Xe
Phát triển bền vững về con người:

Trụ cột tất yếu thứ 4 của phát triển bền vững trong thế kỷ 21

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân
Đại biểu quốc hội khóa 15
27/12/2023 15:03 GMT+7

Phát triển không bền vững về con người là thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21 và Việt Nam cần có giải pháp để đạt mục tiêu phát triển và ngăn nguy cơ.

Bền vững về môi trường

Hàng ngàn năm qua, loài người khai thác môi trường thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Từ hơn 250 năm nay với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 rồi thứ 2, 3 và thứ 4, loài người vừa khai thác, vừa hủy hoại môi trường tự nhiên. Điều này gây ra các hậu quả bất lợi ngày càng tăng với chính con người. Vì vậy, từ những năm 70 của thế kỷ 20, khái niệm và ý thức bảo vệ môi trường ra đời trước hết ở châu Âu và Mỹ.

Mặc dù hầu hết các nước đều có luật về bảo vệ môi trường, Liên Hiệp Quốc có các hội nghị, chương trình, công ước về môi trường (năm 1972 ở Thụy Điển, năm 1992 ở Brazil, năm 2000 xác định 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, năm 2012 Hội nghị phát triển bền vững ở Brazil...), song việc bảo vệ môi trường, như một tiền đề để phát triển bền vững vẫn còn nhiều hạn chế ở các châu lục, quốc gia.

Trụ cột tất yếu thứ 4 của phát triển bền vững trong thế kỷ 21- Ảnh 1.

Các thành viên Nghị viện châu Âu tham dự phiên bỏ phiếu cho Luật Phục hồi tự nhiên tại trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) ngày 12.7

AFP

Một sự kiện có ý nghĩa đột phá mở đầu cho một giai đoạn mới về bảo vệ môi trường là ngày 1.7.2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Luật Phục hồi tự nhiên (The Nature Restoration Law) có hiệu lực từ 2023 - 2050. Tức là phải mất 50 năm từ khi bắt đầu nhận thức việc bảo vệ môi trường là cần thiết, loài người mới bắt đầu nhận ra: Không chỉ bảo vệ môi trường, không được tiếp tục hủy hoại môi trường tự nhiên mà phải phục hồi lại tự nhiên đã bị con người làm mất đi.

Tức là phát triển kinh tế xã hội phải bền vững về môi trường. 27 nước Liên minh châu Âu (EU) đã có quyết định tiên phong này, song mới chỉ là bộ phận rất thiểu số của thế giới: Dân số 27 nước EU là 448 triệu (năm 2022), chỉ chiếm 5,6% dân số thế giới. Diện tích 27 nước EU là 4 triệu km2, bằng 2,68% diện tích đất của thế giới.

Bền vững về khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản

Sau khi khái niệm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững về môi trường ra đời, các nước dần nhận ra không thể khai thác và sử dụng khoáng sản với tốc độ và cách thức như thời gian qua, vì đây là các tài nguyên có hạn và quy mô dân số năm 2022 đã gấp 8 lần dân số thế giới cách đây hơn 200 năm (dân số năm 1804 là 1 tỉ người).

Các giải pháp đã được đề xuất và thực hiện là tái chế (được đề cập nhiều trong giai đoạn 1969 - 1996), sản xuất không phế thải và kinh tế tuần hoàn (khái niệm này được đề xuất năm 1988), chuyển từ sử dụng năng lượng hóa thạch, sang năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân. Có thể coi đây là quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững về khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản. Tức là phát triển kinh tế xã hội phải bền vững về khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản.

Với chương trình hành động về kinh tế tuần hoàn 2015, EU là các quốc gia tiên phong về kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, theo Quỹ kinh tế tuần hoàn, số quốc gia có một chiến lược kinh tế tuần hoàn hoặc chương trình hành động dài hạn về kinh tế tuần hoàn chỉ chiếm 9% các nước trên thế giới.

Bền vững về văn hóa

Trong quá trình tồn tại và phát triển hàng ngàn năm của các dân tộc, văn hóa dân tộc luôn là sức mạnh nội sinh hết sức quan trọng để chống chọi với thách thức của thiên tai và ngoại xâm. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa hoạt động kinh tế, sử dụng internet và các dịch vụ mạng toàn cầu, sự tồn tại của tư tưởng nước lớn đã làm xói mòn các giá trị và truyền thống văn hóa ở các nước với các mức độ khác nhau.

