|
Theo tạp chí này, việc Mỹ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam cũng nằm trong chiến lược xoay trục về châu Á của chính quyền Mỹ, nhằm kiềm chế Trung Quốc và bảo vệ các đồng minh và nước bạn. Tạp chí The Week nhận định rằng dù có đường biên giới chung trên bộ, nhưng các tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc thực sự diễn ra trên biển.
Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các nước được quyền công bố vùng đặc quyền kinh tế trên biển (EEZ), cách bờ 200 hải lý (370 km). Tàu bè và máy bay các nước có quyền đi ngang EEZ, nhưng việc khai thác tài nguyên ở EEZ này như đánh cá, khai thác dầu, khoan dầu là do nước có EEZ đó quản lý.
Tháng 5.2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương-981 trong EEZ của Việt Nam cùng đưa các tàu thuyền đến uy hiếp, đâm tàu Việt Nam đã gây căng thẳng giữa hai nước, mãi đến hơn 2 tháng sau giàn khoan mới rút đi.
"Đồ chơi" chống tàu mặt nước và tàu ngầm của một chiếc P-3C Orion của Hải quân Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Với tỉ lệ chênh lệch về chi tiêu quốc phòng giữa Trung Quốc và Việt Nam là 56:1, Việt Nam khó khăn trong đối phó với Trung Quốc. Nhưng những lợi ích chiến lược chung giữa Mỹ và Việt Nam đã khiến Mỹ quyết định gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí, sẵn sàng bán vũ khí sát thương cho Việt Nam để tự vệ và phòng thủ trên biển.
Vũ khí Mỹ rất đắt tiền, chẳng hạn một chiếc tiêm kích tàng hình F-35 giá gần 100 triệu USD, và Mỹ chưa sẵn sàng bán các vũ khí sát thương như bom hoặc tên lửa cho Việt Nam. Thay vào đó, Mỹ đang thương thảo với Việt Nam về việc cung cấp các máy bay trinh sát tân trang, như loại P-3 Orion.
Được hãng Lockheed Martin sản xuất từ những năm 1950, P-3 Orion nổi tiếng là máy bay tuần biển và săn ngầm, chống tàu mặt nước, được hải quân nhiều nước sử dụng. Nay Hải quân Mỹ đang thay thế P-3 bằng loại P-8 Poseidon hiện đại hơn của hãng Boeing (cải tiến từ máy bay Boeing 737).
Tuy cũ nhưng máy bay P-3 Orion với 11 thành viên phi hành cùng các thiết bị radar, sonar dò tìm tàu nổi, tàu ngầm là phương tiện đáng tin cậy có khả năng giám sát khoảng cách rất lớn trên biển.
P-3C Orion của Hải quân Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ |
Lâu nay người ta nghĩ Việt Nam là cường quốc trên bộ, trải qua các cuộc chiến đấu với Pháp, Mỹ, Trung Quốc, nhưng thực sự Việt Nam chính là một cường quốc biển. Việt Nam có bờ biển dài bằng bờ biển phía đông nước Mỹ, và với diện tích EEZ đến gần 1,4 triệu km2.
Với diện tích chủ quyền biển rộng lớn như vậy, dù các tàu hải quân rất thích hợp để thực hiện tuần tra giám sát tàu bè nước ngoài đi qua EEZ này, nhưng một máy bay tuần biển cỡ P-3 Orion là tốt nhất để giám sát một khu vực rộng lớn trên đại dương.
Máy bay P-3 Orion thường được trang bị vũ khí kèm theo như tên lửa diệt hạm, ngư lôi chống tàu ngầm, nhưng nhiều thông tin cho biết P-3 bán cho Việt Nam sẽ không có các vũ khí này. Điều này không có nghĩa là máy bay P-3 mà Việt Nam mua sẽ không có vũ khí, Việt Nam thay vào đó có thể mua vũ khí trang bị cho máy bay này từ các nước khác sẵn sàng cung cấp như Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp.
|
Những vũ khí và trang thiết bị khác mà Mỹ có thể bán cho Việt Nam có radar, thiết bị thông tin liên lạc, tàu tuần duyên.
Tuy nhiên bài báo cũng nhận định rằng việc Mỹ bán cho Việt Nam các vũ khí tối tân cỡ nào là phụ thuộc vào thái độ và hành động của Trung Quốc đối với khu vực, chẳng hạn đưa thêm các giàn khoan dầu khí vào các vùng biển tranh chấp.
Tin Nóng
>> Triều Tiên thị uy trước chuyến thăm Hàn Quốc của chủ tịch Trung Quốc?
>> Trung Quốc tràn lan sách trẻ em nội dung bạo lực, khiêu dâm
>> Quan chức pháp y Trung Quốc từ chức trước phiên xử Bạc Hy Lai
>> Trung Quốc lên giọng trước hội đàm với Mỹ
Bình luận (0)