Trưởng Ban kỷ luật VFF: 'Giá như tôi được... thất nghiệp'

12/10/2015 11:54 GMT+7

(TNO) Năm nào cũng như năm nào, sau mỗi mùa giải V-League, báo chí lại dành vô số ‘đất đai’, thời lượng để kể tội căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt: Bạo lực sân cỏ!

(TNO) Năm nào cũng như năm nào, sau mỗi mùa giải V-League, báo chí lại dành vô số ‘đất đai’, thời lượng để kể tội căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt: Bạo lực sân cỏ!

Tiền đạo Công Phượng được xịt thuốc giảm đau trên sân Pleiku - Ảnh: Minh Trần

Và đây cũng là một trong những chủ đề được đề cập đến Hội nghị Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vào ngày 12 và 13.10.

Ông kỷ luật chỉ mong thất nghiệp nhưng không được

Cách đây hai năm, trưởng Ban kỷ luật VFF Nam Nguyễn Hải Hường đã bày tỏ một khát vọng cháy bỏng: “Giá như tôi thất nghiệp trên cương vị là ông chuyên đi phạt người khác”.

Nhưng xem ra ao ước này khó mà thành hiện thực khi bóng đá nội đầy rẫy sự cố, đầy rẫy chuyện nọ chuyện kia và có thể sẽ chưa thể chấm dứt ở những mùa tới.

Theo số liệu thống kê của Ban tổ chức (BTC) giải thuộc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), mùa bóng 2015, Ban kỷ luật đã ban hành tổng cộng 45 quyết định kỷ luật đối với cá nhân, tập thể vi phạm. Trong đó, gây tiếng vang nhất là vụ phạt trung vệ Quế Ngọc Hải (SLNA) - người đã khiến Trần Anh Khoa (SHB.Đà Nẵng) phải sang Singapore phẫu thuật mà cơ hội trở lại sân cỏ chỉ khoảng 30-50%.

Ông Bùi Xuân Hòa - Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng buồn rầu thay cho cầu thủ của mình: “Đến nhà Khoa một lần, sẽ biết gia cảnh khó khăn thế nào. Triệt hạ chân cẳng con nhà người ta như thế có khác nào triệt hạ luôn con đường mưu sinh.

Trước đây, CLB SLNA đã từng có cầu thủ bị phạt rất nặng là Đình Đồng vì làm gãy chân một cầu thủ của đội khác. Nhưng Quế Ngọc Hải đã không lấy đó làm gương. Mà có trách Hải thì sự  việc cũng đã rồi. Chưa biết tương lai Khoa sẽ ra sao? Mà cũng chưa biết, liệu sang năm, V-League có yên ổn, không còn những tai nạn kinh hoàng như thế này!”.

Một pha tắc bóng của Văn Hiếu (T.Quảng Ninh) trong trận gặp Hà Nội T&T - Ảnh: Minh Tú

Nếu điểm qua, gần như không một CLB nào tại V-League không có những gương mặt nổi bật ở lĩnh vực “chém đinh chặt sắt”.

Ví dụ như vụ cầu thủ Minh Tùng đã phạm lỗi thô bạo từ phía sau với Hoàng Thiên (HAGL) và bị truất quyền thi đấu. Hay như Samson Hoàng Vũ (Hà Nội) T&T - cầu thủ nhập tịch này vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của nhiều vụ ẩu đả hay phạm lỗi đánh nguội rất thô bạo.

HLV Phan Thanh Hùng cũng phải thừa nhận: “Samson sẽ không chủ động chơi xấu với bất kỳ ai. Nhưng khi bị đối phương đánh nguội hoặc dùng tiểu xảo, Samson sẽ tìm cách trả đũa. Đây là việc làm không nên của một cầu thủ chuyên nghiệp. Những hành động đánh nguội rất khó tha thứ”.

HLV Trương Việt Hoàng (Hải Phòng) cũng chê cầu thủ đội mình hay mất bình tĩnh và không kiểm soát được nhiều hành vi trên sân: “Tôi quả thực thấy lo lắng bởi V-League ngày càng khốc liệt mà cầu thủ không biết cách kiềm chế thì chết dở. Bóng đá chuyên nghiệp là gì?

