img

Họ cũng chính là đội ngũ tiên phong, là nhân tố đi đầu trong đổi mới, sáng tạo góp phần đưa kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, hội nhập.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập ngày Doanh nhân Việt Nam, Thanh Niên đã ghi nhận các ý kiến của giới chuyên gia về vai trò cũng như sự đóng góp của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang đứng trước một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số.

Trong kỷ nguyên số, vai trò của doanh nhân là không thể thay thế- Ảnh 1.

Các doanh nhân đã thật sự đồng hành với sự phát triển của kinh tế đất nước giai đoạn vừa qua. Trước hết, các doanh nhân cùng doanh nghiệp đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động. Nhiều địa phương khi có lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh thì kinh tế - xã hội cũng phát triển hơn. Rất nhiều thương hiệu từ những lĩnh vực truyền thống đã được các doanh nhân phát triển, đưa lên tầm cao hơn. Từ đó nhiều doanh nghiệp không chỉ chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong nước mà còn tham gia vào các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, vươn ra thị trường thế giới.

Gần đây, các doanh nghiệp Việt cũng đã chuyển mình theo xu hướng phát triển bền vững, thực hiện sản xuất xanh, giảm khí thải nhà kính theo cam kết của Chính phủ, bảo vệ môi trường. Họ cũng không quên thực hiện trách nhiệm xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong các giai đoạn dịch bệnh, thiên tai bão lũ.

Điều tôi kỳ vọng và mong mỏi sắp tới, Việt Nam sẽ có thêm nhiều doanh nhân lãnh đạo công ty hoạt động chuyên nghiệp, bài bản hơn, dựa trên tinh thần doanh nhân là đổi mới sáng tạo. Đổi mới về sản phẩm, giải pháp mang tính dẫn dắt, cạnh tranh dựa trên năng lực của chính mình. Với vị thế của Việt Nam, những chuyển biến mới của kinh tế đất nước thì các doanh nghiệp sẽ đóng góp tích cực hơn nữa trong quá trình vươn lên của cả nước. Các doanh nhân sẽ tiếp tục là nhân tố cốt lõi để góp phần chuyển dịch nền kinh tế theo hướng hiện đại. Từ đó Việt Nam sẽ có những nhà tư bản nội địa thật sự, hoạt động sản xuất công nghệ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Chính đội ngũ doanh nhân mới là người dám nghĩ dám làm, cùng đồng hành trong một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để vươn lên thành nước có thu nhập cao.


Trong kỷ nguyên số, vai trò của doanh nhân là không thể thay thế- Ảnh 2.

Sau nhiều năm kinh tế phát triển, vai trò của các doanh nhân càng được thể hiện rõ. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần phát triển kinh tế - xã hội và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Nhiều doanh nhân đã dám nghĩ, dám làm, đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực như sản xuất xe hơi, sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao… Các thương hiệu Việt cũng dần dần tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Trong những giai đoạn cực kỳ khó khăn của kinh tế như đại dịch Covid-19 hay nhiều tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng từ cơn bão số 3 vừa qua, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã thể hiện rất rõ tinh thần sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ, đóng góp cực kỳ to lớn trong việc hỗ trợ cho người dân. Điều này không chỉ mang đậm tính nhân văn của người Việt nói chung mà còn có tinh thần tử tế, sẻ chia của doanh nhân. Trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới biến động khó lường, trách nhiệm và vai trò của cộng đồng doanh nhân càng lớn hơn và tôi tin cộng đồng này sẽ tiếp tục góp phần nâng cao vị thế của đất nước.

Các nghị quyết, chính sách của lãnh đạo cấp cao nhất đã được ban hành gần đây như Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, ban hành tháng 10.2023 đã công nhận vai trò, đóng góp của doanh nhân. Từ đó cũng sẽ có những thuận lợi để doanh nghiệp và doanh nhân có thêm động lực, cơ hội phát triển mạnh hơn.


Trong kỷ nguyên số, vai trò của doanh nhân là không thể thay thế- Ảnh 3.

