|
Ngày 29.11, Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa tuyên bố lực lượng này đã triển khai nhiều chiến đấu cơ Su-30, J-11 cùng máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 tuần tra Vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông (ECSADIZ) mà nước này vừa thành lập, vốn bao phủ không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản.
Trước đó, Trung Quốc cũng đã đưa nhiều máy bay tuần tra khu vực trên và ông Thân khẳng định không quân “sẽ cảnh giác cao độ và thực hiện các biện pháp xử lý nhiều mối đe dọa”. Cuộc tuần tra diễn ra ngày 28.11, khi hơn 20 tàu chiến, trong đó có tàu sân bay USS George Washington, của Mỹ và Nhật bắt đầu tập trận chung tại khu vực gần sát ECSADIZ, theo Reuters.Giới quan sát cho rằng động thái mới của Trung Quốc nhằm đáp trả việc Nhật, Mỹ và Hàn Quốc trong mấy ngày qua liên tục đưa máy bay quân sự tới ECSADIZ nhằm phản đối quyết định thành lập vùng phòng không này. Tuy nhiên, khi được yêu cầu bình luận về quyền bắn hạ máy bay nước ngoài vào vùng nhận dạng phòng không của một quốc gia mà không khai báo trước, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố dư luận đã “hiểu sai vấn đề”. Ông Dương lý giải vùng phòng không không phải không phận chủ quyền của một nước và càng không phải là vùng cấm bay, nên việc thành lập không có nghĩa là mở rộng không phận chủ quyền.
Tuy nhiên, nhiều bên đã tuyên bố bày tỏ lo ngại lẫn phản đối mạnh mẽ khi ECSADIZ bao trùm không phận Senkaku/Điếu Ngư, chồng lấn với Vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc và phủ luôn vùng trời tại bãi đá Ieodo/Tô Nham Tiêu mà Trung Quốc đang tranh chấp với Hàn Quốc. Ngày 29.11, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố sẽ xử lý vấn đề ECSADIZ một cách “bình tĩnh và rốt ráo bằng cách hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế”. Cùng ngày, Yonhap dẫn một số nguồn tin cho hay Hàn Quốc đang cân nhắc mở rộng vùng phòng không của nước này. Ngoài ra, EU cũng đã bày tỏ quan ngại về ECSADIZ và kêu gọi các bên kiềm chế, theo Đài NHK.
Trong một diễn biến khác, Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Dương Vũ Quân tuyên bố tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc đang thực hiện cái gọi là sứ mệnh nghiên cứu khoa học và huấn luyện ở biển Đông và có thể neo đậu ở cảng Tam Á thuộc đảo Hải Nam.
Hoàn Cầu nhằm đích danh Nhật Bản Ngày 29.11, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng bài xã luận khẳng định việc Trung Quốc lập ECSADIZ là chủ yếu nhằm vào Nhật Bản. Báo này kêu gọi Trung Quốc “hành động đáp trả kịp thời không chần chừ” nếu máy bay Nhật vào ECSADIZ. Bài xã luận còn cho rằng có thể phớt lờ các máy bay của Mỹ và Hàn Quốc nếu chúng “không đi quá xa”. Liên quan tới tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và các láng giềng, tờ Mail Today ngày 29.11 loan tin họ đã thu thập được một số tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho thấy nước này sẵn sàng từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với Aksai Chin, khu vực tranh chấp rộng khoảng 38.000 km2 đang do Trung Quốc kiểm soát. Đổi lại, Trung Quốc cũng phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với khu vực 90.000 km2 mà nước này gọi là Nam Tây Tạng thuộc bang Arunachal Pradesh do New Delhi quản lý. Hai bên chưa có phản ứng về thông tin trên. Trong khi đó, Văn Hối, tờ báo ở Hồng Kông có quan điểm ủng hộ chính quyền trung ương, dự đoán trong giai đoạn 2035-2040, Trung Quốc sẽ có chiến tranh với Ấn Độ để “thu hồi Nam Tây Tạng”. Đây là một trong 6 cuộc chiến tranh về lãnh thổ mà Văn Hối dự đoán Trung Quốc “sẽ không thể tránh khỏi” trong vòng 50 năm tới bao gồm Đài Loan (2020-2025), biển Đông (2025-2030), quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (2040-2045), tấn công Mông Cổ để “thu hồi Ngoại Mông” (2045-2050) và chiếm lại “lãnh thổ do Nga chiếm giữ” (2055-2060). Chính quyền Trung Quốc không bình luận về bài báo này. Minh Trung |
>> Hàn, Nhật xem xét mở rộng vùng nhận dạng phòng không
>> Trung Quốc sẽ hủy vùng nhận dạng phòng không mới trong vòng 44 năm
>> Trung Quốc sẽ lập thêm nhiều vùng nhận dạng phòng không mới
>> Vì sao Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông?
>> Hàn Quốc đòi Trung Quốc vẽ lại vùng nhận dạng phòng không
Bình luận (0)