Cảnh báo trên do Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa đưa ra trong cuộc gặp với một quan chức cấp cao Nhật hồi cuối tháng 6, theo Kyodo News ngày 21.8 dẫn một số nguồn tin ngoại giao. Những nguồn tin này cho biết thêm ông Trình đã nói với quan chức Nhật ở Tokyo rằng Nhật không nên tham gia vào “hoạt động quân sự chung với các lực lượng Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông - NV)”. Đại sứ Trung Quốc thậm chí còn cảnh báo Bắc Kinh sẽ viện đến hành động quân sự nếu Tokyo “vượt lằn ranh đỏ”.
Ông Trình còn nhấn mạnh rằng Bắc Kinh “sẽ không nhượng bộ về vấn đề chủ quyền và không sợ những hành động khiêu khích quân sự”. Đáp lại, vị quan chức Nhật nói rằng Tokyo không có kế hoạch tham gia các chiến dịch quân sự của Mỹ nhưng cực lực chỉ trích việc Trung Quốc xây các tiền đồn ở Biển Đông cho mục đích quân sự, theo các nguồn tin nói trên.
Dù chính phủ Nhật không có ý định tham gia chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ bằng cách cho chiến hạm áp sát những đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông, nhưng có khả năng Tokyo sẽ điều tàu của lực lượng phòng vệ vào vùng biển tranh chấp để bảo vệ tàu Mỹ theo luật an ninh mới của Nhật, theo Kyodo News. Cũng theo hãng tin này, phát biểu của ông Trình dường như nhằm ngăn chặn Tokyo can dự vào tranh chấp ở Biển Đông.
Cách đây vài ngày, hải quân Trung Quốc cũng đã có hành động bị cho là nhằm đáp trả động thái của Nhật ở Biển Đông khi tiến hành cuộc tập trận ở vùng biển nằm giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên.
|
Chuyên gia hải quân Trung Quốc Lý Kiệt nhận định rằng hiếm khi hạm đội Trung Quốc tập trận một mình ở vùng biển này. “Đó là vì Nhật điều lực lượng phòng vệ trên biển tới Nam Hải nên Trung Quốc cũng cần có những động thái nhằm thể hiện cơ bắp quân sự ở biển Nhật Bản”, ông Lý lập luận với tờ South China Morning Post.
Điều đáng lưu ý là Đại sứ Trung Quốc đưa ra cảnh báo không lâu trước khi Tòa trọng tài ở Hà Lan ngày 12.7 ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò”. Trung Quốc không những không tuân theo mà còn có những hành động thể hiện sự phản đối đối với phán quyết như điều oanh tạc cơ H-6K, chiến đấu cơ Su-30 “tuần tra tác chiến” phi pháp quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời tuyên bố sẽ không dừng xây đảo nhân tạo ở khu vực.
Những động thái này cùng việc tự đặt ra “lằn ranh đỏ” cho các nước láng giềng cho thấy Trung Quốc chuẩn bị làm mọi thứ để tạo ra luật đi lại của riêng mình ở Biển Đông, theo Giáo sư Panos Mourdoukoutas tại Đại học Long Island (Mỹ) viết trong bài bình luận được đăng trên tạp chí Forbes.
Bình luận (0)