Trong thế giới chợ đen - Kỳ 1: Nơi nảy sinh nghề phe vé

20/11/2008 13:34 GMT+7

Chạy theo quy luật cung cầu, họ là những người mua đi bán lại những tấm vé tại các tụ điểm vui chơi giải trí, bến ga, tàu... để kiếm tiền chênh lệch và xem đó là nghề mưu sinh thực thụ. Song, để sống được trong thế giới chợ đen không phải là điều đơn giản

Không biết nghề bán vé chợ đen có từ bao giờ, song theo nhiều người trong nghề cũng như những bậc cao niên sinh sống lâu năm tại Sài Gòn, nó đã có từ trước năm 1975 và dường như hình thành, sinh sôi nảy nở từ vận động trường Cộng Hòa (nay là sân vận động Thống Nhất).

Hết kế mưu sinh

Ông Nguyễn Phục, một người hâm mộ bóng đá từng sinh sống ở khu vực đường Nguyễn Kim - Tân Phước cạnh sân Thống Nhất trên 50 năm nay, nhớ lại: “Trước năm 1975, người đến xem đá bóng cũng rất đông nhưng hiếm có cảnh dân chợ đen tràn ra đường kéo níu mời mọc mua vé như sau này. Song, vài trận đấu hấp dẫn như chung kết giải “1-11” giữa VN và Nam Dương (tức Indonesia) năm 1972, hay trận Tuyển Sài Gòn gặp đội Hertha - Đức năm 1973, tôi nhớ có thấp thoáng vài người thậm thụt bán vé chợ đen trước cổng sân vận động. Tuy nhiên, cảnh buôn bán chợ đen không mấy xô bồ vì họ rất sợ cảnh sát”.

Vào những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, do còn nhiều khó khăn nên điều kiện sinh hoạt giải trí ở TPHCM khá hạn chế và bóng đá gần như là món hấp dẫn nhiều người nhất. Ông Phục cho biết: “Làn sóng vé chợ đen ở sân Thống Nhất rộ lên có lẽ từ trận đấu giữa các đội bóng ở TPHCM gặp đội Tổng cục Đường sắt vào năm 1976. Lúc ấy, mua được chiếc vé vào xem trận bóng này rất gian nan. Trong khi nhiều người phải xếp hàng rồng rắn chờ mua vé thì bên ngoài, cảnh bán vé chợ đen rất tấp nập”.

Được ông Phục giới thiệu, tôi tìm gặp ông Lê Tấn Sang, ngụ gần sân vận động Thống Nhất, năm nay đã gần 60 tuổi song có trên 30 năm bán vé bóng đá chợ đen. Ông Sang cho biết cả vợ và các con ông cũng sinh sống bằng nghề này. “Sau ngày giải phóng, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tôi cùng gia đình phải đi vùng kinh tế mới, song cuộc sống vẫn chật vật nên đành phải quay về TP. Không nghề nghiệp, vốn liếng, lúc ấy thấy việc bán vé chợ đen ở sân Thống Nhất có thể sống đắp đổi qua ngày nên tôi quyết định liều theo xem sao” - ông Sang kể. Theo ông Sang, chính những năm bao cấp đầy khó khăn sau ngày giải phóng là cơ hội cho nghề buôn bán vé chợ đen sinh sôi nảy nở. “Khi ấy, người dân phải xếp hàng nộp phiếu, chờ đến lượt gọi tên để mua từng nhu yếu phẩm thì mua vé xem bóng đá cũng rất nhọc nhằn. Thế là dân chợ đen chúng tôi có đường mưu sinh” - ông Sang lý giải.

Ông Đỗ Phương, nhà ở đường Đào Duy Từ, quận 10, nhận xét: “Đã là dân chợ đen thì có lẽ đa phần đều là những người không có nghề mưu sinh nào khác”.

Cạnh tranh, ân oán khốc liệt

Ông Phương cho biết lâu ngày, giới chợ đen đã hình thành từng nhóm người sống chung trong một khu vực, hoặc có mối quan hệ gia đình, bè bạn... để san sẻ thông tin giá cả, đầu mối thu gom vé và khi cần thì có thể bênh vực lẫn nhau. Thoạt đầu, giới chợ đen sinh sống tập trung xung quanh sân Thống Nhất, sau đó lan rộng ra các khu vực trong quận 10 và một phần quận 5, quận 11. Từ những tay buôn bán lẻ vài chục vé mỗi trận bóng đá, dần dà thấy làm ăn được nên họ đã phát triển thành những nhóm lớn. Các nhóm này không chỉ phân chia lãnh địa làm ăn mà còn chạy đua trong việc tranh giành nguồn thu gom vé. “Nghề này cũng cạnh tranh, ân oán khốc liệt lắm, cho nên chúng tôi phải sống theo nhóm để có gì thì giúp nhau” – ông Phương nói.

