Trường chuẩn quốc gia che bạt làm lớp học!

07/09/2011 00:03 GMT+7

Sau ngày khai giảng, khoảng 3.000 học sinh (HS) tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) phải đi học nhờ tại các trụ sở khác hoặc trong những lớp "dã chiến".

Ban Giám hiệu trường Tiểu học (TH) Triệu Thị Trinh (ấp 3, xã Xuân Hưng) phải liên hệ với UBND xã để mượn trụ sở văn phòng ấp 3 và Trung tâm văn hóa xã để bố trí chỗ học cho 750 HS. Đó là chưa kể 150 HS đã vào học "ké" trường TH Trần Hưng Đạo ở gần đó. Trung tâm văn hóa xã Xuân Hưng được che tạm thành 3 phòng học và khu vực cho giáo viên. Còn văn phòng ấp 3 (rộng khoảng 80m2) cũng che thành 2 phòng học nhỏ. Ngoài sân, nhà trường dùng hàng rào lưới B40 quây lại, lấy tôn và bạt nhựa che chắn xung quanh, bên trên lợp tôn sắt rồi chia làm 2 phòng học dã chiến trong cái nắng chói chang.

Một lớp học dã chiến của trường TH Triệu Thị Trinh - Ảnh: K.C

Ông Nguyễn Thanh Chiểu - Hiệu trưởng trường TH Triệu Thị Trinh, cho biết: "Vào tháng 6.2011, chúng tôi nhận được thông báo xây dựng trường mới. Thế nhưng, sau 2 tháng khởi công thì phải ngưng lại toàn bộ công trình. Lúc này, nhà trường rơi vào thế bị động, không có chỗ cho HS". Ông Trần Anh Khiết - Phó trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Xuân Lộc, cho biết sở dĩ xảy ra tình trạng trên do UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản đề nghị các địa phương thực hiện Nghị quyết 11 và Nghị quyết 83 của Chính phủ về cắt giảm vốn các dự án đầu tư xây dựng và cắt giảm đầu tư công. "Toàn huyện có 8 dự án nằm trong diện phải ngưng cung ứng vốn, trong đó có 4 công trình trường: TH Nguyễn Huệ, Phù Đổng, Trần Quốc Toản và Triệu Thị Trinh. Các trường này đang là nơi học tập của 3.000 HS, nay ngưng thi công, số HS  này không có trường lớp để học nên phải tự tìm cách xoay xở", ông Khiết nói.

Còn ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, thừa nhận việc ngưng vốn cho 4 công trình trường học đã khởi công trước đây đặt ra nhiều khó khăn cho việc bố trí trường lớp. Nhất là trường Triệu Thị Trinh vì là trường xây theo chuẩn quốc gia. "Việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ là đúng, nhưng thực tế của địa phương cho thấy đây là các công trình cấp bách, ảnh hưởng nhiều đến HS. Do đó, UBND huyện vừa có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính kiến nghị xem xét, ưu tiên bố trí vốn để tiếp tục thi công", ông Tuấn nói.

Theo ông Chiểu, việc phải gửi HS đến 3-4 nơi khác học rất đáng lo ngại vì các em phải đi qua QL1A để đến lớp, dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Thêm nữa, tình trạng phòng học kiểu dã chiến chỉ hơn 20m2 nhưng phải bố trí 35 HS học trong điều kiện nóng bức rất khó cho các em tiếp thu kiến thức.

Kim Cương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.