Tờ South China Morning Post ngày 21.5 dẫn lời các nguồn tin tiết lộ một dự thảo nghị quyết về ban hành luật an ninh quốc gia mới dành riêng cho Hồng Kông sẽ được đưa ra tại kỳ họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức quốc hội Trung Quốc) từ ngày 22-28.5.
“Dự kiến quốc hội sẽ thông qua nghị quyết vào ngày cuối cùng của kỳ họp (28.5). Nếu nghị quyết được thông qua thì Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc dự kiến trong cuộc họp tháng 6 sẽ soạn thảo và ban hành luật an ninh quốc gia mới dành riêng cho Hồng Kông rồi đưa vào Phụ lục III của Luật cơ bản Hồng Kông”, theo nguồn tin.
“Trung Quốc đại lục chỉ thông báo chính thức là ban hành luật mới tại Hồng Kông và không cần Hội đồng Lập pháp Hồng Kông thông qua. Điều này có thể chấm dứt việc Bắc Kinh cho phép Hội đồng Lập pháp Hồng Kông soạn thảo và ban hành luật riêng”, nguồn tin cho biết thêm.
Nguồn tin ở thủ đô Bắc Kinh cho biết luật an ninh quốc gia mới dành riêng cho Hồng Kông sẽ cấm tất cả hoạt động có mục đích nhằm lật đổ chính quyền đại lục và sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề Hồng Kông, ngăn cấm hành động khủng bố.
“Bắc Kinh đã kết luận rằng Hội đồng Lập pháp Hồng Kông không thể thông qua luật an ninh quốc gia theo Điều 23 trong Luật Cơ bản Hồng Kông trong bối cảnh tình hình chính trị hiện nay nên quốc hội Trung Quốc phải đảm nhận trách nhiệm này”, theo nguồn tin.
Theo Điều 23 trong Luật Cơ bản Hồng Kông, đặc khu hành chính này "tự mình ban hành luật để cấm mọi hành vi phản quốc, ly khai và lật đổ chính quyền trung ương”. Chính quyền Hồng Kông đã đưa ra dự luật an ninh quốc gia riêng năm 2003 nhưng vấp phải cuộc biểu tình phản đối quy lớn. Kể từ đó, dự luật vẫn chưa được giới thiệu lại.
“Hiện một số chính trị gia đối lập đã ngăn chặn Hồng Kông ban hành luật an ninh quốc gia riêng. Nếu luật an ninh quốc gia không được thông qua tại phiên họp thường niên của quốc hội Trung Quốc hoặc ngay sau đó thì liệu có gì đảm bảo rằng nó có thể được Hội đồng Lập pháp Hồng Kông thông qua trong hai năm tới hay không?” nguồn tin cho biết thêm.
Vào tháng 9.2020, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông sẽ tiến hành bầu cử và phe đảng đối lập, giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử cấp quận năm ngoái, gọi đây là cơ hội để ngăn chặn tất cả dự luật do chính quyền đặc khu đưa ra.
Khi được hỏi về thông tin do tờ South China Morning Post đưa ra, một người phát ngôn của quốc hội Trung Quốc nhấn mạnh bảo vệ an ninh quốc gia là phục vụ lợi ích cơ bản của người dân đại lục và Hồng Kông, theo Reuters.
Bắc Kinh có động thái trên được cho là nhằm đối phó nguy cơ xảy các cuộc biểu tình rầm rộ dẫn đến bạo lực tương tự như năm ngoái khiến Hồng Kông rơi vào tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng nhất kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc đại lục vào năm 1997.
Cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông bùng nổ vào ngày 9.6.2019, ban đầu xuất phát từ sự bức xúc trước dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm bị truy nã đến những nơi mà Hồng Kông chưa có thỏa thuận dẫn độ như đại lục, Macau hay Đài Loan. Kể cả sau khi chính quyền đặc khu rút lại dự luật, cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn đến cuối năm 2019 nhằm phản đối chính quyền đặc khu.
Chính quyền Trung Quốc đại lục nhiều lần bác bỏ cáo buộc cho rằng Bắc Kinh can dự và làm xói mòn nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", đồng thời đổ lỗi cho phương Tây đã khuấy động làn sóng bất đồng chính kiến. Vào ngày 21.5, Bắc Kinh tiếp tục phản đối Washington can dự vào vấn đề Hồng Kông sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington có thể xem xét lại quy chế đặc biệt cho Hồng Kông. Trước đó, ông Pompeo tuyên bố trì hoãn báo cáo đánh giá mức độ tự trị của Hồng Kông cho đến kỳ họp quốc hội Trung Quốc.
Hằng năm, Mỹ đánh giá mức độ tự trị của Hồng Kông để tổng thống quyết định đặc khu này có tiếp tục được hưởng quy chế ưu đãi đặc biệt về thương mại hay không nhằm giúp nơi đây giữ vững vị trí là trung tâm tài chính thế giới.
Ngày 21.5, Trung Quốc khai mạc kỳ họp lần thứ ba, khóa XIII Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn quốc (gọi tắt Chính hiệp) tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.
Các kỳ họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (gọi tắt là Nhân đại) thường diễn ra trùng thời gian với các cuộc họp của Chính hiệp. Những phiên họp chung Nhân Đại và Chính hiệp thường được gọi là "Lưỡng Hội" hay "Hai kỳ họp".
|
Bình luận (0)