Thời “hoàng kim” của giới chợ đen vé bóng đá có lẽ là vào những năm 1980. Ông N.T.T, từng là cán bộ phụ trách phân phối vé bóng đá ở sân Thống Nhất, nhớ lại: “Nhiều nhân viên bán vé bóng đá thời ấy đến nay nhắc lại vẫn còn ngán ngẩm. Trước giờ bán, hàng trăm dân chợ đen vây kín phòng vé. Họ chen lấn, la hét, chửi bới, hăm dọa để đòi mua vé. Chúng tôi biết họ là dân chợ đen thu gom vé nhưng không bán cũng không được, vì nếu làm căng quá thì nhận được nhiều lời hăm dọa ghê gớm”. Theo ông T., để hạn chế việc bị giới chợ đen thao túng, việc bán vé cũng được tổ chức theo sổ đăng ký hoặc giấy giới thiệu cho cơ quan, đơn vị. Ông T. lắc đầu: “Cách bao cấp này cũng rơi vào bế tắc khi cá nhân và cơ quan được phân phối vé, phần lớn không đúng đối tượng, lại cung cấp vé ra chợ đen”.

Và… “tai nạn nghề nghiệp”

“Ít ai có thể làm giàu nhờ buôn bán vé chợ đen, chỉ sống được qua ngày là mừng rồi” - ông Lê Tấn Sang bộc bạch - “Nghề này không dễ ăn đâu, nhiều hôm chúng tôi vừa thu gom vé vừa run, vì chỉ cần một cơn mưa lớn ập xuống, khán giả không đến xem là coi như “ôm” nợ. Khi ấy, chúng tôi đành bán đổ, bán tháo để gỡ gạc chút vốn”.

Bà Tư Bích, ngụ đường Nguyễn Tri Phương, năm nay gần 60 tuổi, cũng từng có vài mươi năm sống bằng nghề phe vé, tâm sự: “Dân chợ đen tụi tôi ngán nhất là gặp dân làm vé giả. Cũng vì nạn vé dỏm này mà giới chợ đen bị đánh đồng là buôn gian bán lận. Thật ra tụi tôi chỉ mua đi bán lại vé thật để kiếm chút tiền chênh lệch”. Theo bà Bích, dù mang tiếng là chợ đen nhưng nếu có cái tâm buôn bán đàng hoàng thì cũng tạo được uy tín cho người sành xem bóng đá. Ông Sang đồng tình: “Không ít người có nhu cầu xem bóng đá thường xuyên đã tin tưởng tôi, nhắn gửi mua vé và dần dà họ trở thành mối ruột”.

Dân bán vé chợ đen ở sân Thống Nhất đến nay vẫn còn nhớ như in một vụ “tai nạn nghề nghiệp” nhớ đời vào đầu năm 1982. Lúc ấy, giới hâm mộ bóng đá ở TPHCM khao khát chờ đón trận đấu giữa Tuyển TPHCM với Tuyển Quân đội Ấn Độ theo quảng cáo trên các băng rôn và báo đài. Trận đấu này đã tạo ra cơn sốt vé. Giới chợ đen hí hửng bỏ tiền ra thu gom vé đủ loại, đủ giá... và chờ đến “giờ G” là tung ra bán. “Thế nhưng, khoảng 30 phút trước lúc bóng lăn, một “hung tin” từ trong sân loan truyền ra bên ngoài cho biết không có đội tuyển nước ngoài nào thi đấu cả, chỉ có những thủy thủ trên tàu Ấn Độ đi du lịch ghé qua TP đá giao hữu. Thế là người hâm mộ đang nôn nao chờ mua vé đã ùn ùn bỏ về gần hết. Chúng tôi đành bán vé như cho, song cũng chẳng ai thèm mua” - ông Đỗ Phương nhớ lại.

Theo Thọ Trung / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.