Tàu nghiên cứu khoa học nói trên, mang tên Thực nghiệm 6, được hạ thủy tại thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) hôm 18.7. Với vốn đầu tư 517,5 triệu nhân dân tệ (74 triệu USD), tàu Thực nghiệm 6 có chiều dài 90,6 m, chiều rộng 17 m và lượng giãn nước 3.990 tấn.
Tàu Thực nghiệm 6 có vận tốc tối đa hơn 30 km/giờ, có thể hoạt động liên tục 60 ngày và chở tổng cộng 60 thành viên thủy thủ đoàn. Dự kiến, tàu này sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2021, theo Hoàn Cầu thời báo, ấn phẩm của Nhân Dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc).
Phó viện trưởng Viện nghiên cứu hải dương nam hải thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc Long Lệ Quyên nhấn mạnh việc hạ thủy tàu Thực nghiệm 6 sẽ cải thiện đáng kể khả năng thăm dò và có được dữ liệu đại dương, vốn là bước quan trọng cho việc phát triển và tận dụng các nguồn tài nguyên biển.
Tàu Thực nghiệm 6 là tàu nghiên cứu khoa học hiện đại đầu tiên của Trung Quốc, theo Hoàn Cầu thời báo. Trung Quốc hiện có hơn 60 tàu nghiên cứu đại dương và tàu chuyên dụng khác, trong đó có 37 tàu gia nhập đội tàu khảo sát đại dương quốc gia.
Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã điều tàu nghiên cứu Thám tác số 1 hoạt động ở Biển Đông, trong đó có lần ngang nhiên hoạt động ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Chuyên gia Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines, hồi tháng 3 cảnh báo Bắc Kinh có thể dùng nghiên cứu khoa học biển để củng cố “các quyền quá đáng” của Trung Quốc và “cố đẩy mạnh quyền lực biển”, theo tờ The Philippine Star.
Bình luận (0)