Trung Quốc tung “ngư dân bảo vệ Tam Sa”

14/08/2012 03:10 GMT+7

Cảnh sát biên phòng Trung Quốc vận động “ngư dân” đang sinh sống trái phép ở Hoàng Sa bảo vệ cái gọi là “TP.Tam Sa”.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, lực lượng cảnh sát biên phòng Trung Quốc đang đóng trái phép trên đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vừa tổ chức cuộc họp về “bảo vệ TP.Tam Sa”. Đảo Phú Lâm đang bị Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng và biến thành thủ phủ của “TP.Tam Sa”.

Trong cuộc họp, Phó trưởng đồn Dụ Địch Huy lên giọng hô hào những ngư dân Trung Quốc đang sinh sống và hoạt động trái phép ở Hoàng Sa phải có “hành động thực tiễn nhằm xây dựng và bảo vệ Tam Sa”. Với giọng điệu ngang ngược quen thuộc, Hoàn Cầu Thời Báo còn tự cho rằng việc Trung Quốc lập phi pháp “TP.Tam Sa” vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với ngư dân nước này.

“ngư dân bảo vệ Tam Sa”
Ngư dân Trung Quốc tại cuộc họp ngày 10.8 ở Phú Lâm - Ảnh: Hoàn Cầu Thời Báo
 

Đây là động thái mới nhất nằm trong âm mưu của Trung Quốc tung ngư dân và tàu cá ra biển Đông nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý cũng như khai thác trái phép tài nguyên trong vùng biển nước khác. Hồi giữa tháng 7, khi Trung Quốc xua 30 tàu cá đánh bắt trái phép ở Trường Sa, Kinh Hoa Thời Báo dẫn lời bà Trương Khiết thuộc Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của Trung Quốc ngang nhiên cho rằng đây là “hành động thể hiện chủ quyền thiết thực, hiệu quả hơn đưa tàu hải quân tuần tra”. Nguy hiểm hơn, ông Hạ Kiến Bân, Chủ tịch Tập đoàn quốc doanh ngư nghiệp Bảo Sa tại tỉnh Hải Nam đề xuất chính quyền cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho hơn 100.000 ngư dân ở tỉnh này rồi đưa họ đánh bắt ở biển Đông. Đến đầu tháng này, truyền thông Trung Quốc đưa tin khoảng 23.000 tàu cá nước này sẽ được xua xuống biển Đông.

Mới đây, Tân Văn xã, hãng thông tấn lớn thứ 2 của Trung Quốc, đăng bài xã luận khẳng định những hành động gây quan ngại gần đây của Bắc Kinh như lập “TP.Tam Sa”, đưa đội tàu hải giám và đẩy tàu cá đến Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là những biện pháp được sắp đặt cẩn thận nhằm “bảo vệ chủ quyền”. “Không khó để nhận thấy ngoài các biện pháp ngoại giao, Trung Quốc còn bảo vệ chủ quyền và lợi ích bằng “các quả đấm liên hoàn”, gồm biện pháp hành chính, kinh tế , quân sự và sự kết hợp giữa các tổ chức chính quyền và phi chính quyền”, Tân Văn xã viết.

Ngày 12.8, tờ The New York Times đăng bài viết tường thuật những diễn biến gần đây ở biển Đông, đề cập các hành động gây quan ngại, làm phức tạp tình hình của Trung Quốc. Về yêu sách đường lưỡi bò phi lý, tờ báo dẫn lại một cách mỉa mai phát biểu của Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc) Ngô Sĩ Tồn nói nước này không muốn kiểm soát toàn bộ biển Đông mà chỉ muốn có… 80%.

Văn Khoa

>> Hải giám Tam Sa xâm phạm Hoàng Sa
>> Mỹ lo ngại việc Trung Quốc lập “TP.Tam Sa”
>> Trung Quốc ngang nhiên tổ chức lễ thành lập “thành phố Tam Sa”
>> Trung Quốc ngang nhiên bầu “Thị trưởng Tam Sa”
>> Trung Quốc ngang nhiên bầu thị trưởng "thành phố Tam Sa
>> Trung Quốc đồn trú quân đội ở “TP.Tam Sa”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.