Từ trước đến nay, tôi luôn nhấn mạnh quan điểm: Trong mọi giai đoạn của kinh tế, của lịch sử phát triển, doanh nghiệp luôn là nhóm đầu tàu dẫn dắt. Kinh tế Việt Nam có thể thành công được như bây giờ, từ một nước nông nghiệp lạc hậu nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé tiến vào top nền kinh tế lớn nhất toàn cầu; từ một nền kinh tế đóng cửa khép kín trở thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu một cách toàn diện và sâu rộng… là nhờ công lớn của lực lượng doanh nghiệp. Trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, doanh nghiệp cũng là tuyến đầu chống dịch. Qua đại dịch, niềm tin của chính quyền đối với khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân cũng được củng cố hơn, đẩy mạnh hơn.

Hay mới đây nhất, Chính phủ điện tử của Việt Nam thăng hạng 15 bậc vào nhóm có EGDI (chỉ số phát triển Chính phủ điện tử) ở mức rất cao, cũng là thành quả đến từ sự năng động của doanh nghiệp, tạo nên cuộc bùng nổ của kinh tế số, các dịch vụ số. Sự đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc này là đặc biệt đáng ghi nhận, khi hai trục chỉ số chính tạo đột phá là nguồn nhân lực ghi nhận tăng 36 bậc; hạ tầng viễn thông tăng 7 bậc.

Điểm qua vài cột mốc để thấy ở Việt Nam, doanh nghiệp lúc nào cũng là trụ cột, là khu vực phát triển nhanh nhất, mạnh nhất. Song doanh nghiệp như cái cây, để phát triển được thì phải được trồng trên vùng đất tốt - ở đây được hiểu là thể chế, là môi trường kinh doanh. Cây có thể lớn nhanh trong một giai đoạn, nhưng nếu đến lúc nào đó đất không còn đủ dưỡng chất cung cấp thì cây sẽ héo mòn rồi chết. Đúng là điểm mạnh của khối doanh nghiệp Việt là rất giỏi chống chịu, mềm dẻo, thích ứng nhanh nhưng phải được phát huy bằng môi trường chính sách. Hệ thống cơ chế không cần "trải thảm", không cần hỗ trợ quá nhiều mà chỉ cần không "rải đinh", tạo môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng, có thể giúp lực lượng doanh nghiệp phát huy triệt để tiềm năng, cơ hội, đưa kinh tế Việt Nam bứt tốc trong kỷ nguyên mới.


Trong kỷ nguyên số, vai trò của doanh nhân là không thể thay thế- Ảnh 4.

Kinh tế muốn phát triển phải có lực lượng để làm kinh tế, đó là doanh nghiệp, là các doanh nhân. Doanh nhân là những người hội tụ những phẩm chất mà các nguồn nhân lực khác không có: Thứ nhất là dám chấp nhận rủi ro. Doanh nhân là những người nhìn thấy được cơ hội từ thị trường để kinh doanh kiếm lời, nhưng cơ hội càng lớn thì rủi ro càng lớn. Nếu không dám chấp nhận rủi ro mà chỉ mang tiền đi gửi tiết kiệm thì đâu thể trở thành doanh nhân. Như trường hợp ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, đầu tư vào ô tô, vào xe điện phải chấp nhận rủi ro rất lớn vì cạnh tranh với anh là những ông lớn của Trung Quốc, của Mỹ. Nếu anh không dám làm thì Việt Nam đâu có VinFast của ngày hôm nay.

Thứ hai, doanh nhân là đối tượng có thể tập hợp được các nguồn lực. Như làm xe điện, đâu phải chỉ có tiền là được. Anh phải có công nghệ, phải có quan hệ, phải hiểu về thị trường… Hay làm nông nghiệp, ta cứ nói 3 "nhà" là "nhà nước", "nhà khoa học", "nhà nông", nhưng có lẽ quan trọng nhất phải là "nhà doanh nghiệp", bởi nếu không có doanh nghiệp đứng ra tập hợp, kết nối thì sẽ không đối tượng nào có đủ cả động lực và nguồn lực để làm. Có "nhà doanh nghiệp" thì chúng ta muốn mô hình 4 "nhà", 5 "nhà", thậm chí 10 "nhà" cũng đều được. Trong giai đoạn kinh tế bước vào kỷ nguyên số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển công nghệ, vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp càng không thể thay thế.


Trong kỷ nguyên số, vai trò của doanh nhân là không thể thay thế- Ảnh 5.

