Trung Quốc âm thầm xây dựng phi pháp ở Hoàng Sa

02/11/2017 07:56 GMT+7

Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc tiếp tục âm thầm xây dựng cơ sở phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa của VN.

Reuters ngày 1.11 công bố những bức ảnh mới nhất chụp từ vệ tinh của Công ty Planet Labs (Mỹ) cho thấy hoạt động bồi đắp và xây dựng cơ sở mới tại đảo Bắc và đảo Cây trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN. Qua so sánh ảnh chụp đảo Bắc hồi tháng 3.2017 và đảo Cây vào năm 2015 (cả hai đều thuộc nhóm An Vĩnh) với hiện nay, các chuyên gia phát hiện Trung Quốc đã xây dựng phi pháp cảng có thể phục vụ mục đích quân sự cũng như một số công trình được cho là cơ sở hải quân, không quân.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao VN khẳng định VN có đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi việc làm của nước ngoài tại khu vực Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của VN là hoàn toàn bất hợp pháp và không thể làm thay đổi thực tế là VN có chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Trung Quốc “diễn tập ném bom đảo Guam”
Trang tin Defense News hôm qua dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các oanh tạc cơ chiến lược H-6 của không quân Trung Quốc thường xuyên diễn tập tấn công đảo Guam và bay áp sát Hawaii. Cả hai đều là nơi đặt các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Máy bay ném bom H-6 của không quân Trung Quốc Reuters
Trong buổi họp báo tại Hawaii, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford cho biết Washington lo ngại về hoạt động của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Dunford khẳng định Mỹ “vẫn luôn là cường quốc Thái Bình Dương” và loại trừ khả năng xảy ra chiến tranh với Trung Quốc. Bắc Kinh chưa có phản ứng về các thông tin trên.
Trong cuộc họp báo thường kỳ hồi tháng 6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Là một quốc gia lớn trên thế giới, chúng tôi cho rằng Trung Quốc cần hành động có trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, cũng như trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế”
Mặt khác, các chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ triển khai chiến đấu cơ đến những đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông trong vài tháng tới.
Một số quan chức quốc phòng trong khu vực cũng cảnh báo nước này đang sử dụng một số cơ sở phi pháp hiện hữu ở Hoàng Sa và Trường Sa để tăng cường hiện diện ở khu vực. “Các chuyên gia của quân đội Trung Quốc đã tuyên bố khi thời cơ chiến lược đến, họ sẽ sử dụng tất cả cơ sở được xây dựng ở Biển Đông”, nhà phân tích Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nói với Reuters.
Theo các nguồn tin cấp cao, vấn đề Biển Đông có thể được nêu ra trong chuyến công du châu Á bắt đầu từ cuối tuần này của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Chúng tôi quan ngại về tình hình Biển Đông, nhất là hoạt động xây dựng, bồi đắp và quân sự hóa cùng chiến thuật cưỡng bức để củng cố tuyên bố chủ quyền”, Reuters hôm qua dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Michael Cavey cho hay. Ông cũng nhấn mạnh Washington liên tục kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt hoạt động xây dựng với ý đồ quân sự hóa Biển Đông.
Mới đây, Viện Nghiên cứu RAND của Mỹ đưa ra báo cáo mới đánh giá tình hình an ninh liên quan đến Biển Đông đã vượt qua Đài Loan để trở thành điểm nóng thứ hai trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, chỉ đứng sau vấn đề Triều Tiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.