Vì vậy, hầu hết các nước đã đặt ra yêu cầu phải bảo tồn và phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Tức là phát triển kinh tế xã hội phải trên nền tảng bền vững về văn hóa. Tuy nhiên, sự đồng thuận của các nước ở Liên Hiệp Quốc về bền vững văn hóa còn hạn chế. Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc đã công bố cho giai đoạn 2015 - 2030 không có mục tiêu phát triển bền vững về văn hóa.

Bền vững về con người

Theo quy luật tự nhiên, tỷ lệ trẻ nam và nữ mới sinh trong một chu kỳ thời gian (1 năm) ở một cộng đồng dân cư (dân tộc, đất nước) là khoảng 51% nam, 49% nữ (104-106 trai/100 gái). Do khả năng sinh tồn của các bé trai yếu hơn, nên một số mất trước khi trưởng thành. Kết quả là ở tuổi 18 trở lên, cùng năm sinh có số nam và nữ gần bằng nhau (tỷ lệ 50% nam và 50% nữ).

Số con bình quân mà một phụ nữ của một đất nước sinh ra trong đời khi họ kết hôn (hoặc ở với nhau như vợ chồng) được gọi là tổng tỷ suất sinh (TTSS). Nếu người phụ nữ sinh bình quân trong độ tuổi sinh con được 2,1 con, thì khi các con trưởng thành sẽ có 2 người còn sống khỏe mạnh (bình quân trong 2,1 cháu được sinh ra, có 0,1 cháu mất trước tuổi trưởng thành). Tức là 2 người con này sẽ thay cha mẹ của chúng tiếp tục lao động khi cha mẹ không còn khả năng lao động và khi cha mẹ mất đi sẽ có 2 người con này thay thế, làm cho dân số ổn định. Vì vậy mức sinh bình quân toàn xã hội 2,1 con/phụ nữ được gọi là TTSS thay thế.

Nếu TTSS lớn hơn 2,1 thì số lao động xã hội sẽ tăng lên và dân số sẽ tăng lên. Còn nếu TTSS dưới 2,1 kéo dài thì số lao động trong xã hội sẽ giảm và sau một thời gian dân số cũng giảm (không tính người nhập cư làm tăng dân số). Tức là lúc này một đất nước không có khả năng tái tạo đầy đủ con người của mình. Sự phát triển đất nước là không bền vững về con người.

Với một đất nước, TTSS thấp dưới TTSS thay thế kéo dài và duy trì ở mức thấp nhiều năm, sẽ gây ra suy giảm số người trong tuổi lao động, thiếu lao động ngày càng nghiêm trọng, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thậm chí gây ra trì trệ tăng trưởng và thu ngân sách.

Trụ cột tất yếu thứ 4 của phát triển bền vững trong thế kỷ 21- Ảnh 2.

Các em bé tại một nhà trẻ ở Moriyama, miền tây Nhật Bản

REUTERS

Nhật Bản là điển hình có TTSS thấp dưới TTSS thay thế đến nay đã 50 năm (từ năm 1974). Năm 2000, TTSS = 1,36 và năm 2022, TTSS = 1,26. Các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước Nhật Bản và các nhà khoa học nước ngoài đã cảnh báo là nếu không có các thay đổi chính sách mạnh mẽ, thì mặc dù giai đoạn 1975 - 1995 là nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, GDP/người năm 1995 là 44.200 USD, gấp 1,5 lần của Mỹ, quy mô nền kinh tế đứng thứ 4 thế giới, dân số 2010 là 128 triệu (đứng thứ 11 thế giới), Nhật Bản sẽ đối diện hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Viện Quốc gia về Dân số và An ninh Xã hội Nhật Bản năm 2012 đã dự báo: đến năm 2100, dân số Nhật Bản chỉ còn 50 triệu người, năm 2200 còn 10 triệu người, năm 2350 còn 1 triệu người và đến năm 3000 chỉ còn 62 người [5].

