mà Mến cứ đưa chân cho kịp một chuyến đò. Đời chẳng biết đâu mà lần.
Nhà gã Khú giàu nhất cái làng này thì rõ rồi. Từ cổng bước vào nhà chẳng lo phân gà lổn nha lổn nhổn giống nhà Mến nhưng đồ đạc trong nhà tườm lươm như có trẻ con nghịch ngợm. Bàn tay nóng ran và run rẩy của gã nắm lấy tay Mến:
- Vào nhà đi em.
Mến chẳng có thứ cảm xúc bỡ ngỡ và ngập ngừng lúc về nhà chồng. Mọi thứ rất đỗi lạ lẫm và Mến ném vào chúng những cái nhìn khô khốc. Mỗi góc nhà sẽ mang dấu vết thân phận của Mến, kể từ ngày hôm nay. Không còn những buổi sáng Mến lụi hụi trong xó bếp với nồi cá kho riềng. Không còn những chiều Mến rửa cỏ ngoài sông. Mến giã từ thân phận ấy và khoác lên mình một thân phận khác.
Mến không gọi gã là anh. Gã sẽ mang những cái tên là “này”, “ê”, “ấy”... Gã hỏi sao, Mến bảo sượng mồm lắm.
Người ta bảo nếu Mến không lấy gã thì có cóc khem nó lấy. Vậy là gã mang ơn Mến. Nhưng người ta còn bảo, gã không lấy Mến thì chẳng ai buồn rước. Và theo “người ta” thì Mến nợ gã. Cái ơn - nợ buộc chặt vào nhau.
Người ta không biết Mến từng yêu Dương, đến cái khuy áo Dương chạm vào ngày ấy cũng khiến Mến bổi hổi bồi hồi. Có khi yêu như muốn tan ra thành mây khói nhưng cuối cùng không đi nổi một đoạn đường đời. Người ta chỉ biết Mến là gái ế, vớ được tấm chồng khi tuổi xuân đã tàn. “Người ta” là những thân phận lắt leo vây quanh Mến ngày ngày, chỉ chờ những khoảnh khắc nhàn rỗi để mua vui bằng câu chuyện Mến và gã Khú.
Một sáng, Mến bị đánh thức dậy bởi tiếng khóc oe oe của trẻ con nhà bên. Khoảnh khắc ấy, âm thanh chạm vào lòng Mến khẽ khàng như một cánh bướm non. Sáng ấy, Mến nằm rảnh rỗi trên giường và chưa biết một ngày của mình sẽ bắt đầu từ đâu. Nhưng âm thanh ấy hôm nay đã giữ Mến lại, bình yên như chiêm bao thuở cũ. Buổi sáng cũng vì thế mà trong veo.
Trưa, con đường khô cong sau trận mưa rả rích đêm qua, Mến đi tìm Quỳnh. Quỳnh đang cắt cỏ ven con sông chạy qua cánh đồng. Quỳnh như một cuốn nhật ký ghi lại những đoạn đời mà Mến đã đi qua.
- Tao muốn có con.
- Với một lão già năm mươi ba tuổi? Mày điên rồi.
- Chắc là điên thật.
Quỳnh dừng những nhát liềm thoăn thoắt, nắm cỏ trên tay cũng buông hờ:
- Nhỡ... Dương còn yêu mày thì sao?
- Ôi dào, người ta giờ có khi cũng con bồng con bế rồi, còn thiết tha gì tao nữa. Cũng bốn năm rồi...
Mến bỏ lửng câu nói, có cái gì đó cứ nghèn nghẹn ở lòng mình. Ngày ấy, Dương theo ông chú lên một vùng núi xa xôi giáp biên giới Lào để làm ăn. Dương bảo trên ấy không có sóng điện thoại nên đến khi lên xe vẫn ló đầu ra cửa sổ:
- Anh sẽ gửi thư về. Em phải gửi lại cho anh đấy. Em nhớ chưa? Em nhớ nhé!
Chiếc xe cứ xa dần. Tiếng Dương bắt đầu nhòe đi. Mến lặng im, chỉ kịp đuổi theo Dương bằng ánh mắt.
Mến cứ chắc nịch rằng Dương không quên Mến đâu bởi cái nhìn đau nhói và những lời yêu cuống quýt, chới với của anh trong ngày chia tay ấy đã níu chặt vào lòng Mến. Vậy mà những lá thư cũng thưa dần rồi ngừng hẳn. Những buổi chiều chủ nhật, đem theo cái háo hức, rộn ràng, chạy một mạch sang nhà Quỳnh, chỉ nhận về sự hụt hẫng. Mỗi lần nhận cái lắc đầu của ông Huân - bố của Quỳnh, đôi chân Mến như chùng xuống, mỏi rạc. Cái lắc đầu ấy ám ảnh cả trong những giấc ngủ của Mến. Bây giờ, năm lá thư Dương gửi vẫn nằm im lìm trong ngăn tủ. Những đêm không ngủ được, Mến soi đèn chạm tay vào từng con chữ, nghe lòng mình thổn thức nhớ thương. Nỗi giận hờn vẫn cồn cộn cõi lòng. Muốn gặp lại Dương một lần, chẳng phải để trách cứ, giãi bày mà chỉ muốn thu dọn lòng mình cho bớt chật chội những nỗi niềm đã cũ.
Đúng nửa năm sau, Mến có thai. Gã Khú chăm Mến như chăm một đứa trẻ. Sáng hay tối, công việc gã thích xoa lòng bàn tay mình trên cái bụng tròn vo của Mến. Cảm giác này khiến Mến nhớ Dương da diết.
