Trung Quốc trong sự khắc nghiệt của chính sách ‘zero Covid-19’

Văn Khoa
Văn Khoa
06/11/2021 19:45 GMT+7

Việc thực hiện chính sách “zero Covid-19” với mục tiêu không còn có ca nhiễm Covid-19 được cho là đang gây ảnh hưởng lớn tới một số địa phương ở Trung Quốc và bắt đầu gây gián đoạn cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới .

Một cảnh xét nghiệm Covid-19 đại trà ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hồi tháng 5.2021

REuters

Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) của Trung Quốc hôm nay 6.11 thông báo có thêm 40 ca nhiễm Covid-19 cộng đồng được ghi nhận hôm 5.11, trong bối cảnh nước này đang đối phó bùng phát mới.

Cũng như những đợt bùng phát dịch trước đó, ngay khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên, nhiều địa phương ở Trung Quốc lập tức áp dụng các biện pháp phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt, như phong tỏa, xét nghiệm đại trà, cách ly và đóng cửa những khu vui chơi giải trí

Các biện pháp này cho thấy Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách “zero Covid-19”, dù biến thể Delta tiếp tục hoành hành trong khi nhiều nước khác bắt đầu mở cửa và sống chung với dịch trong trạng thái bình thường mới.

Sự khắc nghiệt của "zero Covid-19"

Một trong số biện pháp khắc nghiệt của chính sách zero Covid-19 là phong tỏa và xét nghiệm đại trà dù chỉ có một hoặc vài ca nhiễm. Mới đây nhất là vào tối 31.10, khu giải trí Disneyland ở thành phố Thượng Hải đột ngột thông báo đóng cửa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, trong lúc hàng chục ngàn người đang vui chơi dịp lễ hóa trang Halloween, theo AP.

Thông báo được đưa ra sau khi nhà chức trách phát hiện một ca nhiễm Covid-19. Trong nhiều giờ liền, hơn 33.000 người bị mắc kẹt bên trong khu giải trí để làm xét nghiệm và chờ có kết quả âm tính mới được về.

Trước đó vào ngày 28.10, sau khi phát hiện một ca nhiễm mới, chính quyền thành phố Hắc Hà thuộc tỉnh Hắc Long Giang buộc người dân ở nhà, cấm rời thành phố trừ trường hợp khẩn cấp. Giới chức thành phố này cũng bắt đầu xét nghiệm 1,6 triệu người dân và truy vết tiếp xúc với ca nhiễm trên. Dịch vụ xe buýt, taxi tạm dừng và xe cộ không được rời thành phố.

Trung Quốc phong tỏa cả thành phố sau 1 ca nhiễm Covid-19

Tương tự, thành phố Thụy Lệ thuộc tỉnh Vân Nam cũng đã áp dụng biện pháp phong tỏa nhưng hàng trăm ngàn cư dân của thành phố này đang đối diện cuộc sống cực kỳ khắc nghiệt của chính sách “zero Covid-19" khi có một ca nhiễm mới được phát hiện, theo tờ The New York Times.

Trong năm qua, Thụy Lệ đã phải phong tỏa 4 lần, với một lần kéo dài 26 ngày, đẩy thành phố vào tình trạng “tê liệt” kéo dài, với nhiều người phải ở yên trong nhà nhiều tuần liên tiếp. Thậm chí giữa các đợt phong tỏa chính thức, người dân vẫn không được phép dùng bữa tại nhà hàng và nhiều doanh nghiệp vẫn đóng cửa.

Trước tình trạng người dân phải chịu đựng các biện pháp phòng chống dịch khắc nghiệt, khiến cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề, ông Đới Vinh Lý, cựu Phó thị trưởng Thụy Lệ, viết trên blog một bài có tựa đề “Thụy Lệ cần sự quan tâm của tổ quốc”. Trong đó, ông viết: “Mỗi lần thành phố bị phong tỏa là một lần tổn thất về thể chất và tinh thần nghiêm trọng. Mỗi lần trải qua cuộc chiến chống Covid-19 là một lần tích tụ những bất bình”.

“Khó đoán trước”

Chính sách "zero Covid-19" đang khiến Trung Quốc ngày càng trở nên bị cô lập và những biện pháp phòng chống dịch không thể đoán trước đang bắt đầu gây gián đoạn cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, theo Bloomberg. Trước tình trạng này, một số chuyên gia đã đưa ra dự đoán Trung Quốc có thể duy trì chính sách “zero Covid-19" trong bao lâu.

New Zealand từ bỏ chiến lược 'Zero Covid-19'

“Ước tính của tôi là Trung Quốc sẽ không mở cửa thêm một năm nữa”, giáo sư dịch tễ học Chen Zhengming tại Đại học Oxford (Anh) cho hay. Ông nói rằng tỷ lệ tiêm vắc xin ở Trung Quốc đã “đạt mức rất cao, nhưng phần lớn được tiêm một liều vắc xin bất hoạt vốn không có hiệu quả bằng vắc xin mRNA”. Ông cho rằng nếu tỷ lệ tiêm nhắc không đủ bao phủ và không có sự thay đổi đáng kể trong các đợt bùng phát, “cơ hội Trung Quốc mở cửa lại và từ bỏ chính sách "zero Covid-19" là nhỏ”.

Trẻ được tiêm vắc xin Covid-19 ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 26.10.2021

Reuters

Một lý do khác để hoãn việc mở cửa là hệ thống y tế, theo ông Jason Wang, giám đốc Trung tâm chính sách, kết quả và phòng ngừa thuộc Đại học Stanford (Mỹ). “Thật khó để có được sự chăm sóc trong nhiều thành phố. Một đợt bùng phát mạnh có thể khiến các bệnh viện quá tải và tình trạng đó có thể dẫn tới bất ổn xã hội. Thật khó để dự đoán [chính sách zero Covid-19] kéo dài bao lâu. Nó có thể kéo dài một thời gian", ông Wang cho hay.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tạp chí Southern People Weekly hồi tháng trước, bác sĩ Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về bệnh đường hô hấp, cho rằng để mở cửa biên giới, cần 80 đến 85% trong tổng số 1,4 tỉ người Trung Quốc được tiêm vắc xin và tỷ lệ này có thể đạt được vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng không thể kéo dài việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ như hiện nay vì việc này đẩy Trung Quốc vào tình thế chịu áp lực nặng nề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.