Dân gian có câu "phi thương bất phú". Thương ở đây không chỉ là buôn bán mà còn là sản phẩm, sản xuất và dịch vụ. Tiếp cận từ góc độ này ta thấy, doanh nhân không đơn thuần là một người làm kinh doanh buôn bán, mà còn là người xác định rõ bản thân cần thực hiện một sứ mệnh riêng. Sau gần 40 năm đổi mới, lực lượng doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, phát triển liên tục cả về chất lượng và số lượng. Đáng nói, so với 20 năm trước, doanh nghiệp Việt đã hình thành một số thương hiệu lớn, thế giới biết đến và trở thành bạn hàng uy tín với nhiều đối tác quốc tế.

Doanh nhân luôn là lực lượng đi đầu trên mặt trận kinh tế, đóng góp chủ yếu vào nguồn thu ngân sách, cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Điều đáng trân trọng nhất ở họ là trong dịch bệnh, thiên tai, khó khăn ập tới, họ là đối tượng bị ảnh hưởng, chịu nhiều thiệt thòi nhất. Song vì doanh nghiệp, vì người lao động, vì sự phát triển của kinh tế đất nước, họ không buông bỏ, chấp nhận hy sinh quyền lợi của cá nhân và gia đình mình để cùng mọi người vượt khó.

Theo tôi, điểm hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp Việt là tài lực còn yếu để có thể đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Đó là chìa khóa để doanh nghiệp thành công trong môi trường kinh doanh quá nhiều cạnh tranh, khốc liệt. Nên chăng Chính phủ sớm thành lập quỹ để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này cấp bách lắm rồi. Trước làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng lớn, doanh nghiệp Việt toàn nhỏ đến nhỏ li ti, nếu không nhanh chóng đổi mới, sáng tạo, rất khó chen chân vào chuỗi giá trị.


Trong kỷ nguyên số, vai trò của doanh nhân là không thể thay thế- Ảnh 6.

Thế nhưng, đôi khi chúng ta quên mất hoặc không nhìn thấy để có sự thành công, họ đã hy sinh, trả giá thế nào. Trong gian khó, vai trò của doanh nhân ngày càng thể hiện rõ nét. Tôi thấy doanh nhân Việt ngày càng chứng tỏ sự kiên cường, bản lĩnh, cực kỳ dũng cảm và nhân văn, đặt để trách nhiệm đối với xã hội ngày càng lớn. Lấy dẫn chứng như cơn bão lũ lịch sử vừa xảy ra trong tháng 9, doanh nghiệp trong vùng bão lũ bị thiệt hại vô cùng nặng nề, mất tiền tỉ đến hàng trăm tỉ đồng, nhưng ngay lập tức, điều họ quan tâm là làm gì để hỗ trợ, đồng hành cùng Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân, chính quyền vượt cơn hoạn nạn. Rõ ràng chẳng ai đề nghị họ lúc đó, nhưng doanh nhân tự coi như trách nhiệm của họ đối với xã hội, tài trợ xây lại nhà cho người dân mất nhà, tài trợ hàng tấn nhu yếu phẩm cho người dân trong khi chính nhà máy của mình đang chìm trong nước, mái nhà xưởng bị bão cuốn đi hết… Thực tế, chứng kiến những hình ảnh đẹp đó, rất xúc động lẫn tự hào.

Qua đó, những nhà nghiên cứu, làm chính sách cần suy nghĩ, chúng ta đã và đang làm gì để hỗ trợ lại doanh nhân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, phục hồi kinh tế? Theo tôi, cải cách hành chính của chúng ta từng phát triển mạnh mẽ trong những năm 2014 - 2017 nay đã có dấu hiệu chững lại khá lâu. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, số lượng các điều kiện kinh doanh cắt bỏ của các cơ quan quản lý trong tầm 5 năm trở lại đây rất ít, hoặc chỉ cắt bỏ những điều kiện kinh doanh ít có ý nghĩa, chưa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Gần 15.800 quy định kinh doanh được cập nhật, công khai, thế nhưng trong giai đoạn 2021 - 2023, chúng ta chỉ đơn giản hóa chưa tới 2.800 quy định tại 224 văn bản quy phạm pháp luật. Con số cắt giảm quá khiêm tốn. Điều kiện kinh doanh tạo quá nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh, ẩn chứa rủi ro, tạo gánh nặng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp.

Chúng tôi kiến nghị cần tháo bung các rào cản để doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn thoải mái, dễ dàng hơn. Đã đến lúc cải cách hành chính cần liều doping để tăng tốc trở lại.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.