Chúng tôi tìm đến ngôi làng của những cô gái cổ dài ở ngoại ô Chiang Mai (Thái Lan) vì hiếu kỳ, như mọi du khách khác và nhận ra rằng nụ cười của những người dân hiền lành nơi đây còn lấp lánh và cuốn hút hơn cả chiếc cổ cao đeo bộ vòng sáng lóa ánh vàng của họ.
Dù đã nghe dọa sẽ bị “móc túi” vì cách làm du lịch chuyên nghiệp “tất cả quy ra tiền” trong ngôi làng của người cổ dài ở ngoại ô cố đô Chiang Mai, dù biết đây chỉ là ngôi làng được dựng lên để làm du lịch cho con cháu của bộ tộc người Kayan cổ dài từ Myanmar di cư sang Thái Lan từ thế kỷ 17, nhưng chúng tôi vẫn không thể bỏ qua nơi này, chỉ bởi muốn tận mắt thấy những cô gái có chiếc cổ cao lạ kỳ.
Khi xe dừng trước con đường dẫn vào làng, tất cả ào xuống và... chưng hửng. Làng vắng hoe, lúp xúp những quán hàng mái tranh vách nứa treo la liệt khăn thổ cẩm, hệt như Bản Lác ở Mai Châu bên nhà. Chẳng thấy các bà, các mẹ ngồi sau khung cửi hay xay thóc, giã gạo “làm hàng” như trong các cuốn catalogue bày la liệt khắp các khách sạn, nhà hàng ở Chiang Mai, chẳng thấy có ai thu vé vào cửa 50 baht, cũng chẳng thấy các cô gái cổ dài tươi cười làm mẫu chụp ảnh với giá 3USD trước một đám đông lố nhố khách du lịch chen nhau bấm máy ảnh xoành xoạch... như những người đi tour về “chém gió” hay như người ta viết trên báo, trên mạng.
Chúng tôi ghé vào một quầy hàng ven đường, lòng đầy ngờ vực rằng đây không phải là làng cổ dài “xịn”. Nhưng khi thấy những bức phù điêu, tượng gỗ hình cô gái cổ dài bé xíu quấn những vòng dây đồng làm vòng cổ trên chiếc sạp tre, mọi nỗi hồ nghi đều quên biến. Mải ngó nghiêng, chọn lựa, ngẩng lên mới thấy một cô bé bán hàng chừng 15-16 tuổi nép bên cột tre. Trong ánh sáng lờ mờ của gian hàng, những chiếc vòng cổ, vòng tay của cô bé sáng lóa, như nụ cười bẽn lẽn, làm sáng bừng khuôn mặt bầu bĩnh tuổi trăng rằm.
Quả thật, bộ vòng sáng lấp lánh quá cao so với cái cổ mảnh dẻ của một cô bé mới 15, nhưng chúng tôi thấy nó thật đẹp và duyên dáng, hoàn toàn không có chút gì là kỳ dị, giống gông cùm, hay lêu đêu giống hươu cao cổ, biến cô bé cũng như nhiều phụ nữ Kayan khác thành những người trình diễn cái cổ dài của chính mình như trong một gánh xiếc, như các trang báo và trang web đã viết.
Nhưng khi gặp những người phụ nữ đeo đến hơn 20 cái vòng trên chiếc cổ cao hơn gang tay ngồi bình thản bán hàng, chúng tôi chỉ thấy là lạ với cách làm đẹp truyền thống của phụ nữ Kayan, chứ không tò mò hỏi xem các bé gái Kayan đeo vòng từ năm mấy tuổi, đeo vòng để làm đẹp, chống thú dữ hay làm gì khác nữa, có đúng cứ 4 năm lại đeo thêm vòng mới nặng thêm 1kg, 2kg..., cũng chẳng hiếu kỳ đến mức muốn sờ mó và nhấc thử xem có đúng bộ vòng hơn 20 chiếc ấy có nặng đến cả 10kg hay không. Tôi nghĩ cũng không nhiều khách du lịch hiếu kỳ đến mức khiếm nhã như báo, mạng vẫn viết thế. Bởi sau một lúc tíu tít trả giá, hỏi chuyện, mua dăm ba cái vòng tay chẳng đáng tiền, thậm chí chẳng mua gì, những cô gái bán hàng đều vui vẻ lấy chiếc vòng cổ giả cao chừng 12cm nặng trịch đeo cho từng đứa chúng tôi để cùng chụp ảnh. Những cái cổ ngắn choằn cứ cố nghển mãi lên vẫn chẳng vừa, mặt cứ vênh vênh ngửa lên trời trong tiếng cười vui vẻ. Chẳng một câu đòi tiền, cũng chẳng thấy chèo kéo mua hàng.
Phía ngoài, bọn trẻ con ở đâu kéo đến, ngó nghiêng rồi ré lên cười như nắc nẻ. Tôi biết, trong ánh mắt đen láy, trong veo của lũ trẻ, chúng tôi là những người cổ ngắn kỳ dị, xấu xí. Quên cả mua hàng, quên cả chiếc vòng cao ngất đeo trên cổ, chúng tôi ùa ra với đám trẻ, chia kẹo, đùa nghịch, chụp ảnh chung tíu tít. Các bà, các chị đang trông quán hàng bên cạnh cũng ngó nhìn đám đông huyên náo ấy đầy trìu mến. Chợt thấy bình dị, hồn nhiên như đang ở một bản Mông, bản Thái trên đường Tây Bắc.
Rồi lũ trẻ chạy túa đi, chúng tôi cũng quay lại quán hàng mua tiếp bức tượng gỗ, rồi lang thang chăm chú xem cô gái trẻ dệt tấm khăn thổ cẩm trên chiếc chõng tre, đứa mò mẫm vòng ra đằng sau khu lán, ngắm những mái nhà tranh đơn sơ kề bên những mảnh ruộng nhỏ đang đổ mạ xanh rờn. Cuộc sống giản dị, buồn tẻ, như câu chuyện rủ rỉ thoáng buồn của bà mẹ đeo chừng 20 chiếc vòng sáng lấp lánh, rằng nhiều người Kayan cả đời chỉ biết có ngôi làng bé xíu này. Đàn ông thì làm ruộng, phụ nữ bán hàng, nhiều đứa trẻ không được đi học, lớn lên cũng chỉ biết làm ruộng, bán hàng như cha mẹ chúng. Nhưng họ cũng không thể quay lại bản làng nằm sâu tít trong rừng thẳm ở Myanmar gần biên giới Thái Lan, nơi bộ tộc Kayan vẫn sinh sống ngàn đời qua với những nét truyền thống của riêng mình.
Câu chuyện cùng ánh mắt thoáng buồn của bà mẹ khiến túi đồ lỉnh kỉnh phù điêu, tượng gỗ của chúng tôi trĩu nặng. Nhưng chỉ thoáng chốc, tiếng cười như nắc nẻ của lũ trẻ chân đất lại rộn ràng, khiến bà mẹ lại mỉm cười đôn hậu, khiến chúng tôi cũng thấy nhẹ lòng và lại cùng cười với nụ cười lấp lánh của những cô gái cổ dài duyên dáng, hiền lành giữa một trưa vắng bình yên.
Theo Lao Động
Bình luận (0)