>> Kỳ 1: Giấc mộng cuộc đời
>> Kỳ 2: Anh chỉ muốn có em!
>> Kỳ 3: Hãy cẩn thận với những gì ta ước!
>> Kỳ 4: Ba lần tự tử
>> Kỳ 5: Tấn trò đời
>> Kỳ 6: Hành trình thành tỉ phú
>> Kỳ 7: Gặp lại “cụ già may mắn”
Cơ may của con mèo
Ông Ẩn không biết mình được sinh ra từ đâu. Lớn lên tại cô nhi viện Gò Vấp (nay là Trung tâm Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, TP.HCM), ông nghe các bà xơ kể lại ông được cứu sống nhờ một người lao công quét rác. Một đêm mùa đông năm 1958, cô lao công nghe tiếng khóc trẻ em trong bồn rác liền mở ra xem thì thấy một trẻ sơ sinh bị ai bỏ trong đó, kiến bu vào đục mất một mắt. Xót lòng, cô đưa đứa trẻ đến cô nhi viện. Từ đó đứa trẻ được mang tên Võ Văn Ẩn.
Ở cô nhi viện, ông Ẩn “sợ” chữ nên suốt ngày tìm cách trốn học. Năm 1975, ông 17 tuổi, cái tuổi phải rời khỏi cô nhi viện. Ông chọn con đường tự lập, lang thang khắp thành phố tìm việc làm thuê nhưng không ai dám nhận một người không gốc rễ. Cái đói xui khiến ông nghĩ cách thổi sáo, giả mù xin ăn.
Trên con đường làm kiếp cái bang, ông gặp một người tốt bụng cho ghép hộ (nhập chung hộ khẩu) để đi kinh tế mới ở Củ Chi. Đến vùng đất mới này ông cuốc đất làm thuê hết nhà này đến nhà khác. Năm 1982, số phận đưa đẩy ông đến làm thuê cho nhà ông Phạm Văn Ch. với thù lao 100.000 đồng/năm. Hằng ngày ông chở mía bằng xe ba gác đi bỏ lẻ quanh chợ Thị Nghè.
Một ngày năm 1996, có một con mèo vừa đẻ xong tha nhau vào bỏ ngay chỗ ông đứng giao mía. “Mèo cho nhau là có điềm hên!”- nghĩ vậy nên ông chạy quanh chợ mượn tiền mua 21 tờ vé số có dãy số 90728. Chiều hôm đó vừa đẩy xe mía về đến đầu chợ, bà con tiểu thương túa ra chúc mừng ông đã trúng độc đắc một tỉ năm mươi triệu đồng. Thời điểm của năm 1996 ấy là một số tiền khổng lồ, nhất là đối với một người ở “tận đáy xã hội” như ông. Ai cũng gọi ông là tỉ phú. Nhưng ít ai biết chỉ vài tháng sau ông thành “tỉ phú không tiền”...
|
Vụ án... “cho tiền”
Vì ông không có giấy tờ tùy thân nên ông Ch. đi lãnh tiền giúp. Hơn tám tháng sau, một tờ “giấy cho tiền” ra đời với nội dung ông Ẩn cho gia đình ông Ch. 13 tờ vé số (trị giá 650 triệu đồng), dành hai tờ đóng thuế và một tờ bố thí. Số tiền còn lại (250 triệu đồng) sau đó ông Ch. bảo đã trả hết cho ông với bằng chứng là nội dung trả đã được ghi trong “giấy nhận tiền”.
Ông Ẩn luôn một mực kêu rằng mình bị ông Ch. ép viết giấy cho tiền. Bực vì mang tiếng trúng số nhưng không thấy tiền đâu nên ông Ẩn theo đòi ông Ch.. Mâu thuẫn nảy sinh, ông bị đuổi ra khỏi nhà chủ, bắt đầu cuộc đời lang thang, đạp xe ba gác mưu sinh tại chợ Thị Nghè. Những ngày đói quá ông phải chờ đến đêm rồi chực lao vào húp lấy húp để những phần thừa thãi còn sót lại trong tô của khách tại một quán hủ tiếu gõ gần chợ. Đêm ông lấy sạp chợ hoặc xe ba gác làm giường ngủ.
Sợ ông bị gom vào trại trong các đợt tập trung người lang thang, bà con tiểu thương chợ Thị Nghè khuyên ông sớm đi kiện đòi tiền, họ góp tiền cho ông mượn đóng án phí, tìm luật sư bào chữa.
Vì nghi ngờ ông bị tâm thần khi cho gần hết số tiền mình trúng số trong lúc bản thân lại lang thang đầu đường xó chợ, cơ quan chức năng đã tổ chức giám định pháp y. Kết quả giám định ông có “trí tuệ chậm phát triển” nhưng đủ năng lực hành vi dân sự, phải chịu trách nhiệm với những gì đã viết trong “giấy cho tiền” có chữ viết được xác định là của ông. Tòa tuyên coi như ông đã tự nguyện cho ông Ch. 650 triệu đồng. Riêng với số tiền 250 triệu đồng còn lại, ông Ch. phải trả lại cho ông.
Ngày nhận tiền, sợ không đếm được số tiền lớn nên ông nhờ bà L., một tiểu thương ở chợ Thị Nghè, nhận và đếm tiền giúp. Hôm ấy, ngày 4-10-2003, chưa ra khỏi hành lang Đội thi hành án quận Bình Thạnh, ông đã bị hụt hết gần 100 triệu đồng vì người ta đến đòi những khoản nợ “từ trên trời rơi xuống”. Nào tiền “đền ơn đáp nghĩa” với người đã làm giấy đăng ký tạm trú dài hạn KT3 cho ông, tiền lãi vay để đóng án phí, tiền nợ cơm nước những ngày đói ăn...
Còn lại 154 triệu đồng, ông giấu vào chiếc áo rộng thùng thình đang mặc trên người như sợ ai giật mất. Ngơ ngác. Luýnh quýnh. Cái vỗ vai của bà L. cùng lời gợi ý về quê sinh sống với vợ chồng bà đã vẽ ra trong đầu ông viễn cảnh một mái ấm gia đình, điều mà cả đời ông luôn mong ước. Rời đội thi hành án, ông theo bà L. về Bến Tre.
Câu chuyện về ông bẵng đi một thời gian dài. Tôi và những người làm báo nghĩ rằng cuối cùng số phận đã kết thúc có hậu cho một người nghèo trúng số. Hi vọng số tiền ít ỏi còn lại cũng giúp ông được hạnh phúc ở những năm tháng cuối đời. Như bao câu chuyện pháp đình khác, vụ kiện đầy tình tiết éo le, đầy những khoản mờ giữa một gia đình giàu có và kẻ ăn người ở, giữa lòng tham và sự tốt bụng... từng thu hút xã hội thời điểm ấy cũng dần kết thúc trong hồ sơ làm báo.
Rồi đùng một ngày của năm năm sau, ông gặp tôi với bộ dạng thất thểu của một người trắng tay. Cử chỉ thường thấy nhất của ông là lắc đầu, chép miệng nói về tình đời, tình người. Ông đâm ra thích nói chuyện, bầu bạn với các con vật nuôi hơn là với người.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)