Khi chúng tôi bước vào khuôn viên 4 ha của trường đang thi công ở giai đoạn cuối, trên tòa nhà chính của trường vẫn gắn bảng tên "Trường dạy nghề Tân Thành". Chủ đầu tư Nguyễn Ngọc Mỹ (Việt kiều Úc) giải thích ngay: "Đây là tên cũ, vài hôm nữa sẽ thay!". Ngay sau đóá, trong buổi tiếp xúc tại văn phòng UBND tỉnh BR-VT, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Sanh đã xác nhận: "Trong xu thế hội nhập quốc tế, việc đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề cực kỳ quan trọng.
Vì vậy, tỉnh chủ trương xây dựng trường dạy nghề của huyện Tân Thành để đào tạo công nhân có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của các khu công nghiệp trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Cùng lúc đó, ông Nguyễn Ngọc Mỹ (Việt kiều Úc) xin đầu tư xây dựng trường tại đây và có kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu của tỉnh nên chúng tôi đồng ý giao trường để ông Mỹ đầu tư. Theo kế hoạch, số lượng công nhân được đào tạo ở trường trong tương lai giải quyết được yêu cầu lao động của các khu công nghiệp của tỉnh và giải quyết được yêu cầu xuất khẩu lao động nên tôi rất kỳ vọng vào dự án này".
Mô hình trường Trung cấp nghề Hồng Lam - Ảnh: N.Q |
Ngoài ra, còn có các chương trình đào tạo ngắn hạn, các chương trình đào tạo đặc biệt cho các doanh nghiệp, công ty. Riêng các học viên tham gia chương trình xuất khẩu lao động sẽ hoàn toàn học theo chương trình của trường đối tác của Úc là Học viện Box Hill (BHI), hoạt động học tập của nhóm học viên này chịu sự giám sát chặt chẽ của Úc, được cấp bằng của trường và BHI sau khi tốt nghiệp, được bảo đảm tất cả đều có việc làm ở nước ngoài.
Học nghề theo chuẩn quốc tế
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ cho biết thực tế ở Úc và nhiều nước phát triển khác, nhờ có tay nghề giỏi nên nhiều công nhân VN nếu làm việc theo tác phong công nghiệp đều được trọng dụng và có mức lương rất cao (trên 30.000 USD/năm). Ngay việc điều hành công nhân của những công ty nước ngoài tại VN, những người chủ của các công ty này thường đưa vào những nhà quản lý nước ngoài với những yêu cầu quản lý rất khắt khe.
Muốn được trọng dụng, công nhân VN không chỉ phải giỏi một số mặt kỹ thuật chuyên biệt mà cần phải đồng bộ các mặt khác theo tiêu chuẩn quốc tế (từ tác phong công nghiệp cho đến kỹ thuật, khả năng...). Ông Mỹ khẳng định: "Chúng tôi sẽ quản lý theo đúng các quy định của Nhà nước, nhưng sẽ tạo ra một cơ chế thoáng hơn để kết hợp với nước ngoài nâng cao chất lượng của học viên, dùng giáo trình tiêu chuẩn quốc tế và chú trọng về thực hành trong đào tạo nghề để tạo ra những công nhân VN có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu quốc tế".
Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Hồng Lam, GS-TS Nguyễn Xuân Thu nói: "Để phát triển trường dạy nghề theo tiêu chuẩn quốc tế, trong thời đại ngày nay, phải liên kết được với đối tác tốt. Chúng tôi có thuận lợi là có được đối tác BHI giúp chúng tôi quản lý chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ tốt nghiệp. BHI là một trong ba trường dạy nghề tốt nhất nước Úc, được Chính phủ Úc trao tặng giải thưởng xuất khẩu giáo dục quốc tế, được Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á đánh giá rất cao".
Để mọi học sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT, có đủ sức khỏe và có quyết tâm theo đuổi học nghề có thể theo học được tại trường Hồng Lam, trường xây dựng nhiều chương trình đặc biệt như: cấp học bổng toàn phần, miễn giảm học phí, vay tín dụng, ký hợp đồng với các công ty xuất khẩu lao động... Trường có ký túc xá là tòa nhà 5 tầng, gần 100 phòng đủ chỗ cho trên 500 học viên nội trú". GS Thu cho biết: trường chọn xây dựng tại huyện Tân Thành (BR-VT) vì đây là huyện công nghiệp lớn nhất toàn quốc, có nhiều điều kiện để học viên thực tập và làm việc sau khi ra trường.
Xung quanh trường có đến 9 khu công nghiệp, trên 1.000 công ty VN và 60 công ty nước ngoài đang hoạt động, lại có cảng nước sâu (tàu 80.000 tấn vào được), các khu công nghiệp sản xuất những thành phần trang thiết bị, vật liệu xây dựng... sẽ rất thuận lợi khi xuất khẩu trực tiếp mà không cần trung chuyển qua Singapore, Hồng Kông... như trước đây.
Nhựt Quang
Bình luận (0)