Đây là năm thứ 36, SSEAYP làm nhiệm vụ cầu nối hữu nghị của thanh niên Nhật Bản và 10 nước Đông Nam Á. Một trong những tiêu chí để được chọn là thành viên của SSEAYP là tuổi từ 18 - 30. Và một khi đã được chọn, các thành viên phải trải qua nhiều vất vả với cuộc hải trình này, nhưng điều họ “lấy” được cũng ít có chương trình nào có được…
Tuổi trẻ được khẳng định
Các thành viên tham dự SSEAYP đều được chọn lựa rất kỹ ở các nước. Sự trẻ trung năng động của các thành viên trong đoàn làm không khí suốt hải trình sôi động hẳn. Từ khi tham gia sinh hoạt chung, các thành viên từ lớn đến nhỏ cùng nhau chia sẻ những hoạt động và ý tưởng. Ai cũng đều có vị trí như nhau, không hề có sự e dè của các bạn nhỏ tuổi.
Đây cũng là một trong những mục đích mà SSEAYP đề ra: Sự tự tin! Chúng tôi còn nhớ thành viên trẻ tuổi nhất ở SSEAYP 2008 là Đặng Thị Mỹ (19 tuổi), sinh viên năm thứ 1 ĐH Ngoại thương cơ sở II TP.HCM. Mặc dù là em út, nhưng Mỹ rất nhiệt tình và có nhiều sáng kiến cho đoàn.
Các thành viên SSEAYP 2008 của VN tại trụ sở Ban thư ký ASEAN tại Jakarta (Indonesia) - Ảnh: Bảo Trân |
Đối với đoàn VN, trước khi tập trung đến Nhật Bản - nơi khởi đầu cuộc hải trình qua 6 nước, các thành viên của đoàn đã có khoảng 15 ngày để cùng nhau tập huấn những nội dung khi tham gia chương trình.
Chủ đề của SSEAYP 2009 là “Sự tham gia của thanh niên trong các hoạt động xã hội” (Youth Participation in Social Activities) nên đoàn VN đã chuẩn bị khá nhiều tài liệu thảo luận xoay quanh chủ đề chính đó.
Tham gia SSEAYP cũng có những lúc vui chơi hết mình - Ảnh: Bảo Trân |
Điều ai cũng phấn khởi và ý thức được vai trò quan trọng của thanh niên trong xã hội là các bạn được đón tiếp long trọng khi đến các nước.
Đến Nhật thì được viếng thăm và dự tiệc chiêu đãi của Nội các Nhật Bản; được diện kiến công nương Nhật cũng như các lãnh đạo trong Nội các. Đến Indonesia thì được ghé thăm Tòa dân biểu. Đây quả là niềm vinh dự cho những thành viên tham dự SSEAYP, vì biết được hoạt động chính trị của đất nước trong cùng khối ASEAN này.
Tiếp đến đoàn ghé trụ sở Ban thư ký các nước ASEAN đóng tại Jakarta. Tại đây, đoàn được giới thiệu khá nhiều thông tin về các nước trong khu vực. Đến Brunei thì được Hoàng gia Brunei thăm hỏi…
Chính những điều này làm cho chúng tôi cảm nhận được tầm quan trọng của SSEAYP cũng như trách nhiệm của mỗi thành viên tham dự chương trình.
Và buồn trong giờ phút chia tay - Ảnh: Bảo Trân |
Cảm xúc trào dâng
Khi tham gia SSEAYP, các thành viên trải qua nhiều cảm xúc khác nhau. Đó là không khí trang trọng, ấn tượng khi diễn ra buổi lễ kéo cờ. Mỗi tuần có một lần tổ chức lễ kéo cờ và sẽ đổi lần lượt mỗi nước phụ trách khi tàu cập cảng nước đó.
Đối với những nước mà tàu không cập cảng thì sẽ được sắp xếp thời gian hợp lý. Buổi kéo cờ diễn ra trang nghiêm. Sau bài quốc ca, cờ của 11 nước được kéo lên, tung bay trong gió biển.
Lãnh đạo đoàn (National Leader) nào khi đến lượt mình phụ trách đều có bài giới thiệu ngắn gọn về đất nước và con người của nước đó. Cũng có khi là cảm xúc vui đùa hết cỡ khi thành viên các nước được cùng nhau tham gia những trò chơi, hay những chương trình vui nhộn.
Sợi ruy băng càng làm cảnh chia tay thêm phần quyến luyến - Ảnh: Bảo Trân |
Bên cạnh đó, qua 36 năm làm nhiệm vụ là cầu nối hữu nghị, SSEAYP chứng kiến những cuộc trùng phùng và chia ly đẫm nước mắt. Mặc dù mỗi nước các thành viên chỉ ở hai đêm cho chương trình ở nhà dân (homestay), nhưng tình cảm với bố mẹ nuôi rất sâu nặng.
Vì thế, khi chia tay, nhiều bạn không cầm được nước mắt. Bạn John Kenneth - thành viên người Philipines năm 2008 đã bật khóc khi chứng kiến mẹ nuôi người Nhật vừa khóc vừa chạy theo xe để cố dúi vào túi xách gói đồ ăn mà bà chuẩn bị sẵn từ nhà với lời nhắn “để con ăn những lúc đói”.
