“Trói cẳng chim trời”

26/01/2011 00:40 GMT+7

Theo quy định của UBND TP.HCM, từ ngày 1.1.2011, người hành nghề xe ôm phải có thẻ hoạt động do cơ quan thẩm quyền cấp, nếu không sẽ bị xử phạt từ 40.000 - 60.000 đồng.

Quy định là thế, song “giờ G” đã qua hơn cả tháng mà đa phần tài xế xe ôm vẫn hoạt động không thẻ. Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông - đến nay vẫn chờ tổng hợp các kiến nghị, khó khăn của quận huyện để trình UBND TP xem xét. Như vậy, việc cấp thẻ xe ôm lại đi vào “vết xe đổ” của quy định cấm xe ba bánh trước đây hay rất nhiều quy định khác, đều được thực hiện theo kiểu "đến hẹn lại dời". Nguyên nhân là quy định đưa ra thường mang tính áp đặt, không có lộ trình phù hợp thực tế.

Trước đó, Thông tư 08/2009 của Bộ GTVT (về hướng dẫn sử dụng xe thô sơ, gắn máy và các loại xe tương tự vận chuyển hành khách, hàng hóa) đã tạo hướng mở khi chỉ đưa ra những nguyên tắc chung và giao UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình địa phương để quy định cụ thể hoạt động xe ôm. Thế nhưng, TP.HCM lại đưa ra những quy định quá khắt khe và thiên về áp đặt, khi đòi hỏi xe ôm phải có thẻ và muốn cấp thẻ phải có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú (KT3), quy định các điểm đón, trả khách và thậm chí thống kê số lần chở khách trong từng quý.
 
Xe ôm là loại hình vận chuyển khách rất tự do và việc đưa vào khuôn khổ bằng mệnh lệnh hành chính khó mà khả thi. Chủ tịch Hiệp hội ô tô VN, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ví von quản lý xe ôm chẳng khác nào "trói cẳng chim trời". Bởi thực tế, em sinh viên cũng có thể chạy xe ôm ngoài giờ học, anh công chức tranh thủ làm thêm sau giờ làm, hôm nay họ chạy, mai họ nghỉ, lúc chạy chỗ này, khi chạy chỗ khác, thế thì quản lý làm sao? Theo ông Hùng, việc tổ chức thành các nghiệp đoàn và cấp thẻ để tài xế xe ôm hoạt động kỷ luật, chuyên nghiệp là điều cần thiết và nên khuyến khích, nhưng đưa ra quy định mang tính bắt buộc trong bối cảnh chúng ta chưa thể quản lý như hiện nay thì quả là nan giải. Làm sao phân biệt được tài xế xe ôm với bao nhiêu người dân chạy xe máy bình thường khác để mà quản lý và xử phạt họ!

Người dân còn nhớ hồi năm 2007, TP.HCM đưa ra bản kế hoạch gồm 8 giải pháp cấp bách để kéo giảm ùn tắc giao thông, trong đó yêu cầu giải tỏa trắng vỉa hè trên toàn TP trong vòng 10 ngày! Kế hoạch này đã phá sản từ khi còn trên giấy, vì ai cũng biết thực trạng lấn chiếm vỉa hè tại TP.HCM nan giải đến thế nào và để giải quyết cần cả một quá trình, với những giải pháp đồng bộ đi kèm, chứ không thể áp đặt bằng một mệnh lệnh hành chính là xong. Tương tự, chấn chỉnh xe ôm là cần thiết để đưa hoạt động vận tải này vào nền nếp, song cần có lộ trình phù hợp thực tế và trình độ quản lý. Nếu đưa ra quy định không khả thi để rồi những quy định ấy cứ nằm mãi trên giấy mà chẳng thể nào bước vào cuộc sống, rõ ràng những nhà quản lý đang tự làm khó mình và cũng phần nào tạo nên tâm lý “lờn thuốc” trước quy định pháp luật của một bộ phận người dân.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.