Trọng trách và tắc trách

21/04/2012 03:01 GMT+7

Liên tiếp những thông tin gây sốc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm như thịt bẩn “tấn công” các thành phố, thịt heo nhiễm chất cấm gây ung thư, thịt gia súc gia cầm nhiễm vi sinh... được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến người dân lo lắng đến sự an toàn của mỗi bữa cơm của cả gia đình.

Liên tiếp những thông tin gây sốc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm như thịt bẩn “tấn công” các thành phố, thịt heo nhiễm chất cấm gây ung thư, thịt gia súc gia cầm nhiễm vi sinh... được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến người dân lo lắng đến sự an toàn của mỗi bữa cơm của cả gia đình.

Nhưng dư luận “sốc” hơn nữa khi phát hiện ra rằng, có những cán bộ thú y, những người chuyên làm công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, được ví như là người “gác cổng” cho bữa cơm của mỗi gia đình, bằng sự tắc trách, thậm chí là tiếp tay của mình đã góp phần làm cho tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch bệnh trầm trọng thêm.

Vụ việc “giải cứu” 2,2 tấn thịt thối diễn ra ngày 18.4 tại Đồng Nai là một ví dụ điển hình về sự tắc trách của cán bộ thú y và các lực lượng liên quan. Sau khi bắt giữ 2,2 tấn thịt bò, thịt trâu không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối được vận chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM tiêu thụ, Đội quản lý thị trường cơ động (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai) phối hợp cùng Trạm thú y TP.Biên Hòa áp tải xe thịt bẩn này đi tiêu hủy. Tại đây, lực lượng chức năng cho chuyển số thịt thối từ xe xuống những hố đào sẵn rồi tưới xăng lên để đốt. Lửa cháy khoảng 20 phút thì những người trong tổ công tác này lên xe bỏ về cho dù việc tiêu hủy chưa hoàn thành đã tạo cơ hội cho tài xế, phụ xe và các đối tượng khác lao vào dập lửa, bốc thịt thối lên xe tẩu thoát.

Vụ việc này nói lên nhiều điều. Việc tiêu hủy được thực hiện một cách qua loa, đại khái, nếu thịt thối không bị đối tượng vi phạm “giải cứu” thì cũng sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhìn nhận kỹ hơn, dư luận có quyền đặt câu hỏi: tại sao xe thịt thối này lại có thể vượt qua một loạt các tỉnh, thành từ Hà Nội vào đến tận Đồng Nai rồi mới bị phát hiện và bắt giữ? Lực lượng thú y và quản lý thị trường các địa phương nơi xe thịt “có vấn đề” này đi qua đâu cả rồi? Đây cũng là câu hỏi của đại diện TP.HCM nêu lên tại cuộc họp về an toàn vệ sinh thực phẩm do Bộ NN-PTNT tổ chức cách đây không lâu. Nêu ra câu hỏi, rồi ông này cũng tự trả lời: “Nếu kiểm soát tốt, rất khó có thể để “lọt” các xe thịt thối”.

Trong khi đó, dư luận cũng cho rằng, để xảy ra vấn nạn sử dụng chất cấm nhóm beta agonist, khiến người tiêu dùng hoang mang, người chăn nuôi bị thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, lực lượng thú y cũng có một phần trách nhiệm. Chưa hết, các phóng viên còn “chỉ tận tay, day tận trán” hiện tượng cán bộ thú y bán giấy kiểm dịch và kẹp chì cho các đối tượng vi phạm. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát từng tức giận: “Nếu cứ như thế này thì loạn lên mất. Không thể chấp nhận được việc cán bộ thú y lại đi công khai bán giấy kiểm dịch, kẹp chì được. Làm như thế là coi trời bằng vung, không coi pháp luật ra gì cả”.

Việc giám sát, chấn chỉnh đội ngũ thú y phải là công việc được thực thi thường xuyên, liên tục thì người dân mới có thể bớt lo lắng hơn cho mỗi bữa ăn của cả gia đình.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.