Trồng dưa hấu trên đất ruộng

03/05/2016 08:30 GMT+7

Nhờ đưa cây dưa hấu xuống ruộng vào vụ xuân hè mà ông Trần Công Danh đã cải thiện được độ màu mỡ cho đất và có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Tăng độ màu cho đất


Với thành tích đạt được cùng những đóng góp cho địa phương, ông Danh đã được UBND TP.Cần Thơ, UBND H.Thới Lai tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2015, ông còn được nhận bằng khen của Ban chấp hành T.Ư Hội Nông dân VN vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015.

Ông Danh (46 tuổi, ngụ ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, H.Thới Lai, TP.Cần Thơ) cho biết trước đây, ông làm lúa 3 vụ nhưng càng trồng đất càng bạc màu, năng suất giảm nên thu nhập khá bấp bênh. Có cơ hội được đi nhiều nơi, ông thấy bà con luân canh 2 lúa - 1 màu, đặc biệt là cây dưa hấu, đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giúp cải thiện độ màu mỡ của đất nên ông quyết định làm theo.
“Năm 2000, tôi bắt đầu trồng thí điểm 3 liếp dưa hấu trên ruộng lúa với chế độ phân, thuốc khác nhau. Khi chọn ra được liếp dưa đạt năng suất cao nhất, tôi mới áp dụng vào sản xuất đại trà”, ông Danh nói.
Sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, thay vì tiếp tục xuống giống vụ xuân hè, ông chuyển đổi 1,3 ha đất sang trồng dưa hấu. Ông cho máy gặt đập liên hợp cắt sát gốc lúa, rồi tiến hành làm đất. Trước tiên, ông chia rãnh đào đường nước để trữ nước tưới trong mùa khô hạn và thoát nước mưa, sau đó lên liếp, phủ một lớp rơm rồi tiến hành gieo hạt. Khi cây con lên được từ 5 - 7 ngày bắt đầu tưới phân, 10 - 12 ngày bón phân tống gốc và tiếp tục cho đến lúc dây dưa ra trái. Đặc biệt, ông luôn tuân thủ thời gian cách ly phân, thuốc khoảng 7 ngày trước khi thu hoạch để đảm bảo chất lượng dưa.
Theo ông Danh, thời gian trồng dưa từ 55 - 57 ngày, trong khi lúa khoảng 90 ngày mới cho thu hoạch. Vụ vừa qua, ruộng dưa của ông đạt năng suất từ 2,7 - 3,1 tấn/công, với giá bán dao động 3.200 - 5.500 đồng/kg, trừ chi phí còn lời 5 - 7 triệu đồng/công. Nếu so với trồng lúa vụ xuân hè chỉ lời từ 1,8 - 2 triệu đồng/công thì lợi nhuận từ trồng dưa cao gấp 2 - 3 lần. Thêm vào đó, sau vụ dưa, nông dân có thời gian để đất khô, lượng phân còn sót lại cộng với dây dưa phân hủy sẽ trả lại lượng chất hữu cơ cho đất. “Nếu trồng lúa 3 vụ phải bón mỗi công 50 kg phân thì luân canh 2 vụ lúa - 1 vụ dưa hấu, tôi chỉ cần 30 kg mà năng suất lúa lại cao hơn khoảng 100 kg/công”, ông Danh cho biết.
Thành lập tổ hợp tác 2 lúa - 1 màu
Nhờ mô hình luân canh 2 lúa - 1 màu mà gia đình ông Danh từ một hộ khó khăn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Nhiều bà con trong xã thấy mô hình của ông đạt hiệu quả cao đã đến học hỏi kinh nghiệm và được ông tận tình hướng dẫn. Năm 2015, địa phương thành lập Tổ hợp tác 2 lúa - 1 màu, gồm 33 thành viên, với tổng diện tích hơn 42 ha, do ông Danh làm tổ trưởng. Từ khi thành lập đến nay, ông Danh đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các thành viên đưa cây màu xuống ruộng.
Mấy năm qua, ngoài hỗ trợ kỹ thuật trồng dưa, ông Danh còn đứng ra bảo lãnh cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn mướn đất, mua thiếu phân thuốc đến cuối vụ mới thanh toán. Năm 2015, ông đã đưa 4 hộ thoát nghèo thành công nhờ mô hình 2 vụ lúa - 1 vụ dưa. “Trước đây, gia đình tôi sống bằng nghề chăn vịt nên thường xuyên thiếu trước hụt sau và còn mang nợ. Nhờ được ông Danh và các anh em trong tổ giúp đỡ, vụ này tôi mướn đất trồng gần 2 ha dưa hấu, năng suất đạt 35 tấn/ha, thu lời gần 80 triệu đồng”, anh Trần Văn Trung (35 tuổi, ngụ ấp Thới Phước 1) chia sẻ.
Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân H.Thới Lai, cho biết: “Nhờ nắm vững kỹ thuật, cách phòng trừ sâu bệnh và tìm được đầu ra ổn định nên mô hình luân canh 2 lúa - 1 màu của ông Danh cũng như tổ hợp tác đã đạt được kết quả khả quan. Đây là mô hình rất đáng học hỏi, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập ổn định bên cạnh việc trồng lúa bấp bênh như hiện nay”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.