(iHay) Trời Sài Gòn mấy hôm nay bên nắng đốt bên mưa quây, làm tôi nhớ da diết món bánh quai vạc thân thương quê mình.
Kết hợp với nước mắm đặc quánh, bánh sẽ ngon hơn
Món bánh quai vạc ở Phan Thiết (Bình Thuận) quê tôi khiến rất nhiều người mê, đặc biệt là khi ăn những lúc trời mưa rả rích.Hương vị beo béo của thịt, của tôm cộng với cái dai dai của bột và mùi thơm nồng từ hành phi, hành lá làm cho món bánh dân dã này quyến rũ. Tôi không biết bánh quai vạc có từ bao giờ, chỉ nhớ ngày mình khôn lớn đã thấy gia đình, người thân làm bánh này vào mỗi cuối tuần. Câu đầu tiên của khách phương xa đến Phan Thiết là tiệm bánh quai vạc nào ngon nhất để mua về làm quà. Tôi luôn tự hào vì mình không chỉ biết quán nào bán ngon mà còn có thể tự làm thường xuyên bánh quai vạc ngay giữa đất Sài Gòn này để tặng người thân, bạn bè và cũng để vơi nỗi nhớ quê, nhớ ba tôi.
Bánh quai vạc là làm cũng không quá khó. Bạn chỉ cần bỏ chút thời gian để bắt bánh, bỏ nhân và luộc lên mà thôi. Bánh phải làm bằng bột mì (tinh) thì mới có độ dai, dòn và trong. Trộn bột với nước sôi đến khi bột đạt độ dẻo, mịn theo ý muốn rồi bạn dùng tay hoặc dao cắt thành từng viên nhỏ (lớn hơn viên bi). Một số người thường dùng chai để cán bột ra rồi bỏ nhân vào gấp lại. Tôi thì thích dùng tay để mân mê và bóp dẹp từng chiếc bánh rồi bỏ nhân tôm, thịt vào. Phần nhân bánh cũng cực kỳ quan trọng. Bạn nên chọn tôm biển thật tươi. Nếu tôm lớn nhớ cắt làm 3, còn tôm nhỏ để nguyên con. Thịt ba rọi cũng chọn loại tươi mới để bánh đạt độ thơm ngon.
Cả thịt và tôm đều kho rim bình thường như vẫn kho để ăn cơm (đường, mắm ngon, hành củ, tiêu, hạt nêm...). Sau khi bỏ nhân vào và làm bánh xong, bạn hãy bắc nồi nước thật sôi để luộc bánh. Khi bánh nổi hết lên mặt thì vớt ra và nhúng vào nước lạnh.
Cách làm này sẽ rửa bớt phần bột nhờn trên bánh và để bánh được dai, dòn, trong hơn. Để bánh không bị dính, bạn khử hành lá, hành củ thật thơm rắc lên trên. Bạn nhớ giữ màu xanh cho hành lá để bánh được quyến rũ hơn. Ăn bánh quai vạc, phần quyết định ngon, dở còn tùy vào nước chấm. Có người thích ăn cùng nước mắm chua ngọt, người thích ăn mắm mặn, nhưng cách làm nước chấm của người dân quê tôi là phải đặc quánh lại và ngọt. Tôi thường đun sôi nước mắm với đường để đạt độ đậm đà và sền sệt của nước chấm. Khi ăn, bạn nhớ thêm ớt và vài giọt chanh hoặc quất. Cũng có người thích thêm tóp mỡ chiên giòn nhưng gia đình tôi vốn ngại dầu mỡ nên bỏ qua nguyên liệu này.
Nếu như bạn thích ăn chay thì cứ thay tôm thịt bằng đậu xanh; thay nước mắm bằng nước tương (nhớ kho nước tương để đạt độ thơm ngon), hẳn sẽ có ngay món chay tuyệt vời. Tôi còn nhớ như in ngày còn bé, cả xóm tôi ai ai cũng làm bánh quai vạc “chay” (không nhân). Nói chay cho sang thôi vì lúc đó bởi quá nghèo nên làm gì kiếm đâu ra tôm, ra thịt để mà làm nhân. Chỉ ra vườn nhổ bụi hành rồi phi thơm bỏ lên. Vậy mà chúng tôi ăn lấy ăn để như các món cao lương mỹ vị bây giờ.
Trời Sài Gòn mấy hôm nay lại mưa. Ngồi nhâm nhi đĩa bánh quai vạc nóng hòa với nước chấm cay nồng bên cạnh bạn bè, lòng tôi lại nao nao nhớ quê nhà.
Nhồi bột với nước sôi
|
Bột sau khi nhồi xong để bắt bánh
|
Bỏ nhân vô bánh
|
|
.Bánh trước khi luộc
|
Luộc bánh. Bánh sau khi luộc sẽ nổi lên
|
|
|
Chiếc bánh có lớp áo "xuyên thấu" quyến rũ khiến bao người nhớ da diết
|
Bánh sau khi thành phẩm bỏ hành phi và hành lá lên trên cho hấp dẫn
|
Bình luận (0)