(TNO) Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia của Trung Quốc (NDRC) hôm 17.6 ngang nhiên bố các công trình đang xây dựng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam bao gồm các hải đăng, trạm thông tin liên lạc, dự báo thời tiết và cả các công trình quân sự.
Trung Quốc đang xây dựng trái phép trên Đá Gạc Ma thuộc Quần đảo Trường Sa
của Việt Nam - Ảnh: Mai Thanh Hải
|
NDRC – cơ quan xây dựng kế hoạch của chính quyền Trung Quốc – tuyên bố đã phác thảo xong kế hoạch cho việc sử dụng các cơ sở dân sự trên quần đảo Trường Sa. Theo đó, việc xây dựng trên các đảo ở Biển Đông là để phục vụ công tác tìm kiếm và cứu nạn trên biển, giảm nhẹ thảm họa thiên tai, bảo vệ môi trường và hỗ trợ cho việc đi lại của tàu thuyền trên biển.
Đáng chú ý, NDRC cũng ngang ngược tuyên bố rằng các công trình xây dựng cùng lúc phục vụ mục đích quân sự, tuy không nêu cụ thể đó là các công trình gì.
Reuters dẫn tuyên bố của NDRC rằng, trong bản kế hoạch xây dựng của Trung Quốc có các trạm hải đăng lớn nằm bên cạnh những trạm dự báo thời tiết để theo dõi sóng thần, trạm nghiên cứu khoa học, xử lý dầu tràn, trạm đặt các thiết bị cung cấp dịch vụ không dây hỗ trợ đi lại của tàu thuyền.
Theo tuyên bố của NDRC thì các cơ sở xây dựng sẽ giúp tìm kiếm và cứu nạn tàu thuyền, là nơi trú ẩn cho các tàu cá tránh bão và sửa chữa. Tuy nhiên, NDRC không nói rõ các cảng biển, bến tàu được xây theo kiểu nào, thời hạn cụ thể cho việc xây dựng các cơ sở kể trên cũng như không chỉ rõ sẽ xây dựng trên những đảo nào.
Đường băng dài 3.000 m trên Đá Chữ Thập do Trung Quốc xây phi pháp đã hoàn tất theo ảnh chụp từ vệ tinh này
|
Sơ đồ Đá Chữ Thập khi hoàn tất, đường băng ở đây phục vụ cả máy bay ném bom tầm xa loại H-6 của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình Rappler
|
Theo Reuters, Biển Đông là nơi "dòng chảy" thương mại trị giá 5 nghìn tỉ USD đi qua trên những chuyến tàu mỗi năm. Hãng tin này cũng dẫn nguồn từ một tư lệnh của Mỹ nói rằng trong số các cơ sở quân sự đang xây dựng có hệ thống radar cảnh báo sớm dành cho máy bay và đường băng dài 3.000 mét, có thể sẽ được đưa vào vận hành cuối năm nay.
Trước tuyên bố trên của Trung Quốc, nhiều nước đã có những phản ứng tức thời. Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật, ông Yoshihide Suga phát biểu với các phóng viên rằng việc Trung Quốc tuyên bố gần hoàn thành việc xây dựng phi pháp trên Biển Đông không có nghĩa Trung Quốc có thể đặt vấn đề chủ quyền vào "chuyện đã rồi". Ông cũng yêu cầu Trung Quốc ngưng các hành động xây dựng phi pháp trên Biển Đông.
Philippines hôm qua 17.6 cũng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động cải tạo tại các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này, Charles Jose, đã khẳng định trong buổi họp báo: "Dù mục đích của những hành vi xây dựng và cải tạo này là gì đi chăng nữa thì chúng vẫn vi phạm Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông 2002 (DOC)".
Công trình xây cất trái phép của Trung Quốc ở Đá Ga Ven trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, không ảnh quân đội Philippines chụp ngày 9.5.2015
|
Công trình phi pháp của Trung Quốc ở Đá Châu Viên trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, có cả tàu chiến bố trí bảo vệ việc xây dựng phi pháp này - Ảnh: Không ảnh quân đội Philippines chụp ngày 7.5.2015
|
Trước đó, tại
Hội nghị lần thứ 25 các quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp quốc (8 - 12.6), với sự tham dự của 136/167 quốc gia thành viên cùng các nước quan sát viên và nhiều tổ chức quốc tế, tình hình an ninh tại Biển Đông đã trở thành vấn đề "nóng bỏng". Tất cả đều hết sức quan tâm, lo ngại, đặc biệt là các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo quy mô lớn của Trung Quốc.
Các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines đều bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông và khẳng định Trung Quốc không chỉ vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) mà vi phạm cả Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC), cũng như Công ước về đa dạng sinh học và Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Bình luận (0)