Tôi sinh ra và lớn lên tại một làng quê thuộc tỉnh Quảng Nam thời kháng chiến chống Pháp. Thuở ấy, làng tôi nghèo lắm, có năm bà con trong làng đói ăn, thế nhưng dù khó khăn đến đâu, cứ đến ngày Trung thu là tất cả trẻ con đều có được một chiếc bánh.
Cách làm như thế này: các mẹ, các chị góp nếp, đậu xanh; làm ra những nồi bánh ú hoặc bánh ít. Đêm rằm trăng sáng, nghe tiếng trống giục ở trường xóm là trẻ con chúng tôi tụ họp về. Các mẹ, các chị tặng bánh, đảm bảo tất cả trẻ con đều có được chiếc bánh trung thu. Chúng tôi vui sướng, nắm tay cất lời ca “Rằm Trung thu nay, trăng sáng trên bầu trời xanh/ Cùng vui bên nhau, ca hát ta chào ánh trăng…”. Chiếc bánh nặng tình nặng nghĩa như vậy đi theo tôi suốt đời, cho đến 60 năm sau, nghĩ lại lòng vẫn còn cảm thấy xúc động.
Trung thu là cái tết của trẻ thơ. Trẻ thơ chúng ta ngày nay lớn lên giữa một đất nước hòa bình, hạnh phúc; các em, các cháu xứng đáng được hưởng tất cả những gì tốt đẹp nhất do cuộc sống hòa bình, hạnh phúc đem lại. Chăm lo chiếc bánh Tết Trung thu cho các em, các cháu là bổn phận của những bậc cha mẹ trong từng gia đình. Mùa Trung thu, các em, các cháu xứng đáng được ăn một chiếc bánh ngon, được nghe lời động viên đầy tình cảm yêu thương của cha mẹ để có thêm niềm vui, niềm tin tưởng bước vào năm học mới.
Tuy nhiên, cũng có những trẻ thơ vì hoàn cảnh đặc biệt, không còn cha mẹ, đang được nuôi dưỡng trong các trại mồ côi, mái ấm tình thương hay đang điều trị trong các bệnh viện; cũng có những trẻ thơ ở vùng sâu, vùng xa cha mẹ quá nghèo. Các em, các cháu cũng xứng đáng được tặng một chiếc bánh ngon mùa Trung thu. Các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, tòa soạn báo, nhà hảo tâm phát huy lòng thương yêu, đã và đang lo chiếc bánh ấy cho các em, các cháu. Đã có nhiều nơi, cùng với chiếc bánh là một phần quà và một món tiền học bổng động viên các em, các cháu học tốt hơn.
Chiếc bánh trung thu không đơn giản chỉ là một thứ thực phẩm mà chính là lòng yêu thương của người lớn dành cho trẻ thơ. Thế nên đừng nghĩ chỉ cần đưa cho con chiếc bánh, hay mua cho con chiếc lồng đèn là đã xong nghĩa vụ trung thu với trẻ. Khi mọi thứ đã “công nghiệp hóa”: bánh, lồng đèn, đồ chơi… đã có nhà máy, nhà kinh doanh lo sẵn thì con trẻ càng cần một không khí trung thu gia đình đoàn viên, hạnh phúc. Với những trẻ em bất hạnh, cơ nhỡ trong mùa Trung thu mỗi năm, cũng không chỉ là tấm bánh mà còn cần tình yêu thương, chia sẻ rất nhân văn của cả cộng đồng.
Ước mong sao tất cả các em, các cháu của chúng ta đều nhận được chiếc bánh tràn đầy tình yêu thương ấy.
Bình luận (0)