Trụ cột pháp lý cho thế giới hiện đại

24/10/2010 23:00 GMT+7

Ngày 24.10.1945, Hiến chương LHQ được thông qua và LHQ chính thức ra đời, khi đó mới có 51 thành viên.

65 năm sau, LHQ có 192 thành viên, vẫn mang tên gọi cũ, vẫn có không ít quy định và sắp xếp tổ chức và quyền lực vẫn tồn tại từ ngày ấy đến nay. Tuy nhiên, cũng đã có không ít thay đổi để làm cho cơ quan này khác nhiều so với khi mới ra đời.

Hơn 60 năm qua, Hiến chương LHQ trở thành văn bản và nền tảng quan trọng nhất của pháp lý quốc tế trong hiện tại và cả tương lai. Từ trật tự thế giới mới đến quan hệ giữa các quốc gia, từ xử lý những khúc mắc chung cũng như riêng, bản hiến chương vẫn phát huy giá trị vừa nhân bản vừa gần như áp đặt của nó. Nhiều năm nay, các nước thành viên đề cập sự cần thiết phải cải tổ LHQ và đưa ra không ít khuyến nghị định hướng cho cải tổ. Chỉ có tinh thần và giá trị của Hiến chương LHQ là vẫn còn nguyên vẹn.

Cũng đúng thôi vì nội dung cốt lõi của bản hiến chương là cộng đồng các quốc gia trên thế giới nỗ lực phấn đấu cho hòa bình và chống chiến tranh, cho phát triển thịnh vượng, hạnh phúc và chống lạc hậu. Nó kêu gọi bình đẳng giữa các dân tộc, chống phân biệt chủng tộc và chống bất bình đẳng về giới, thúc đẩy những quyền dân sinh, dân chủ và tự do, tự quyết vận mệnh của chính mình và chống bạo lực, cường quyền, chống can thiệp và áp bức bóc lột.

Sau 65 năm, nhân loại đã thực hiện được rất nhiều trong số những mục tiêu ấy, nhưng cũng vẫn còn không ít chưa được hoàn thành ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Hiến chương LHQ vì thế vẫn giữ nguyên giá trị và tính thời sự. Việc thực hiện đầy đủ những nội dung trong đó vẫn là thách thức lớn đối với LHQ nói riêng và cả nhân loại nói chung.

La Phù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.