Hôm nay 24.8, Nhật Bản bắt đầu xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương trong một hoạt động được khẳng định là an toàn nhưng đã gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc, theo AFP.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi việc xả nước nhiễm phóng xạ như trên là một "hành động cực kỳ ích kỷ và vô trách nhiệm", nói rằng hành động này sẽ "đẩy rủi ro lên toàn thế giới (và) truyền lại nỗi đau cho các thế hệ nhân loại tương lai".
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tuyên bố sẽ "dừng nhập khẩu các thủy sản có nguồn gốc từ Nhật Bản từ ngày 24.8.2023", lập luận quyết định này được đưa ra nhằm "ngăn chặn toàn diện các rủi ro về an toàn thực phẩm do ô nhiễm phóng xạ từ nước thải hạt nhân từ Fukushima được xả ra biển".
Bắc Kinh đã dừng tất cả việc nhập khẩu thực phẩm từ 10 trong số 47 tỉnh của Nhật Bản vào tháng 7. Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu thủy sản trị giá hơn 500 triệu USD từ Nhật vào năm ngoái.
Nhà hàng Nhật Bản gặp khó ở Trung Quốc vì nhà máy điện hạt nhân thải nước nhiễm xạ
Phản ứng của Nhật, Mỹ
Tokyo chỉ trích Trung Quốc vì đã truyền bá "những tuyên bố vô căn cứ về mặt khoa học". Tokyo khẳng định việc xả nước nói trên là an toàn, đồng thời lưu ý rằng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng đã kết luận rằng tác động của việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý đối với con người và môi trường là "không đáng kể", theo Reuters.
Một quan chức thuộc Đại sứ quán Mỹ ở Nhật ngày 23.8 cho hay Đại sứ Mỹ Rahm Emanuel sẽ đến thăm tỉnh Fukushima vào ngày 31.8, nơi ông dự định ăn cá đánh bắt khu vực này để thể hiện sự ủng hộ đối với quyết định của Tokyo xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý, theo Kyodo News.
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Kyodo News, Đại sứ Emanuel cho biết ông sẽ gặp ngư dân, người dân và quan chức địa phương trong chuyến thăm nhằm "thể hiện sự ủng hộ về mặt vật chất và sau đó bày tỏ sự tin tưởng vào tiến trình mà Nhật đã theo đuổi một cách có phương pháp".
Đại sứ Emanuel cho biết thêm chuyến đi của ông bao gồm ăn cá tại một nhà hàng trong khu vực, tham quan chợ hải sản và gặp gỡ thị trưởng thành phố.
Ông Emanuel nhấn mạnh rằng quy trình xả nước nhiễm phóng xạ của Nhật Bản ra Thái Bình Dương từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã "hoàn toàn minh bạch, có cơ sở khoa học và được quốc tế công nhận". Ông Emanuel cho biết thêm ý định của ông là "không chỉ thể hiện sự đoàn kết mà còn thể hiện sự an toàn" của động thái này.
Biểu tình ở Hàn Quốc
Chính phủ Hàn Quốc cũng đã ủng hộ quyết định của Tokyo về việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, với việc Thủ tướng Han Duck-soo hôm nay nói rằng "không cần phải lo lắng quá mức" về kế hoạch này, theo AFP.
Tuy nhiên, cảnh sát Hàn Quốc cho hay hơn 10 người đã bị bắt hôm nay vì cố gắng vào Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul trong cuộc biểu tình phản đối việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý, theo AFP.
Một số người biểu tình đã tập trung tại Đại sứ quán Nhật, giương cao các tấm biển ghi "Đại dương không phải là thùng rác của Nhật Bản" và "Chúng tôi phản đối việc xả nước thải".
Theo Hãng tin Yonhap, 16 người, tất cả đều là sinh viên đại học, đã bị giam giữ vì âm mưu đột nhập. Các sinh viên "cố gắng vào văn phòng đại sứ quán vào khoảng 13 giờ (theo giờ Hàn Quốc) trong khi hô khẩu hiệu lên án việc xả nước nhiễm phóng xạ", theo Yonhap.
Chợ cá Hàn Quốc lo lắng vì nước nhiễm xạ từ Nhật Bản
Công ty Điện lực Tokyo (Tepco), vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cho biết việc xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý đã bắt đầu lúc 13 giờ 03 (theo giờ Nhật) và chưa xác định được bất kỳ điều bất thường nào với máy bơm nước ra biển hoặc các cơ sở xung quanh.
Tepco dự kiến quá trình xả nước nhiễm phóng xạ, hiện có tổng cộng hơn 1,3 triệu tấn, sẽ mất khoảng 30 năm. Bộ trưởng Môi trường Nhật Akihiro Nishimura cho hay nước này sẽ tiến hành giám sát xung quanh khu vực xả nước nhiễm phóng xạ và công bố kết quả hằng tuần, bắt đầu từ ngày 27.8, theo Reuters.
Bình luận (0)