Ngay sau khi rao bán đấu giá 2 tàu sân bay dạng nhẹ không còn sử dụng là HMS Invincible và HMS Ark Royal, giới chức Anh phát hiện một nhóm doanh nhân giàu có của Trung Quốc ra sức bỏ giá cao để giành được 2 con tàu này. Theo tờ South China Morning Post, doanh nhân Trung Quốc Lâm Kiến Bang hồi tháng 1 bỏ giá 5 triệu bảng (8,1 triệu USD), cao hơn rất nhiều so với giá khởi điểm để mua tàu HMS Invincible. Tuy nhiên, chính quyền London từ chối và cuối cùng bán tàu cho một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ với giá 2 triệu bảng. Reuters dẫn lời các chuyên gia và một số nguồn tin trong cuộc cho rằng Anh không bán tàu HMS Invincible cho ông Lâm vì lo ngại nó sẽ được dùng cho mục đích quân sự.
|
- Tàu HMS Invincible chấm dứt sứ mệnh vào tháng 8.2005 sau 25 năm phục vụ. Tàu đã tham gia cuộc chiến ở quần đảo Falkland/Malvinas giữa Anh và Argentina vào năm 1982 và cuộc chiến Iraq năm 2003. Là tàu sân bay dạng nhẹ, HMS Invincible có độ rẽ nước khoảng 20.000 tấn, chiều dài 210m và có thể mang 24 máy bay cùng khoảng 1.200 binh sĩ. - Tàu HMS Ark Royal bắt đầu phục vụ vào năm 1985 và “nghỉ hưu” vào tháng 3.2011. Tàu đóng vai trò chính trong cuộc chiến vào những năm đầu của thập niên 1990 và tham gia cuộc chiến Vùng vịnh lần hai. Cùng loại với HMS Invincible, tàu có độ rẽ nước 20.000 tấn, chiều dài 210m và chở nhiều loại máy bay và trực thăng. (Theo BBC) |
Lo ngại Trung Quốc
Việc các doanh nhân Trung Quốc mua tàu sân bay cũ để biến thành các khu giải trí đã có từ lâu, tuy nhiên giới phân tích nghi ngờ rằng hoạt động này liên quan tới tham vọng phát triển hải quân của Bắc Kinh. “Mối liên hệ giữa doanh nhân Trung Quốc và chính quyền luôn không rõ ràng”, Reuters dẫn lời James Hardy, biên tập viên của tuần báo về an ninh Janes Defense Weekly, nhận định. Ông Hardy cho rằng Trung Quốc có thể muốn biến tàu HMS Ark Royal thành tàu sân bay trực thăng vì loại tàu này rất hữu dụng trong việc tăng cường hoạt động ở biển Đông và eo biển Đài Loan.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về những vụ mua tàu trong khi giới doanh nhân nước này khẳng định họ độc lập với chính quyền. Tuy nhiên, không mấy ai còn tin vào những tuyên bố trên, nhất là sau vụ mua lại tàu sân bay Varyag của Ukraine. Năm 1998, một doanh nhân Hồng Kông mua tàu Varyag với giá 20 triệu USD và tuyên bố sẽ biến nó thành một sòng bạc nổi. Giờ đây thì tàu này đã trở thành tàu sân bay đầu tiên của hải quân Trung Quốc và dự kiến sẽ chạy thử vào tháng tới. Với tiền lệ “chuyển đổi mục đích sử dụng” như trên thì lo ngại của chính quyền Anh hoàn toàn có cơ sở.
Văn Khoa
Bình luận (0)