Thằng bé kháu khỉnh chào đời vào một ngày nóng hừng hực như lửa. Làm mẹ tuổi hơn ba mươi mới đủ thấy cái hạnh phúc kỳ diệu và thiêng liêng biết chừng nào. Mỗi lần gã Khú bế thằng nhỏ và nựng ngọt, Mến cười thắt ruột. Cười mà tiếng nào tiếng nấy cứ vỡ ra ở cổ họng.
- Em bảo xem khi thằng bé biết nói, nó sẽ gọi cha hay mẹ trước?
- Không biết.
- Chắc chắn là gọi cha trước rồi. Anh hỏi mấy thằng trong làng rồi, con của chúng nó gọi cha trước cả đấy.
Mến hơi chùng chình, có cái gì sường sượng, đăng đắng ở miệng. Thằng nhỏ có cái mũi to giống Dương, đôi tai vểnh như tai thỏ và gương mặt bầu bĩnh y chang Mến. Thằng nhỏ không có một dấu vết nào của gã. Khuôn miệng của thằng nhỏ be bé, đáng yêu lắm.
Thằng nhỏ cũng hiền như cục đất, không mấy khi quấy khóc vào đêm.
Thằng nhỏ tám tuổi, gọi gã Khú bằng ông. Là Mến dạy nó chữ “ông” tròn vo ấy. Nhiều người nói với thằng nhỏ rằng gã Khú là cha nó. Nó không tin, là cha sao có nhiều tóc bạc thế, cha thằng Chính đã có tóc bạc đâu?
Là cha sao không hái trái dừa cho con mà phải nhờ chú hàng xóm? Thằng bé chưng hửng nói. Rồi đi học về có
khi câu chào bỏ quên đâu đó dọc đường nên thằng nhỏ thấy gã Khú ngồi phì phèo điếu thuốc trong nhà, chỉ
đưa mắt nhìn rất vội rồi chạy tót đi rủ thằng Chính ra đồng bắt chim.
Gã Khú bị đau khớp, trái gió trở trời là nằm im thít ở giường, bất động như một cái xác. Gã gọi thằng nhỏ vào, giọng lục khục:
- Thằng Tôm vào bóp chân bố với!
Thằng nhỏ đang ngồi chơi với cái ô tô tí hon ngoài sân, vẻ hậm hực đứng dậy như gã Khú đã phá hỏng cuộc vui của nó. Mến đang hái rau ở vườn, ngó thấy vẻ mặt con, bỗng thấy rợn mình sau gáy. Một mai này gã Khú ra đi, Mến cũng già nua như cái cây trụi lá, lấy ai chăm Mến những ngày gió quái. Thằng nhỏ lớn dần, rồi sẽ mải miết với cuộc vui của mình. Mai này Mến nằm kia, chỗ gã Khú đang nằm lúc này, ngó ra khoảng sân chỉ thấy trống huơ trống hoác, lấy đâu ra cảnh thằng con nhỏ ngồi nghịch đồ chơi để mua vui qua ngày tháng. Cái tính lầm lì, hung hãn của thằng nhỏ do Mến mà ra. Giá như những lần gã Khú vung roi khi đứa trẻ hư, Mến không bênh chằm chặp thì đâu nên nỗi. Chỉ cần cái nhíu mày phụng phịu của thằng nhỏ cũng khiến Mến mềm lòng. Bỗng nhiên bây giờ Mến thấy thương gã Khú quá, bị chính đứa con mình bỏ quên ngay trong căn nhà. Thằng nhỏ tay bóp chân cho gã Khú mà ánh mắt cứ mắc lại ở khoảng sân có cái ô tô tí hon nằm đó.
Tin Dương bệnh nặng sắp sửa trở về quê để sống nốt những ngày cuối đời bên mẹ già khiến Mến sững người. Nhưng chết lặng là lúc Quỳnh đổ gục trên vai Mến nức nở. Người phụ nữ bốn mươi và chưa chồng nức nở vì một thằng bạn đã mười mấy năm biệt tăm biệt tích. Người đàn ông ấy tưởng chừng như đã vĩnh viễn biến mất khỏi những câu chuyện của Mến và Quỳnh. Vậy mà bây giờ Quỳnh khóc, nhả ra từng chữ xé lòng “Tao xin lỗi, Mến ơi!”.
Sau ngày hôm ấy, Mến nhận lại từ tay Quỳnh một xấp thư dày cộp của Dương mà bao năm Quỳnh cất giấu chúng. Mến chợt nhớ những bước chân thất thểu, mỏi rạc từ nhà Quỳnh đi về trong nỗi vô vọng, tủi hờn. Chắc Quỳnh sẽ nhìn thấy tất cả điều đó và trải qua những cảm giác đó như Mến. Mà không, sẽ là đau đớn, quặn thắt hơn bội phần. Bởi những lá thư Quỳnh cầm trên tay là người đàn ông Quỳnh thương viết cho người con gái khác.
Trong đêm, Mến bần thần nhìn xấp thư chưa mở, lòng ngổn ngang, chật chội. Ký ức tưởng như ngủ vùi từ lâu bỗng xào xạc như đám lá khô. Thật may có cái cựa mình gọi “mẹ ơi” của thằng nhỏ, rồi tiếng ngáy thân thuộc như tiếng đá lở của gã Khú đã kéo Mến trở về với thực tại. Mến vén màn ra khỏi giường với xấp thư trên tay và năm lá thư của ngày xưa. Ở một góc sân, giữa đêm mịt mùng tối thẳm, có một đám lửa sáng rực lên. Chốc lát, tất cả chỉ còn là một đám tro tàn ngày cũ. Mến thấy lòng mình chợt bình yên như buổi sáng hôm nào nghe tiếng khóc oe oe của đứa trẻ nhà bên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.