Từ năm 1990, chính phủ Nhật Bản đã áp dụng các chính sách khuyến khích lập gia đình và sinh con, song không đem lại kết quả mong muốn là đưa TTSS lên mức 1,8. Tức là quá trình tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Nhật Bản lại đi kèm với suy thoái lao động và dân số (giảm số lượng lao động và giảm dân số liên tục hàng chục năm mà không thấy khả năng phục hồi). Mặc dù là một đất nước có nguồn lực kinh tế rất lớn (là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, thu nhập đầu người rất cao), có nguồn lực con người lớn, song 50 năm qua Nhật Bản lại phát triển không bền vững về con người và có thể tự tiêu vong như chính họ đã dự báo.

Từ năm 1984, TTSS của Hàn Quốc đã thấp dưới 2,1, năm 2000 TTSS = 1,48 và năm 2022 TTSS = 0,78, thấp nhất thế giới. Năm 2014, cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Hàn Quốc đã dự báo, nếu TTSS = 1,19 tiếp tục duy trì thì nước Hàn Quốc sẽ tuyệt chủng vào năm 2750.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy: trong 42 nước thu nhập cao trên thế giới, có dân số từ 1 triệu người trở lên, có tới 39 nước (khoảng 93%) có TTSS thấp dưới TTSS thay thế, trong đó có 31/42 nước (gần 74%) với TTSS thấp đã kéo dài từ 30 năm trở lên. Cụ thể là:

  • Các nước có TTSS dưới TTSS thay thế từ 50 năm trở lên (10 nước): Phần Lan (54 năm), Croatia (54 năm), Đức (52 năm), Canada (51 năm), Thụy Sĩ (51 năm), Nhật Bản, Áo, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch (50 năm).
  • Các nước có TTSS dưới TTSS thay thế từ 40 năm đến 49 năm (13 nước): Anh (49 năm), Na Uy (48 năm), Ý (46 năm), Pháp (46 năm), Singapore (46 năm), Úc (45 năm), Hungary (43 năm), Slovenia (42 năm), Cộng hòa Czech (41 năm), Tây Ban Nha (41 năm), Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Hy Lạp (40 năm).
  • Các nước có TTSS dưới TTSS thay thế từ 30 đến 39 năm (8 nước): Bulgaria (36 năm), Estonia (32 năm), Latvia (32 năm), Romania (32 năm), Ba Lan (31 năm), Slovakia (31 năm), Lithuania (31 năm), Thụy Điển (30 năm).
  • Các nước có TTSS dưới TTSS thay thế từ 9 năm đến dưới 30 năm (3 nước): Mỹ (15 năm), Iceland (10 năm), New Zealand (9 năm).

Tất cả 31 nước thu nhập cao có TTSS dưới TTSS thay thế từ 30 năm trở lên đều không thể tự tái tạo được đầy đủ lao động và công dân của mình. Giải pháp căn bản, bên cạnh các chính sách khuyến khích lập gia đình và sinh con của chính phủ để bù đắp thiếu hụt lao động - hậu quả của suy thoái lao động và dân số, là tiếp nhận người nhập cư. Nếu không có người nhập cư là nguồn lao động và dân số bổ sung thì 74% các nước thu nhập cao hiện nay (31/39 nước) đã trải qua hàng chục năm suy thoái về lao động và dân số.

Năm 1970, tất cả các nước trên thế giới đều có TTSS lớn hơn 2,1 và TTSS của thế giới là 4,7. Năm 2000, TTSS của hầu hết các nước đều giảm, TTSS của châu Âu chỉ là 1,43, Bắc Mỹ là 1,97, còn của thế giới là 2,7. Năm 2020, các nước có TTSS < 2,1 đã chiếm tới 40% dân số thế giới, TTSS thế giới là 2,3. Dự báo năm 2034, TTSS của thế giới là 2,1 và sau đó giảm dần, năm 2100 TTSS = 1,66, hình 1, [1].

Năm 2064, dân số thế giới đạt đỉnh 9,7 tỉ và sau đó giảm còn khoảng 8,8 tỉ vào năm 2100. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 2000 năm gần đây của loài người dân số thế giới giảm kéo dài. Thế kỷ 21 được dự báo là thế kỷ đầu tiên chứng kiến suy thoái dân số loài người (kéo dài 36 năm, 2064 - 2100).

Trụ cột tất yếu thứ 4 của phát triển bền vững trong thế kỷ 21- Ảnh 3.

