Hãng Yonhap dẫn nguồn từ Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) văn phòng ở Bắc Kinh cho biết trong tháng 9.2016, Trung Quốc xuất sang Triều Tiên lượng nhiên liệu máy bay với giá trị 9,7 triệu USD, tăng 391% so cùng kỳ năm 2015.
Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ban hành hồi tháng 3.2016 cấm các nước thành viên giao dịch thương mại với Triều Tiên, trong đó không cho phép cung cấp nhiên liệu máy bay nhằm gây khó khăn cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đây là sự trừng phạt nặng nề nhất mà Liên Hiệp Quốc áp đặt đối với Triều Tiên.
Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 4 và 5 hồi tháng 1 và 9.2016, chưa kể hàng loạt vụ phóng thử tên lửa từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, hãng tin Yonhap không cho biết nhiên liệu máy bay xuất khẩu sang Triều Tiên được sử dụng cho mục đích gì, vì Liên Hiệp Quốc không cấm các nước thành viên cung cấp mặt hàng này nếu phục vụ cho mục đích nhân đạo, sử dụng cho các chuyến bay cứu trợ.
Số liệu cho biết xuất khẩu nhiên liệu máy bay từ Trung Quốc sang Triều Tiên giảm 13,1% nếu tính từ đầu năm tới hết tháng 9.2016 chỉ đạt 31,65 triệu USD.
Số liệu cũng cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên đạt 285 triệu USD trong tháng 9.2016, tăng 5,5% so với năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc từ Triều Tiên ở mức 228 triệu USD cũng trong tháng 9.2016, giảm 6,9% so với năm ngoái.
Trung Quốc mua 2,46 triệu tấn than từ Triều Tiên trong tháng 8.2016, nhiều nhất kể từ năm 1998 là thời điểm bắt đầu có số liệu thống kê về thương mại giữa hai nước. Than cũng là mặt hàng bị Liên Hiệp Quốc cấm mua bán với Triều Tiên.
Triều Tiên bán quặng sắt cho Trung Quốc, tăng mạnh 67% tính từ tháng 4 đến 8.2016, theo Chosun Ilbo, bất chấp lệnh cấm của chính Trung Quốc. Hồi tháng 4.2016, Bắc Kinh cấm giao dịch thương mại với Bình Nhưỡng 25 mặt hàng gồm quặng sắt, than, xăng dầu hàng không và nhiên liệu tên lửa.
Chosun Ilbo dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho rằng cả Trung Quốc và Triều Tiên đang lợi dụng sơ hở của lệnh trừng phạt; và theo quan chức không muốn nêu tên này, Hội đồng bảo an cần phải xem xét lại các lỗ hổng của lệnh cấm vận.
Trung Quốc chiếm gần 90% giao dịch ngoại thương của Triều Tiên, trong đó tài nguyên khoáng sản là mặt hàng quan trọng.
Bình luận (0)