Lúc nào cũng thiếu
Nước ta có khoảng 500 trường có đào tạo hệ TCCN. Mặc dù hằng năm các trường cung cấp cho xã hội hàng trăm ngàn lao động có chuyên môn và tay nghề cao nhưng con số này vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu của xã hội.
Trong một cuộc hội thảo về đầu ra cho học sinh tốt nghiệp hệ TCCN, nhiều giám đốc các xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, công ty TNHH... đã đánh giá rất cao nguồn lao động đào tạo từ hệ trung cấp. Các đơn vị này cho biết sẽ không ngại ngần tuyển dụng học sinh hệ TCCN vì họ tương đối an tâm về chuyên môn, thậm chí còn cho rằng cử nhân ĐH chưa chắc đã giỏi chuyên môn bằng học sinh TC do kiến thức về lý thuyết nhiều hơn thực hành.
Thạc sĩ Đào Khánh Dư, Hiệu trưởng trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cho biết: "Hằng năm, chúng tôi vẫn nhận được hàng trăm công văn của các công ty, nhà máy, khu công nghiệp với mong muốn nhà trường sẽ cung cấp cho họ những nhân viên về tin học, cơ khí, điện tử... Do đó, HS học hệ TC lẫn CĐ của trường không bao giờ lo thất nghiệp nếu như học tốt. Đào tạo đúng những thứ doanh nghiệp cần và có quan hệ tốt với nhiều doanh nghiệp thì dù hằng năm chỉ tiêu là 1.000 hay 2.000 cũng vẫn không đủ".
Bên cạnh các trường TCCN (thuộc Bộ GD-ĐT), mới đây hàng loạt trường công nhân kỹ thuật cũng đã được nâng cấp thành các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề đang xét tuyển đến hơn 44.000 chỉ tiêu bao gồm cả HS tốt nghiệp THCS. Những HS khá giỏi của trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, trường CĐ nghề TP.HCM còn có cơ hội làm việc ở nước ngoài với mức lương cao. Một số trường nghề thuộc các tập đoàn kinh tế còn ký hợp đồng lao động cho HS ngay khi nhập học với mức lương khởi điểm sau tốt nghiệp là 1,5 triệu đồng/tháng như trường Đào tạo công nghệ kinh tế Vietcare.
Từ trung cấp lên đại học? Đơn giản thôi...
Với những bạn trẻ có ý chí, không muốn "dừng chân tại chỗ" sau 2 năm học TC, vẫn có thể học tiếp để lấy bằng CĐ hoặc ĐH. Hiện nay Bộ GD-ĐT đã cho phép 36 trường trên toàn quốc thí điểm đào tạo theo hình thức liên thông.
Thời gian đào tạo từ TCCN lên CĐ, CĐ lên ĐH từ 18 tháng đến 2 năm. Việc tổ chức đào tạo, thi cử và kiểm tra tại các trường TCCN, CĐ và ĐH được thực hiện theo các quy chế hiện hành của Bộ GD-ĐT áp dụng đối với hệ chính quy. Trong số 36 trường này, trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng, ĐH Hồng Bàng và trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên là ba trường được đào tạo liên thông thẳng từ trình độ TCCN lên ĐH. Các trường ĐH Xây dựng Hà Nội và Học viện Ngân hàng được đào tạo liên thông từ bậc CĐ lên ĐH. Các trường còn lại được đào tạo liên thông từ bậc TCCN lên CĐ. Những học sinh đã tốt nghiệp THCN hệ chính quy có kinh nghiệm công tác chuyên ngành sau khi tốt nghiệp từ 2 năm trở lên, đối với HS tốt nghiệp khá, giỏi thì được miễn quy định thời gian công tác và được cộng điểm ưu tiên vào kết quả thi tuyển sinh theo cách: khá cộng 1 điểm, giỏi cộng 2 điểm.
