Trung Quốc bị nghi 'khoe hàng' máy bay J-16

06/01/2014 09:00 GMT+7

Trên mạng vừa xuất hiện nhiều hình ảnh của chiến đấu cơ J-16 mà chuyên gia nước này khoe rằng sẽ đóng vai trò tác chiến chính ở biển Đông.

 Hình ảnh J-16 đang bay xuất hiện trên internet - Ảnh: Hoàn Cầu thời báo
Hình ảnh J-16 đang bay xuất hiện trên internet - Ảnh: Hoàn Cầu thời báo

Trong tuần qua, trên các trang mạng và diễn đàn về quân sự của Trung Quốc xuất hiện hàng loạt hình ảnh được cho là chiến đấu cơ J-16. Đây là lần đầu tiên dư luận bên ngoài thấy được J-16 trong trạng thái đang bay, theo hãng tin CNA của Đài Loan. Giới chức Trung Quốc chưa có phản ứng hay xác nhận gì về các hình ảnh trên. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng với mức độ bảo mật quân sự cực cao của Trung Quốc, khó xảy ra chuyện “rò rỉ do sơ suất” mà đây có thể là một động thái “khoe hàng” trong dịp đầu năm với hàm ý là J-16 có thể sẽ được triển khai trong năm nay.

J-16 do Tập đoàn máy bay Thẩm Dương (SAC) sản xuất, được xem là một trong những chiến đấu cơ tiên tiến nhất hiện nay của Trung Quốc, theo Globalsecurity.org. Là phiên bản tàng hình của chiến đấu cơ đa nhiệm J-11B, J-16 có thể mang theo từ 8 - 12 tấn bom cùng nhiều tên lửa, trong đó có tên lửa chống tàu YJ-62 và YJ-83, sở hữu hệ thống điện tử định vị tốt hơn máy bay J-15. Một lãnh đạo SAC gần đây khoe với truyền thông Trung Quốc rằng J-16 sẽ sớm trở thành tiêm kích chủ lực cho hải quân nước này và có thể là đối thủ của máy bay Su-35 (Nga). Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài đánh giá đây là một sự “tự sướng” quá đà vì Su-35 thuộc thế hệ 4++ trong khi J-16 bị cho là chỉ vào tầm thế hệ 3++.

Do Trung Quốc hầu như luôn giữ kín thông tin về các chương trình quân sự nên có nhiều tranh cãi về tiến độ J-16. CNA dẫn lời các nhà phân tích trong và ngoài nước khẳng định chiến đấu cơ này đang trong giai đoạn thử nghiệm tại một căn cứ huấn luyện ở tỉnh Hà Bắc. Ngược lại, chuyên trang Strategy Page của Mỹ phân tích một số hình ảnh trên mạng và kết luận hải quân Trung Quốc đã nhận 24 chiếc J-16.

Mới đây, đại tá Đỗ Văn Long thuộc Học viện Khoa học quân sự PLA khẳng định với Nhân Dân nhật báo rằng J-16 cùng các chiến đấu cơ khác có thể đóng vai trò cốt lõi trong việc thiết lập Bộ chỉ huy trên không và trên biển ở biển Đông.

Bên cạnh đó, theo Strategy Page,  J-16 là bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc chuyên sao chép công nghệ vũ khí của Nga, cụ thể trong trường hợp này là “luộc” chiếc Su-30MK2. Một số nguồn tin tiết lộ, sau khi mua gần 100 chiếc Su-30MK2, Trung Quốc khá hài lòng với khả năng chiến đấu trên biển của chiến đấu cơ này nên giới lãnh đạo hải quân yêu cầu SAC sao chép và sản xuất J-16 sao cho phù hợp với tên lửa chống tàu nội địa. Trước đó, Trung Quốc bị cho là nhái các đặc tính của Su-33 và Su-27 để cho ra chiến đấu cơ J-15. Sau khi có thông tin Trung Quốc dự tính triển khai J-15 cho tàu sân bay Liêu Ninh, kênh thông tin của Bộ Quốc phòng Nga đã chiếu một đoạn phóng sự khẳng định J-15 chính là bản sao của Su-33. Đây là lý do Nga từng từ chối bán cho Trung Quốc 2 chiếc Su-33 để “thử hàng” dù Bắc Kinh hứa hẹn đặt mua gần 50 chiếc.

Hàng Trung Quốc trong máy bay F-35

Reuters dẫn các tài liệu mật tiết lộ trong giai đoạn 2012 - 2013, Bộ Quốc phòng Mỹ không ít lần “phá” luật cấm sử dụng linh kiện Trung Quốc để bảo đảm chương trình sản xuất chiến đấu cơ F-35 diễn ra đúng tiến độ.

Theo các nguồn tin cấp cao, người đứng đầu chương trình vũ khí của Lầu Năm Góc là Frank Kendall đã cho phép 2 công ty Northrop Grumman và Honeywell International mua nam châm Trung Quốc với giá chỉ 2 USD/đơn vị để sử dụng cho hệ thống radar và những bộ phận khác của F-35.

Thông tin này đã khiến nhiều nghị sĩ Mỹ phản ứng mạnh với lập luận rằng tình trạng trên dẫn đến nhiều nguy cơ về an ninh, chiến lược và kinh tế. Đáp lại, trong một bản điều trần gửi quốc hội Mỹ, ông Kendall tuyên bố cần phải “phá rào” để duy trì tiến độ, kịp đưa F-35 vào chiến đấu từ giữa năm 2015 như kế hoạch đồng thời tiết kiệm hàng triệu USD chi phí, theo Reuters.

Minh Trung

Văn Khoa

 >> Rò rỉ hình ảnh J-16 của Trung Quốc, 'đối thủ tin đồn' của SU-35
 >> Cha đẻ chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc qua đời
 >> Mỹ dùng linh kiện Trung Quốc cho chiến đấu cơ F-35
 >> Không quân Nga nhận 12 chiến đấu cơ Su-35 trong năm 2013
 >> Chiến đấu cơ Trung Quốc gặp nạn
 >> Philippines mua chiến đấu cơ của Hàn Quốc
 >> Video - Chiến đấu cơ Su-30MK2: Quả đấm thép của không quân Việt Nam
 >> Hải quân Nga nhận chiến đấu cơ mới cho tàu sân bay
 >> Hàn Quốc vượt qua Anh, Nga, bán 24 chiến đấu cơ cho Iraq

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.