Trung Quốc là nhân tố gây bất ổn trên biển

03/06/2014 05:50 GMT+7

Giới truyền thông và các chuyên gia quốc tế tiếp tục vạch trần sự hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở biển Đông.

Tàu Trung Quốc (phải) hung hăng tiếp cận tàu Việt Nam trong khu vực gần giàn khoan - Ảnh: Hoàng Sơn
Tàu Trung Quốc (phải) hung hăng tiếp cận tàu Việt Nam trong khu vực gần giàn khoan
- Ảnh: Hoàng Sơn
 

Hôm qua (2.6) là đúng một tháng kể từ khi Trung Quốc cài cắm phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trong thời gian qua, bất chấp phản đối mạnh mẽ cùng những lý lẽ đanh thép phân tích rõ đúng sai của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc không những không rút giàn khoan mà đội tàu nước này ngày càng có những hành động hung hãn, vô cùng nguy hiểm như đâm chìm tàu cá Việt Nam ngày 26.5, đâm thủng tàu cảnh sát biển ngày 1.6…

Vì thế, dù đã một tháng trôi qua nhưng báo chí và giới quan sát quốc tế vẫn tiếp tục lên tiếng chỉ trích, vạch trần sự ngang ngược, hung hăng của Trung Quốc.

Cụ thể, Asahi Shimbun, nhật báo lớn thứ 2 ở Nhật Bản, vừa có bài xã luận mới yêu cầu “Trung Quốc phải dừng hành vi hung hăng” ở biển Đông. Trong đó, Asahi Shimbun nêu rõ: “Những hành động dùng vũ lực này của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là điều hiển nhiên. Trung Quốc cần có suy nghĩ nghiêm túc về cách họ nên hành xử như thế nào mới xứng tầm một nước lớn có trách nhiệm”.  Tờ báo Nhật kết thúc bài xã luận bằng câu cảnh báo: “Trung Quốc không thể có được sự tôn trọng của các nước khác bằng cách đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền của họ với thái độ cưỡng ép, hăm dọa”. Bài báo được đăng tải vài ngày sau khi phóng viên Asahi Shimbun đã có chuyến đi thực địa tới khu vực giàn khoan Hải Dương-981, tận mắt chứng kiến những gì đã và đang diễn ra.

Mới đây, tờ báo mạng nổi tiếng của Nga Gazeta.ru cũng đăng bài khẳng định trong vụ giàn khoan, Trung Quốc đang khiến xảy ra xung đột trong vùng đặc quyền kinh tế không phải của nước này và cũng không đưa ra phản hồi mang tính xây dựng đối với những yêu cầu hợp pháp từ cộng đồng quốc tế. Gazeta.ru dẫn lời Chủ tịch Hội Cựu chiến binh  Nga Nikolai Kolesnik chỉ trích Trung Quốc đã hành động dựa trên lập trường sức mạnh, phớt lờ lợi ích và quyền của nước láng giềng. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chiến lược Nga (RISS) Ilya Usov phân tích rằng sẽ là một sai lầm lớn cho những nước trước giờ giữ quan điểm trung lập trong tranh chấp ở biển Đông, nhưng nay có khuynh hướng ngả về phía Trung Quốc.

Nhân tố gây căng thẳng

Trong bài bình luận trên chuyên san The National Interest (Mỹ), nhà phân tích Abraham M.Denmark tại Cục Nghiên cứu châu Á quốc gia (Mỹ) khẳng định mẫu số chung của tất cả tranh chấp hiện nay ở biển Đông là Trung Quốc. “Bắc Kinh là nhân tố chính gây ra căng thẳng và khủng hoảng trong những cuộc tranh chấp này”, ông Denmark viết. Ông chỉ ra rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc thông qua đường lưỡi bò “liếm” gần trọn biển Đông chỉ dựa trên yếu tố lịch sử mơ hồ, không phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). Tương tự, Giáo sư Eric Posner thuộc ĐH Chicago (Mỹ) viết trên tờ The Nation của Thái Lan rằng trong khi các nước nhỏ tuân thủ nghiêm túc UNCLOS thì Trung Quốc “chỉ ký cho có” rồi thản nhiên phớt lờ công ước này để phục vụ mưu đồ chiếm gần trọn biển Đông trong khi chưa bao giờ đưa ra bằng chứng pháp lý cho đường lưỡi bò.

Ngoài ra, theo ông Denmark, Bắc Kinh nhất nhất khẳng định hành động của họ là nhằm “phản ứng nguy cơ tấn công và sự cố từ những bên tham gia tranh chấp khác” nhưng rõ ràng chính hành vi của Trung Quốc luôn khiến căng thẳng leo thang vì nước này muốn dùng sức mạnh để củng cố tuyên bố chủ quyền. “Việc họ từ chối thỏa hiệp, đẩy căng thẳng leo thang, thay đổi hiện trạng là công thức cho căng thẳng triền miên”, chuyên gia Denmark viết. Cũng cùng ý này, tờ The Wall Street Journal dẫn lời Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear khẳng định cách Trung Quốc tiếp cận vấn đề tranh chấp chủ quyền hiện nay không hữu ích cho khu vực. Theo ông, Trung Quốc “nên hỗ trợ khu vực theo con đường thỏa hiệp dựa trên khung pháp lý công bằng”.

RIA-Novosti gỡ bài viết sai lạc

Sau khi dư luận Việt Nam và cả Nga phản ứng mạnh mẽ, hãng thông tấn RIA-Novosti đã gỡ bài viết bằng tiếng Nga tựa đề Соглашения между Москвой и Пекином лучше всяких деклараций (tạm dịch: Thỏa thuận giữa Moscow và Bắc Kinh tốt hơn mọi tuyên bố) của tác giả Dmitry Kosyrev. Bài viết đăng ngày 19.5 với những luận điểm sai trái về Việt Nam, quan hệ Việt Nam -Trung Quốc và tình hình biển Đông. Tối qua, khi truy cập vào bài viết trên tại website của RIA-Novosti thì nó đã không còn tồn tại.

Trùng Quang

Văn Khoa

>> Cận cảnh bằng chứng tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm
>> Thượng úy Nguyễn Quốc Huy: Tàu Trung Quốc muốn dùng vòi rồng thổi bay tôi đi
>> Hoàng Sa ngày 2.6: Khắc phục sự cố tàu CSB Việt Nam bị tàu Trung Quốc điên cuồng đâm thủng
>> Tàu Trung Quốc điên cuồng đâm thủng tàu Cảnh sát biển Việt Nam
>> Tàu Trung Quốc ngăn cản ngư dân Việt Nam đánh cá
>> Hoàng Sa ngày 31.5: Hàng chục tàu Trung Quốc uy hiếp, bắn nước vào tàu Việt Nam
>> Tàu Trung Quốc tự phun nước lẫn nhau

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.