Là phải ra sân với sự bình tĩnh, có thể đầu óc rất nóng nhưng trái tim phải rất lạnh. Phải biết kìm nén những cơn cáu giận thì mới đá tốt được. Các cụ thường có câu, nóng giận mất khôn. Tôi mong học trò của mình khôn ngoan hơn ở V-League năm sau”.

Một tuyển trạch viên của VFF than phiền: “Bạo lực sân cỏ khiến cầu thủ giỏi sẽ khó yên tâm thi đấu khi trong trận anh ta bị đốn ngã, bị chơi xấu, thậm chí bị đánh nguội. Vì thế công tác tìm người cho đội tuyển nhiều lần bị gặp khó.

Ông Miura cũng chẳng vui vẻ gì khi phải chứng kiến trận đấu có bạo lực. Bóng đá là môn nghệ thuật chứ không phải tìm cách triệt nhau để chiến thắng. Đừng làm khán giả thất vọng, đừng để họ lại quay lưng”. 

Bạo lực sân cỏ đặt trên bàn nghị sự

và đây là đồng đội Xuân Tú của anh, cũng ở trận đấu này - Ảnh: Minh Tú

Ngày 10.10, chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Mùi về chuyện bạo lực sân cỏ. Ông Mùi phân tích ngay một loạt nguyên nhân, trong đó không quên nhắc đến tay nghề yếu của một số trọng tài.

Ông Mùi nói: “Công tác giáo dục cầu thủ ngay từ khi họ tập ở đội năng khiếu, đội trẻ đã không được thực hiện triệt để, rốt ráo. Việc hiểu luật của cầu thủ Việt cũng rất hạn chế, dù năm nào chúng tôi cũng phổ biến luật đến các CLB. Thậm chí cho chiếu đi chiếu lại những clip để giải thích thế nào hành vi bạo lực, thế nào là hành vi phạm lỗi nghiêm trọng.

Ở một số vụ việc, còn do bản chất cầu thủ là thích đá rắn, trong tranh cướp bóng thích triệt hạ đối phương, đá dằn mặt để đối phương sợ, không dám tấn công. Đó là những tư tưởng rất xấu, cần phải sớm loại bỏ.

Một lý do nữa khiến bạo lực sân cỏ vẫn còn xảy ra, là trọng tài chưa nghiêm khắc với các hành vi thô bạo, hành vi phi thể thao, còn nương nhẹ, còn xuê xoa, không dám đương đầu với những tình huống khó, nhất là hành vi đó do đội nhà gây ra”.

Bạo lực sân cỏ diễn ra triền miên ở mọi mùa giải, khiến năm nào, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hay Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) cũng có… việc để làm. Cứ sau vài vòng, ở trên lại có trát đưa xuống VFF, VPF, đề nghị chấn chỉnh lại V-League. Bản thân chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng có năm phải đích thân chỉ đạo Ban kỷ luật phải xử thật nghiêm vụ Nguyễn Đình Đồng đạp gẫy chân cầu thủ Anh Hùng (An Giang); năm nay lại phải chỉ đạo không gọi Quế Ngọc Hải vào đội tuyển.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn kể: “Cứ mỗi lần bóng đá có chuyện là Bộ lại gửi công văn hỏa tốc xuống Tổng cục và tôi lại phải ký giải trình. Trong đó, bạo lực sân cỏ là một trong những vấn đề nổi cộm nhất. Sắp tới đây, Tổng cục TDTT sẽ chủ trì một "Hội nghị Diên Hồng" để bàn mọi việc về bóng đá Việt Nam, mà nạn chém đinh chặt sắt cũng sẽ được bàn tới một cách triệt để”. 

Chưa biết khi nào "Hội nghị Diên Hồng" mới được tổ chức nhưng Hội nghị Ban chấp hành VFF có lẽ cũng không nên bỏ qua chủ đề nóng này trên bàn nghị sự!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.