Hình 1: Tổng tỷ suất sinh và dân số thế giới

NGUỒN: UN, THE LANCET 14.8.2022 [1]

Các dự báo về TTSS của các nước và thế giới ở [1] không tính đến sự thay đổi chính sách của các chính phủ trong việc hỗ trợ lập gia đình và nuôi dạy con. Nhật Bản là nước thu nhập cao, có TTSS dưới TTSS thay thế từ 1974, hình 2. Sau khoảng 20 năm TTSS giảm liên tục, TTSS tuy có thay đổi hằng năm, song ổn định ở mức thấp, bình quân từ 1995 - 2022 khoảng 1,366. TTSS năm 2020 là 1,33, dự báo vào năm 2070 là 1,36 và năm 2100 là 1,32. Từ năm 1995, số người trong tuổi lao động giảm, từ năm 2010 dân số giảm.

Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về hiện tượng TTSS ở Nhật Bản thấp bền vững, gây hậu quả kinh tế và xã hội nghiêm trọng, song đến nay chưa có các kết quả đầy đủ, đồng bộ về nguyên nhân của hiện tượng này làm cơ sở cho chính phủ đưa ra các giải pháp, chương trình khắc phục được tình trạng này. Vì vậy, các chương trình của chính phủ khuyến khích kết hôn và sinh con từ hơn 30 năm nay (1990 - 2023) đã không đem lại kết quả mong muốn (tăng TTSS lên 1,8 và cao hơn).

Viện Nghiên cứu Dân số và An ninh xã hội Nhật Bản đã dự báo, đến năm 2070, TTSS khoảng 1,36. Như vậy, Nhật Bản sẽ trải qua 100 năm TTSS dưới TTSS thay thế (1974 - 2070), 75 năm suy thoái lao động (1995 - 2070), 60 năm suy thoái dân số (2010 - 2070). Còn theo dự báo ở [1] thì Nhật Bản sẽ trải qua 126 năm TTSS dưới TTSS thay thế (1974 - 2100), 105 năm suy thoái lao động (1995 - 2100) và 90 năm suy thoái dân số (2010 - 2100).

Trụ cột tất yếu thứ 4 của phát triển bền vững trong thế kỷ 21- Ảnh 4.

Hình 2: Tổng tỷ suất sinh và dân số của Nhật Bản

NGUỒN: WB; Viện quốc gia về Dân số và An ninh xã hội Nhật Bản; dự báo 2100 [1]; Economic Data (10.8.2023): Working Age Population for Japan, WB

Trong khi Nhật Bản không tiếp nhận người nhập cư như giải pháp chủ yếu để bù đắp thiếu hụt lao động do TTSS dưới 2,1 kéo dài 50 năm (1974 - 2023) thì Đức, cũng là một nước thu nhập cao, có TTSS thấp dưới 2,1 kéo dài hơn 50 năm (1971 - 2023), song bù đắp thiếu hụt lao động bằng người nhập cư hàng năm, hình 3. Sau khoảng 10 năm TTSS giảm mạnh (1970 - 1980), từ 1980 - 2022 TTSS thấp, tương đối ổn định, bình quân khoảng 1,47, hình 3, dự báo năm 2100 là 1,35 [1].

Trụ cột tất yếu thứ 4 của phát triển bền vững trong thế kỷ 21- Ảnh 5.

Hình 3: Tổng tỷ suất sinh của Đức

NGUỒN: WB, dự báo 2100 [1]

Trụ cột tất yếu thứ 4 của phát triển bền vững trong thế kỷ 21- Ảnh 6.

Hình 4: Tổng tỷ suất sinh của Việt Nam

NGUỒN: WB, Tổng Cục Thống kê, dự báo 2100 [1]

Mặc dù cả chính phủ Nhật Bản và Đức đều có các chính sách hỗ trợ gia đình và trẻ em, song đã gần 30 năm ở Nhật Bản và 40 năm ở Đức, TTSS vẫn ổn định ở mức thấp, bình quân dưới 1,5 và tới năm 2100 không thấy khả năng phục hồi trở lại TTSS = 1,5 hoặc TTSS thay thế, hình 2 và hình 3.

Diễn biến TTSS của các châu lục và thế giới hơn 60 năm qua thể hiện ở BẢNG 1.

