Theo Quy chế thi THPT quốc gia 2015, thí sinh dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi năm trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT và không bị kỷ luật hủy kết quả thi được bảo lưu điểm thi của các môn đạt từ 5 điểm trở lên trong kỳ thi tổ chức năm tiếp ngay sau đó để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh không sử dụng điểm bảo lưu thì phải thi tất cả các môn đã đăng ký.
Trong Dự thảo hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia, xét công nhận tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT vừa công bố cũng quy định rõ hơn điều này. Cụ thể, với thí sinh đăng ký dự thi tại trường phổ thông năm 2014, trường phổ thông căn cứ kết quả dự thi năm 2014 (nếu có) để xác định điểm bảo lưu cho thí sinh. Còn thí sinh tự do đến từ cơ sở giáo dục khác phải có xác nhận kết quả thi của trường phổ thông hoặc nơi thí sinh đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Tuy nhiên phát biểu tại hội nghị tập huấn thi THPT quốc gia diễn ra tại TP.HCM vào ngày 19 và 20.3, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp cho rằng trước đây việc bảo lưu điểm thi chỉ có hệ giáo dục thường xuyên, năm nay có thêm cả hệ giáo dục phổ thông, qua các năm đã phát hiện nhiều điểm bảo lưu bị làm giả ở hệ giáo dục thường xuyên. Vì vậy, nếu giao cho trường THPT xác nhận thì độ tin cậy của điểm bảo lưu đến đâu? Theo đại diện này, Bộ cần giao cho các sở GD-ĐT xác nhận điểm bảo lưu.
Theo quy chế, việc bảo lưu này được công nhận trong xét tốt nghiệp THPT còn để xét tuyển ĐH và CĐ hay không sẽ do hiệu trưởng các trường quyết định. Về điểm này, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, lưu ý các thí sinh cần cân nhắc kỹ việc bảo lưu điểm hay thi lại các môn nếu muốn sử dụng kết quả này để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH và CĐ. Vì như quy chế, các trường ĐH và CĐ hoàn toàn có thể quyết định việc không công nhận điểm bảo lưu từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 cho xét tuyển vào trường năm nay.
Bình luận (0)