48 năm chị em lưu lạc với những mảnh ký ức rời rạc
Năm 1969, 1 người mẹ gửi 4 người con của mình theo thứ tự từ lớn đến bé là Phượng - Thắng - Hồng - Dũng vào Cô nhi viện Long Thành. Tháng 2.1972, sau 1 trận càn, 4 chị em họ mỗi người một nơi. Bà Phượng lớn nhất lưu lạc về làng cô nhi Chung Thủy (Đồng Nai), sau đó bà xin cho 3 em là Thắng - Hồng - Dũng về theo nên 4 chị em đoàn tụ.
Qua quá trình điều tra, Làng Cô nhi Long Thành, cách Sài Gòn 60 cây số, gần Biên Hòa, có diện tích gần 1 cây số vuông. Trẻ em ở đây đầu cạo tóc, mặc áo vàng và ăn chay, được các cư sĩ phật giáo nuôi dạy. Do chiến tranh liên miên mà các gia đình ở khắp Miền Nam Việt Nam khi ấy tìm 1 nơi an toàn để gửi con em mình vào. Nhưng cha mẹ các em đâu ngờ, chỉ trong 1 đêm của 2.1972, Làng bị đóng cửa, con em họ bị giải giáp đi khắp các cô nhi viện nhỏ lẻ mà họ không hề được báo trước. 3000 trẻ cô nhi có độ tuổi từ 1 – 16 năm ấy tan tác đi khắp nơi.
|
Thời gian sau, vì 1 số lý do, bà Phượng và ông Thắng rời làng cô nhi Chung Thủy, hứa sẽ quay về đón 2 em nhưng lại biệt tích từ đó. Một thời gian sau, bà Hồng được một gia đình nhận nuôi. Ông Dũng là người duy nhất ở lại cô nhi viện tận, đến nay ông đã trưởng thành, có gia đình và đang công tác tại đây.
Được biết, bà Hồng đã mất từ rất lâu. Còn ông Dũng khi đó là người duy nhất bị để lại làng cô nhi Chung Thủy, lớn lên với những mảnh ký ức rời rạc. Chia sẻ với Thanh Niên, ông Trần Chí Dũng (53 tuổi, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) nghẹn ngào:
“Khoảng năm 15 tuổi tôi bỏ đi, có thể nói tôi đi như đi bụi đời. Một mình tôi 9 năm đi khắp 12 tỉnh từ Vũng Tàu, Phan Thiết, Kiên Giang, Tiền Giang… để ghép nối ký ức tìm lại anh chị ruột. Ai thuê gì tôi làm đó, làm với cái tâm lương thiện và cũng không ít lần tôi xin đăng tin tìm anh chị nhưng không có kết quả”.
Ông Dũng kể thêm, mỗi người anh chị của ông khi rời đi đều để lại những kỷ vật, theo thời gian ông không thể giữ lại nhưng ký ức trong ông về họ luôn còn. “Chị Phượng lần cuối về thăm tôi đã tặng tôi chiếc khăn, chị Hồng khi rời đi cũng sót lại chiếc áo lạnh trong tủ. Tôi khi đó đã giữ theo bên mình và buồn khóc, chui vào tủ ngồi nhớ chị. Ký ức tôi giữ nhưng kỷ vật thì tôi đã mất rồi, không nhà cửa, không gia đình, gặp mưa gió nhiều nó mục đi và tôi mất nó”.
|
Còn bà Phượng, sau khi để 2 em ở lại làng cô nhi, bà tự nhủ lòng sẽ quay về đón các em nhưng vì mưu sinh khó khăn, lời hứa của bà đã không thể thực hiện. Bà kể: “Các con tôi lớn lên hay hỏi sao mẹ không có ai bà con, tôi cũng giải thích cho con hiểu. Nhiều lần một mình tôi đi tìm nhưng thành phố thay đổi quá, hồi đó trống trải mà giờ nhà san sát nhau”.
Lòng bà luôn đau đáu và khao khát muốn tìm lại em, khoảng năm 2007, nhân cơ hội lên Sài Gòn bà gửi hồ sơ tìm người thân về chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly. Mười mấy năm đợi chờ, bà từng vô vọng vì khoảng thời gian quá lâu, bà nghĩ sẽ không còn cơ hội được gặp lại em trong đời. Nhưng may mắn, ông Dũng cũng gửi hồ sơ về tìm chị qua chương trình, họ trùng khớp nhiều thông tin và cuối cùng đã được đoàn tụ.
“Cuộc sống của chúng tôi giờ đã giống mọi người”
Giấc mơ đoàn tụ sau 48 năm thất lạc đã trở thành hiện thực với chị em bà Phượng, ông Thắng và ông Dũng. Lần đầu gặp lại, bà Phượng luôn miệng hỏi ông Dũng: “Em có giận chị không? Vì chị không thực hiện lời hứa về đón em. Chị rất đắn đo khi gửi hồ sơ về chương trình vì chị nghĩ khi tìm được em, nếu em giàu sang, chị vui cho em. Nếu em khó khăn, chị rất buồn vì chị đâu có gì để có thể bù đắp cho em”. Ông Dũng cười đáp: “Em đâu có giận chị. Nếu em giận chị thì em đâu có đi tìm chị”.
|
Hiện tại bà Phượng đang sống cùng người con trai 37 tuổi bị tai nạn, không còn khả năng lao động tại Đồng Xoài. Ông Thắng cùng gia đình sống tại Cà Mau. Còn ông Dũng và vợ con sống tại Trảng Bom (Đồng Nai), hơn 27 năm nay ông làm bảo vệ cho côi nhi viện ở Đồng Nai. “Gặp được anh chị rồi tôi mừng hơn được tiền tỉ. Cuộc sống của chúng tôi giờ đã giống mọi người rồi. Chúng tôi có anh chị em, có bà con rồi”, ông Dũng tâm sự.
Đoàn tụ, họ cùng nhau đi thăm nhà từng người anh em, đi từ nhà ông Dũng, bà Phượng đến nhà ông Thắng ở tận cùng đất nước. Bà Phượng chia sẻ, chuyện vui của chúng tôi nhưng bà con lối xóm ai cũng vui mừng cùng và đến thăm hỏi.
“3 chị em tuy không giàu sang nhưng đều đã ổn định cuộc sống rồi, mỗi người đều có công việc làm lai rai qua ngày. Ai cũng lớn tuổi 58, 60 cả rồi, tôi chỉ ước có phép tiên để tôi “rinh” em Thắng về Đồng Nai luôn, 3 chị em được gần gũi những năm tháng tuổi già này”, bà Phượng bật khóc.
Bình luận (0)