Trung Quốc ra mắt bệnh viện AI đầu tiên

Trí Đỗ
Trí Đỗ
02/06/2024 10:49 GMT+7

Các bác sĩ trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là có thể tiếp nhận thông tin điều trị cho 10.000 bệnh nhân chỉ trong vài ngày, trong khi bác sĩ con người phải mất ít nhất 2 năm.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) gần đây đã tạo ra bệnh viện AI với tên gọi là "Bệnh viện đặc vụ" - nơi tất cả bác sĩ, y tá và bệnh nhân được điều khiển bởi các tác nhân thông minh được hỗ trợ bởi các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có thể tương tác tự chủ.

Trung Quốc ra mắt bệnh viện AI đầu tiên- Ảnh 1.

Một người phụ nữ chạm vào màn hình trên robot tại Bệnh viện Đa khoa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 16.3.2017.

REUTERS

"Khái niệm về một khu bệnh viện AI, nơi bệnh nhân ảo được các bác sĩ AI điều trị, có ý nghĩa to lớn đối với cả chuyên gia y tế và công chúng nói chung. Bệnh viện AI nhằm mục đích đào tạo các nhân viên bác sĩ thông qua môi trường mô phỏng để có thể tự phát triển và cải thiện khả năng điều trị bệnh", theo Global Times dẫn lời nhóm nghiên cứu.

Ông Lưu Dương, trưởng nhóm nghiên cứu của dự án "Bệnh viện đặc vụ" và Trưởng khoa điều hành của Viện Nghiên cứu công nghiệp AI (AIR), cho biết: "Khu bệnh viện AI có thể mô phỏng và dự đoán các tình huống y tế khác nhau, chẳng hạn như sự lây lan, phát triển và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm trong một khu vực". Khóa đào tạo mô phỏng này cho phép sinh viên y khoa thực hành chẩn đoán và điều trị trong môi trường không có rủi ro, từ đó đào tạo ra các bác sĩ có tay nghề cao.

Ông Lưu bỏ ngỏ tiềm năng chuyển đổi khả năng chẩn đoán của các bác sĩ AI từ thế giới ảo sang thế giới thực để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, giá cả phải chăng và thuận tiện cho người dân. Sau 6 tháng phát triển, khu bệnh viện AI sẵn sàng đưa vào sử dụng thực tế, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2024.

Trung Quốc ra mắt bệnh viện AI đầu tiên- Ảnh 2.

Ảnh mô phỏng các bác sĩ AI có thể điều trị cho 10.000 bệnh nhân chỉ trong vài ngày.

AFP

Tuy nhiên, bất chấp những triển vọng đầy hứa hẹn, việc triển khai và thúc đẩy "Bệnh viện đặc vụ" phải đối mặt với nhiều thách thức. Ông Lưu nhấn mạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt về các quy định y tế quốc gia, tìm hiểu sâu về sự phát triển của công nghệ và các cơ chế hợp tác giữa AI và con người là những bước cần thiết để đảm bảo AI không gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng.

Nhận diện khuôn mặt, nhân tiện được AI kiểm tra sức khỏe

Bên cạnh đó, AI có thể vượt qua giới hạn sinh lý và trí tuệ của con người ở một số khía cạnh nhất định, nâng cao độ chính xác và hiệu quả của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên nó không bao giờ có thể thay thế được con người.

Trong y học lâm sàng, mỗi cá nhân khỏe mạnh và mỗi bệnh nhân là cá thể duy nhất. Ngay cả khi họ mắc cùng một căn bệnh, thì diễn biến của bệnh của từng người sẽ khác nhau. Do đó, những yếu tố không chắc chắn này cần phải được con người xử lý. Hơn nữa, mọi rắc rối pháp lý có thể phát sinh trong quá trình điều trị đều phải do các bác sĩ thật chịu trách nhiệm, theo ông Đổng Gia Hồng, học giả của Học viện kỹ thuật Trung Quốc và Trưởng khoa Y học lâm sàng tại Đại học Thanh Hoa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.