BẢNG 1: TỔNG TỶ SUẤT SINH CÁC CHÂU LỤC VÀ THẾ GIỚI 1955 - 2020

Nguồn: Statista: Fertility rate in each continent and world wide, from 1950 - 2020

1955-1960

1970-1975

1975-1980

1995-2000

2005-2010

2010-2020

Châu Á

5,59

5,06

4,1

2,61

2,33

2,15

Châu Phi

6,62

6,7

6,64

5,35

4,9

4,44

Châu Âu

2,66

2,17

1,98

1,43

1,56

1,61

Bắc Mỹ

3,61

2,02

1,77

1,95

2,01

1,75

Nam Mỹ

5,85

4,92

4,4

2,77

2,26

2,04

Châu Đại Dương

4,1

3,25

2,76

2,48

2,54

2,36

Thế giới

4,9

4,47

3,86

2,78

2,58

2,47

Qua bảng 1 ta thấy trước năm 1970, tất cả các châu lục đều có TTSS lớn hơn TTSS thay thế, dân số đều đang tăng, như các cánh đồng dân số xanh tươi. Tuy nhiên, 30 năm sau, năm 2000, TTSS của tất cả các châu lục đều giảm, riêng châu Âu là thấp nhất, chỉ còn 1,43. Châu Âu trở thành châu lục đầu tiên không duy trì được khả năng tái tạo đầy đủ con người của mình liên tục từ năm 1975. Rất nhiều nước riêng lẻ ở châu Âu đã mất khả năng này từ những năm 1970: Đức (1971), Thụy Sĩ (1972), Áo (1973), Hà Lan (1973), Đan Mạch (1973), Bỉ (1973), Anh (1974), Na Uy (1975), Pháp (1977), Ý (1977).

Do lúc này 4/6 các khu vực khác đều đang có TTSS lớn hơn TTSS thay thế nên châu Âu có thể thu hút người nhập cư từ các lục địa này như châu Á, Nam Mỹ, châu Đại Dương, châu Phi, bảng 1. Lục địa châu Âu đã thu hút người nhập cư đến năm 2000 là khoảng 30 năm.

Trụ cột tất yếu thứ 4 của phát triển bền vững trong thế kỷ 21- Ảnh 7.

Người lao động Romania xếp hàng tại sân bay ở Bucharest chờ sang Anh làm việc

AFP

Tuy nhiên, năm 2000, châu Âu có TTSS = 1,43, rất thấp so với TTSS thay thế 2,1, bảng 1. Tức là hàng triệu người nhập cư từ các nước có TTSS lớn hơn TTSS thay thế, song khi vào làm việc và ở châu Âu, họ không sinh con với TTSS ở các nước gốc của họ, mà theo TTSS của chính châu Âu. Có thể coi châu Âu là "Hố đen dân số" đầu tiên của thế giới: năm 2000, cứ 2 người dân tại đó (1 nam, 1 nữ) hay 2 người nhập cư vào châu Âu ở tuổi kết hôn thì sau 1 thế hệ, bình quân họ chỉ sinh ra 1,43 người con (1 người chỉ có 0,715 người thay thế), sau 2 thế hệ chỉ có 1,022 cháu (1 người chỉ có 0,51 cháu) và đến thế hệ thứ 3 chỉ có 0,73 chắt (1 người chỉ có 0,36 chắt). Tức là châu Âu muốn duy trì lao động và dân số ổn định, phải không ngừng nhập cư, vì TTSS của họ qua nhập cư không tăng được đến mức TTSS thay thế, bảng 1.

Trong khi hầu hết các nước thu nhập cao có TTSS thấp hơn 2,1 và thấp ổn định, kéo dài hơn 30 năm (74%), các nước thu nhập trung bình và thấp có TTSS giảm dần từ 1960. Do đó TTSS toàn cầu giảm dần, hình 1. Viện Tính toán và Đánh giá sức khỏe, Đại học Washington (Mỹ) năm 2020 đã dự báo [1]: năm 2034 TTSS toàn cầu sẽ bằng 2,1 và sau đó giảm dần, năm 2100 có giá trị khoảng 1,66 (số liệu dự báo 2019 của Cơ quan dân số Liên Hiệp Quốc là 1,9), hình 1. Tức là lúc này, sau 2034, cả thế giới sẽ là một hố đen về dân số.

