Trung Quốc 'bó tay' trong đối sách với IS

21/11/2015 19:00 GMT+7

Việc con tin Trung Quốc bị IS sát hại ở Syria đã làm nổi rõ sự bất lực về biện pháp đối phó của Trung Quốc, bất chấp sức mạnh quân sự và vị thế quốc tế đang gia tăng của nước này.

Việc con tin Trung Quốc bị IS sát hại ở Syria đã làm nổi rõ sự bất lực về biện pháp đối phó của Trung Quốc, bất chấp sức mạnh quân sự và vị thế quốc tế đang gia tăng của nước này.

Phàn Kinh Huy, con tin đã bị IS hành quyết - Ảnh: Daily BeastPhàn Kinh Huy, con tin đã bị IS hành quyết - Ảnh: Daily Beast
Mối lo ngại tăng thêm khi hãng tin Tân Hoa xã đưa tin có ít nhất 7 du khách Trung Quốc nằm trong số những người bị bắt giữ làm con tin tại một khách sạn ở thủ đô Bamako của Mali hôm 20.11.
Theo hãng tin Reuters, với những lực lượng chưa từng được “thử lửa” ở nước ngoài và ảnh hưởng ngoại giao giới hạn ở khu vực Trung Đông, Trung Quốc đã bó tay khi đối mặt với những vụ việc như con tin Phàn Kinh Huy mà IS đầu tuần này tuyên bố đã sát hại. Hiện chưa rõ tại sao và khi nào ông Phàn đến Trung Đông, nhưng hồi tháng 9, Bắc Kinh thừa nhận người này đã lọt vào tay IS.
Trung Quốc trước đó đã giải cứu các công nhân bị bắt cóc ở những nơi như Pakistan và châu Phi, dù giới ngoại giao cho rằng điều đó thường đạt được bằng cách trả tiền chuộc cho những kẻ bắt cóc.
Chính sách ngoại giao hạn chế
Để giải quyết rủi ro đối với những lợi ích ngoại giao và thương mại toàn cầu đang gia tăng của mình, Bắc Kinh đang cân nhắc một dự luật sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý nhằm gửi quân ra nước ngoài tham gia các sứ mệnh chống khủng bố. Điều khoản 76 của luật này sẽ cho phép quân đội, cũng như các nhân viên nhà nước và công an, tiến hành các chiến dịch chống khủng bố ở nước ngoài với sự cho phép của nước liên quan.
Dự luật đã được công bố hồi năm ngoái, nhưng hiện chưa rõ khi nào sẽ được thông qua. Lãnh đạo an ninh Trung Quốc, trong phát biểu đưa ra đầu tuần này sau loạt tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris (Pháp), đã tuyên bố chính phủ cần thúc đẩy dự luật đó.
Trung Quốc có xu hướng “nhường” hoạt động ngoại giao ở Trung Đông cho 4 nước thành viên thường trực còn lại của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), gồm Mỹ, Anh, Pháp và Nga, đảm trách.
“Trung Quốc sẽ không làm điều gì ngoài sự cho phép của LHQ”, Reuters dẫn một nguồn tin am tường tư duy ngoại giao của Bắc Kinh cho biết. Nguồn tin này cũng bác bỏ khả năng lực lượng giải cứu của quân đội Trung Quốc thực hiện các cuộc đột kích bí mật ở Syria.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó đã tuyên bố nước này đã kích hoạt một cơ chế khẩn cấp nhằm giải cứu con tin họ Phàn nhưng không tiết lộ chi tiết. Bộ này cũng mạnh miệng tuyên bố sẽ “đưa những tên tội phạm ra trước công lý”.
Sợ nhìn thấy quan tài phủ quốc kỳ
Theo đài CNN, Trung Quốc có thể sẵn sàng tăng cường hợp tác toàn cầu sau những diễn biến gần đây, nhưng cơ may nước này hành động theo hướng quân sự nhiều hơn trong cuộc chiến chống IS là rất mỏng.
“Tôi nghĩ cả chính quyền lẫn người dân Trung Quốc đều không sẵn sàng cho chuyện này”, giáo sư Tạ Thao thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh nói với CNN.
Ông này cho rằng chính phủ Trung Quốc sợ những hậu quả của việc can thiệp quân sự ở nước ngoài. “Liệu người Trung Quốc có sẵn sàng nhìn thấy những chiếc quan tài phủ quốc kỳ Trung Quốc đưa trở lại các sân bay của Trung Quốc hay không? Liệu người dân có sẵn sàng nhìn thấy con trai và con gái của họ chết trên chiến trường nước ngoài, chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố hay không”, ông nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.