Ông Bram Wouters, người đứng đầu một dự án hỗ trợ Trung Quốc cải thiện chất lượng sữa của Đại học Wageningen ở Hà Lan, cho rằng cuộc khủng hoảng sữa nhiễm melamine cho thấy có một "khoảng trống" trong hệ thống kiểm tra chất lượng ở Trung Quốc. Ông cho rằng chắc chắn khoảng trống này phải được lấp kín, nhưng "không có gì đảm bảo rằng lòng tin của người tiêu dùng sẽ được khôi phục nhanh chóng".
Theo ông Lão Bình - chuyên gia phân tích thuộc hãng tư vấn Mental Marketing Consulting có trụ sở tại Thượng Hải - doanh thu tháng qua của các công ty có sản phẩm nhiễm melamine giảm 60-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu cả năm 2008 có thể thấp hơn 20% so với mức 23,5 tỉ USD đạt được hồi năm ngoái. Còn chuyên gia Trần Liên Phương - thuộc hãng tư vấn Orient Agribusiness Consultant đóng tại Bắc Kinh - khoảng 3 triệu công nhân (đa phần làm việc cho các hãng sữa nhỏ chiếm 80% sản lượng sữa của Trung Quốc) đã bị ảnh hưởng. Báo chí Trung Quốc cho biết, tại khu vực sản xuất sữa chính ở miền bắc nước này, nông dân phải đổ bỏ sữa vào lúc bắt đầu cuộc khủng hoảng vì không bán được cho ai. Nhưng chính tại những nơi này, theo các chuyên gia, melamine có thể đã được thêm vào sữa.
Sau hơn 1 tháng xảy ra cuộc khủng hoảng, các hãng sữa Trung Quốc "dính chàm" như Mengniu, Yili, Guangming đã bắt đầu cải thiện hình ảnh bằng các chiến dịch quảng cáo và khuyến mãi rầm rộ ở Thượng Hải và Thâm Quyến. Tuy nhiên, hiện một số quốc gia vẫn tiếp tục ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế nhập khẩu các sản phẩm sữa của Trung Quốc, và Senegal là quốc gia mới nhất đưa ra lệnh cấm này, theo hãng tin AP.
Trùng Quang
Bình luận (0)