Thực tế là ngoài châu Âu, từ 1975 đã là hố đen về dân số, các châu lục khác như Bắc Mỹ (2010), Nam Mỹ, châu Á và châu Đại Dương, bảng 1, đều lần lượt trở thành các hố đen dân số trước 2034. Riêng châu Phi, năm 2063 có TTSS = 2,1 và sau đó tiếp tục giảm, là hố đen dân số cuối cùng trong các châu lục [1]. Như vậy trước 2034, các nước thu nhập cao, thiếu lao động kéo dài có thể bù đắp qua lao động nhập cư từ các nước thu nhập trung bình và thu nhập thấp, đặc biệt từ châu Phi. Song sau 2034 (chỉ còn 11 năm nữa) việc này sẽ ngày càng khó khăn và từ năm 2055 là không khả thi, vì lúc này TTSS toàn cầu đã dưới TTSS thay thế 20 năm, sẽ suy thoái lao động toàn cầu và châu Phi từ 2064 là hố đen dân số.

Như vậy 50 năm qua, 1970 - 2020, nhân loại đã phát triển theo xu hướng:

  • TTSS bình quân toàn cầu giảm từ 4,7 xuống 2,3 (hình 1);
  • Trên thế giới từ thừa lao động thành thiếu lao động cục bộ ở hơn 90% các nước thu nhập cao;
  • Các nước thiếu lao động hầu hết tiếp nhận lao động nhập cư để bù đắp thiếu lao động (trừ Nhật Bản và Hàn Quốc).

Dự báo trong 14 năm tiếp theo (2020 - 2034) [1]:

  • TTSS toàn cầu sẽ giảm từ 2,3 xuống 2,1 (hình 1);
  • Việc thiếu lao động ở các nước thu nhập cao và một số nước thu nhập trung bình tiếp tục gia tăng;
  • Các nước thiếu lao động hầu hết bù đắp qua lao động nhập cư, giữ được dân số tương đối ổn định;
  • Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ giảm dân số, nếu không thu hút được đủ người nhập cư để bù đắp.

Dự báo 66 năm tiếp theo 2034 - 2100 [1]:

  • TTSS toàn cầu giảm từ 2,1 xuống 1,66 (hình 1). Thế giới là hố đen dân số sau 2034. TTSS của tất cả các châu lục đều dưới 2,1 vào năm 2064 và giảm dần sau đó;
  • Châu Phi là lục địa cung cấp nhân lực nhập cư chủ yếu cho toàn thế giới, trở thành hố đen dân số sau 2064;
  • Suy thoái lao động toàn cầu từ sau năm 2055 (45 năm);
  • Việc bù đắp thiếu lao động ở tất cả các nước có TTSS dưới 2,1 là không khả thi sau 2055;
  • Dân số thế giới đạt đỉnh 9,7 tỉ vào năm 2064, sau đó sẽ giảm còn khoảng 8,8 tỉ năm 2100 (suy thoái dân số toàn cầu 36 năm), hình 1, và dân số hầu hết các nước thu nhập cao sẽ giảm sau 2064.

Tức là nếu trong giai đoạn 70 năm sau của thế kỷ 21 (2030 - 2100) các nước trên thế giới không hiệp lực nghiên cứu để tìm ra giải pháp khắc phục được xu hướng phát triển: khi chuyển từ thu nhập trung bình lên thu nhập cao, TTSS của đại đa số các nước đều giảm từ trên 2,1 xuống dưới 2,1 và sau đó duy trì một cách bền vững ở mức thấp, thì điều này sẽ dẫn đến kết quả dự báo là sau 2034, toàn thế giới sẽ có TTSS < 2,1, sau 2055 sẽ suy thoái lao động toàn cầu và sau năm 2064 suy thoái dân số toàn cầu, hình 1.

Việc dự báo TTSS và dân số các nước từ 2020 đến 2100 là khó khăn, vì không dự báo được chính sách dân số và nhập cư của các nước. Vì vậy, kết quả dự báo của các tổ chức có khác nhau (thời điểm TTSS toàn cầu bằng 2,1, thời điểm dân số thế giới đạt đỉnh, TTSS và dân số năm 2100). Dù các mốc thời gian dự báo có thể chênh nhau khoảng 10 năm, song điều này không ảnh hưởng đến bản chất sự diễn biến TTSS và dân số của thế giới. Loài người đang phát triển kinh tế đi kèm với suy thoái lao động và dân số, không phát triển bền vững về con người.