Như vậy không cần ngay bây giờ phải đỗ ĐH, bạn vẫn có thể lấy được tấm bằng ĐH sau cùng một khoảng thời gian là 4 năm. Cái "được" khi bạn đi đường vòng chính là qua quá trình học TCCN, bạn được thực hành rất nhiều, được cọ xát với nghề ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường trong các phòng thí nghiệm, thực hành.
"Đại học không phải là con đường duy nhất" - câu nói này đã quá quen thuộc nhưng không phải bạn trẻ nào cũng thấm thía để hành động theo nó. Hãy thử nhìn một nhân vật nổi tiếng như Bill Gates - ông chủ của Microsoft cũng từ bỏ con đường học ĐH để đi theo cách riêng của mình, và đã trở thành niềm tự hào của cả nước Mỹ và thế giới.
Một số trường đào tạo liên thông từ trung cấp lên ĐH - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên: Ngành Cơ khí động lực, Điện tử, Tin học, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ may và thời trang, Công nghệ kỹ thuật điện. - Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội: Ngành Công nghệ hóa học, Quản trị kinh doanh, Công nghệ may, Tin học, Cơ khí chế tạo máy, Cơ khí động lực, Điện, Điện tử. - Trường ĐH Hồng Bàng: Ngành Kế toán - kiểm toán, Quản trị kinh doanh, Tin học, Điện tử, Mỹ thuật công nghiệp, Quản trị du lịch. - Trường CĐ Giao thông vận tải: Ngành Xây dựng công trình giao thông vận tải, Cơ khí ô tô, Kế toán, Kinh doanh vận tải đường sắt. - Trường CĐ Du lịch Hà Nội: Ngành Quản trị kinh doanh, Việt Nam học. - Trường CĐ Xây dựng số 1: Ngành Xây dựng, Cấp thoát nước, Kế toán. - Trường ĐH Lao động - Xã hội: Ngành Công tác xã hội, Quản lý lao động. - Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật công nghiệp I: Ngành Công nghệ may. - Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình I: Ngành Báo chí, Tin học. - Trường ĐH Xây dựng Hà Nội: Ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng. - Học viện Ngân hàng: Ngành Tài chính - ngân hàng. - Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM: Liên thông từ Công nhân lên Trung cấp, Trung cấp lên CĐ, CĐ lên ĐH. Trong đó, liên thông từ Công nhân lên TCCN tuyển các học sinh đã tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp Công nhân kỹ thuật bậc 3/7; còn lại là học sinh đã tốt nghiệp tại trường. Liên thông Công nhân lên TCCN: ngành Điện tử công nghiệp, Điện công nghiệp, Điện lạnh, Cơ khí chế tạo, Cơ điện. Liên thông TCCN lên CĐ: ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ cơ khí, Công nghệ hóa, Công nghệ điện, Công nghệ điện tử, Tài chính kế toán, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ may, Công nghệ nhiệt - lạnh, Cơ khí động lực. Liên thông CĐ lên ĐH: ngành Công nghệ thông tin, Công nghệ cơ khí, ngành Hóa - Công nghệ hóa - Hóa phân tích, Công nghệ điện, Công nghệ điện tử, Tài chính kế toán, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ nhiệt - lạnh, Cơ khí động lực, Công nghệ may, Công nghệ môi trường. - Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: Tuyển sinh và đào tạo liên thông khối K ở 6 ngành sau: Kỹ thuật điện - Điện tử; Điện khí hóa và cung cấp điện; Cơ khí chế tạo máy; Cơ khí động lực; Công nghệ cắt may; Công nghệ Nhiệt - điện lạnh. - Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng: Ngành Kỹ thuật điện, Điện tử viễn thông, Kế toán, Tin học. - Trường ĐH Thủy sản: Ngành Nuôi trồng thủy sản. - Trường CĐ Công nghiệp thực phẩm TP.HCM: Ngành Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học, Tin học. - Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp II: Ngành Công nghệ dệt sợi, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Kế toán. - Trường CĐ Tài chính - Hải quan: Tài chính - ngân hàng, Kế toán, Hệ thống thông tin. |
Mỹ Quyên
Bình luận (0)