Hôm 22.8, tờ Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của tờ Nhân dân Nhật báo, đã phủ nhận một tường thuật của tuần san quân sự IHS Jane’s nói rằng, tên lửa Đông Phong-41 (DF-41) đã được Quân đoàn Pháo binh số 2, tức lực lượng tên lửa chiến lược, thử nghiệm vào tháng trước. Thay vào đó, Thời báo Hoàn cầu cho biết loại tên lửa này đang được phát triển.
Bài báo của tờ IHS Jane’s dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Quân đoàn Pháo binh số 2 đã tiến hành thử nghiệm DF-41, thế hệ tên lửa ICBM thứ ba của Trung Quốc.
Đây là lần đầu phía Mỹ xác nhận sự hiện hữu của dự án tên lửa này.
Chuyên gia Andrei Chang thuộc nguyệt san Kanwa Asian Defence (Canada) cho biết, Trung Quốc khó lòng có thể tiến hành cuộc thử nghiệm toàn diện với thế hệ tên lửa ICBM thứ ba.
“Thách thức và trở ngại giữa thế hệ ICBM thứ hai và thứ ba rất phức tạp, và thông tin tình báo mà tôi thu thập được cho biết Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng vượt qua nhiều vấn đề, dù họ đã mất 20 năm để phát triển nó”, ông Chang nói.
|
Ông Antony Wong Dong, Chủ tịch Hiệp hội Quân sự Quốc tế ở Ma Cao, nói thế hệ ICBM thứ ba của Trung Quốc sẽ không được đặt tên là DF-41 vì dự án này đã bị hủy bỏ nhiều năm trước.
Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Vi Quốc An, một chuyên gia quân sự Trung Quốc, nói nước này đang phát triển thế hệ tên lửa ICBM thứ ba như mô tả của truyền thông phương Tây song phủ nhận vụ thử tên lửa DF-41 vào ngày 24.7.
Trung Quốc lâu nay khẳng định họ sẽ không là nước sử dụng vũ khí hạt nhân trước và lực lượng hạt nhân chỉ nhằm phản công lại các cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên, ông Vi nói Bắc Kinh sẽ phát triển giới hạn thế hệ ICBM thứ ba trước những mối đe dọa hạt nhân gia tăng bởi cả Mỹ và Nga đều chưa giải trừ kho vũ khí hạt nhân.
Tờ IHS Jane’s dẫn lời cựu sĩ quan tình báo quân sự Mỹ Larry Wortzel nhận xét thế hệ ICBM thứ ba của Trung Quốc có thể xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ.
“DF-41 có thể di chuyển và sẽ rất khó phát hiện, đánh chặn bởi tính cơ động của nó”, ông Wortzel nói.
Giáo sư Phillip Karber thuộc đại học Georgetown (Mỹ), người từng nghiên cứu chương trình hạt nhân Trung Quốc, cũng nói với tờ IHS Jane’s rằng thế hệ ICBM thứ ba của Trung Quốc có thể mang đến 10 đầu đạn hạt nhân, “đủ để nhắm tới mọi thành phố của Mỹ có dân số trên 50.000 người”.
Theo tờ Wall Street Journal hôm 23.8, Mỹ đang có kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á để đề phòng mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên song cũng có thể dùng để đối phó với quá trình tăng cường quân sự của Trung Quốc.
Sơn Duân
>> Mỹ dự định dựng lá chắn tên lửa ở châu Á
>> Mỹ - Ấn hợp tác phát triển lá chắn tên lửa
>> Mỹ sắp trang bị lá chắn tên lửa cho tàu chiến Nhật
>> Ba Lan muốn cùng Pháp, Đức lập lá chắn tên lửa
>> Ba Lan muốn lá chắn tên lửa riêng
>> Trung Quốc có thể nâng cấp vũ khí hạt nhân vì lá chắn tên lửa Mỹ
>> NATO chi 1 tỉ USD cho lá chắn tên lửa
>> NATO kích hoạt lá chắn tên lửa
>> Nga dọa tấn công phủ đầu lá chắn tên lửa của NATO
Bình luận (0)