Trong chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên Hiệp Quốc (2015 - 2030) có 17 nhóm mục tiêu bao gồm 169 chỉ tiêu, 3.840 sự kiện. Tuy nhiên, các khái niệm sau không xuất hiện, không được nhắc tới:

  • Hạnh phúc của con người và gia đình hạnh phúc;
  • Phát triển bền vững về văn hóa;
  • TTSS, TTSS thay thế và phát triển bền vững về con người.

Liên Hiệp Quốc chưa đưa ra cảnh báo: với mô hình "Tăng trưởng kinh tế đi kèm với suy thoái lao động và dân số", loài người đang phát triển không bền vững về con người, sau 2034 cả thế giới là hố đen dân số, năm 2100 TTSS = 1,66, trong khi thực tiễn ở Nhật Bản và hơn 90% các nước thu nhập cao 50 năm qua đã là cảnh báo rất rõ ràng. Đây là một hạn chế lớn, bất cập về nhận thức ở mức toàn cầu trước thực tế phát triển không bền vững về con người đã diễn ra từ hơn 50 năm nay và dự báo sẽ tiếp tục cho đến 2100 và sau đó.

Trong khi đó, một số nhà khoa học đã dự báo sự thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của thế giới vào năm 2100 và kéo theo là thay đổi sức mạnh địa chính trị do sự thay đổi dân số ở các châu lục [1], [2]. August Hooke và Lauren Ahati [2] dự báo tỷ trọng GDP của các châu lục năm 2100 và so sánh với năm 2020 như sau, bảng 2.

Theo đó, chỉ sau 80 năm của thế kỷ này, sức mạnh kinh tế của các lục địa sẽ thay đổi về chất. Châu Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương từ chỗ chiếm 48% GDP toàn cầu sẽ chỉ còn đóng góp hơn 17%. Châu Phi từ đóng góp 5% GDP toàn cầu sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhì thế giới, chiếm gần 39%, hơn 2 lần đóng góp của châu Mỹ và châu Âu, bảng 2. Châu Á và châu Phi sẽ đóng góp gần 83% kinh tế thế giới vào năm 2100 và vì vậy sẽ là các lực lượng chi phối mạnh mẽ chính trị thế giới.

BẢNG 2: TỶ TRỌNG KINH TẾ (GDP) CÁC CHÂU LỤC

Nguồn: A. Hooke, L. Ahati [2]

2020

2100

Châu Mỹ

25%

48%

10,8%

17,3%

Châu Âu

22%

5,77%

Châu Đại Dương

1%

0,7%

Châu Á

47%

52%

43,9%

82,7%

Châu Phi

5%

38,8%

Loài người đã phải trải qua 50 năm từ khi nhận ra phải bảo vệ môi trường, thay vì tiếp tục hủy hoại môi trường bởi các hoạt động kinh tế và tiêu dùng của mình, mới đi đến nhận thức sâu sắc hơn bảo vệ môi trường ở 27 nước EU (chiếm 5,6% dân số và 2,68% diện tích thế giới): phải phục hồi tự nhiên bằng Luật phục hồi tự nhiên được Nghị viện châu Âu thông qua vào ngày 1.7.2023.

50 năm đã trôi qua, hầu hết các nước thành viên EU và hơn 90% các nước thu nhập cao không tái tạo được đầy đủ con người trên lãnh thổ của mình mà phải bù đắp bằng người nhập cư. Không có hàng chục triệu người nhập cư trong 50 năm qua vào các nước EU và Bắc Mỹ thì không có một EU và Bắc Mỹ ổn định và phát triển như hôm nay. Song 32 năm nữa, năm 2055, việc nhập cư như vậy là không khả thi vì toàn thế giới là hố đen dân số sau 2034 và suy thoái lao động toàn cầu từ 2055.

Có lẽ phải mất khoảng 10 năm nữa, việc phát triển bền vững về con người như trụ cột thứ 4 của phát triển bền vững mới được đưa vào chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. (còn tiếp)

Tài liệu trích dẫn:

[1] "The world population likely to shrink after mid-century, forecasting major shift in global population and economic power." The Institute for Health metrics and Evaluation at Uni. of Washington, Seattle, USA. The Lancet 14.7.2020.

[2] Angus Hooke, Lauren Alati. "What will the world economy look like in 2100". UBSS (Universal Business School Sydney), Business 29.7.2022.

[5] Thor Svanholm. "A world without youth", Farsight, April 28,2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.