John thổ lộ: “Ba mẹ nuôi đã chăm lo mình rất chu đáo. Mình sẽ nhớ mãi tình cảm cũng như cảm xúc mà ba mẹ nuôi đã dành cho mình. Chỉ có ai ở trong trường hợp này mới có thể hiểu được tình cảm dạt dào đến mức nào”.
“Chia tay mẹ nhé” - Ảnh: Bảo Trân |
Chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á (The Ship for South East Asian Youth Program - SSEAYP) bắt đầu từ năm 1963. SSEAYP được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Nhật Bản và 10 nước ASEAN gồm: Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Lào, Campuchia, Philippines, Brunei và Việt Nam, nhằm tăng cường hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa thanh niên các nước ASEAN và Nhật Bản. Đây là cơ hội để thanh niên các nước cùng mở rộng tầm nhìn thế giới cũng như phát huy khả năng sáng tạo trong hoạt động và giao lưu quốc tế thông qua nhiều hoạt động khác nhau… Việt Nam tham gia chương trình này từ năm 1995. |
Phải nói, chương trình homestay quả thực là một trải nghiệm vô cùng thú vị đối với mỗi thành viên khi tham gia hải trình SSEAYP.
Mỗi buổi lễ tiễn đưa diễn ra cũng khá xúc động. Các thành viên trên tàu đều cầm một cuộn ruy băng (ribbon) dài ném về phía bờ, người đưa tiễn tàu cầm ruy băng và chạy theo hướng tàu di chuyển và cho đến khi sợi ruy băng đứt. Dường như mọi người có sự đồng cảm lớn trước cảnh tượng chia ly này.
Đồng thời, sau gần hai tháng sống và làm việc chung trên cùng một con tàu, giờ phút chia tay của chính các thành viên cũng đầy lưu luyến. Những cái ôm hôn nồng thắm, những giọt nước mắt chảy trên gương mặt mỗi người. Họ nói với nhau lời chia tay, cũng như hứa hẹn trao đổi, tham khảo những việc sẽ làm sau SSEAYP. Với họ, SSEAYP chưa kết thúc, thậm chí mới chỉ bắt đầu cho khá nhiều hoạt động vì cộng đồng của thanh niên...
Chính vì vậy, hầu như thành viên nào cũng cảm thấy nhớ SSEAYP và rất nhiều người đã xin làm tình nguyện viên để hằng năm được gắn bó với chương trình mang ý nghĩa lớn lao này.
Bạn Aizat Lutfi - cựu thành viên SSEAYP 2007 của Brunei - cho biết: “Sau khi chia tay, trong mình luôn có một ấn tượng tốt đẹp về SSEAYP, nên các năm sau mình không thể không tham gia vào việc đón các bạn để có cơ hội gặp lại tàu”.
Trải nghiệm văn hóa
Mỗi khi tàu cập cảng các nước là những thành viên sẽ có chương trình trải nghiệm ở với nhà dân (homestay). Cũng nhờ vào hoạt động này mà các thành viên được có cơ hội tìm hiểu văn hóa gia đình của mỗi nước.
Trong chuyến đi homestay ở Nhật năm 2008, chúng tôi được một gia đình theo truyền thống Nhật nhận làm con nuôi. Đây là gia đình có 3 thế hệ - là gia đình kiểu mẫu của Nhật. Không hiểu có phải để cho khỏi bỡ ngỡ hay không mà ban tổ chức trước đó đã cho chúng tôi sống trong một căn phòng hoàn toàn theo kiểu truyền thống Nhật ở một khách sạn.
Căn phòng khá rộng với một cái bàn kê ở giữa để uống nước. Khi ngủ, cái bàn này được dọn để lấy chỗ trải nệm. Mọi vật dụng trong phòng đều mang đậm phong cách Nhật, từ phòng ngủ, đến phòng tắm. Chúng tôi được mặc kimono truyền thống Nhật, và đặc biệt được dùng bữa ăn truyền thống.
Dĩ nhiên, chúng tôi luôn nhận được sự hướng dẫn của các bạn người Nhật về cách ăn, sinh hoạt như thế nào cho đúng theo phong cách Nhật. Gia đình nuôi của chúng tôi cũng được chọn lựa rất kỹ và bố mẹ nuôi đã dạy cho những đứa con nuôi khá nhiều phong tục tập quán mà nếu được đi du lịch đến Nhật thì chúng tôi cũng khó mà biết được những nét văn hóa đó.
Thành viên SSEAYP được mặc đồ kimono và dùng những món ăn truyền thống của Nhật - Ảnh: Bảo Trân |
Còn khi đến VN, do các gia đình nuôi khá hạn chế về giao tiếp tiếng Anh nên lúc đầu các bạn bỡ ngỡ khá nhiều. Chính vì vậy các tình nguyện viên phải đến những gia đình không biết tiếng Anh giúp thông dịch.
Tuy nhiên, bù lại các bố mẹ nuôi người Việt chân thành nên các bạn thực sự cảm kích. Bạn Boo (Lào) - thành viên SSEAYP 2008 cho biết: “Có thể ở VN không nhiều gia đình nuôi nói được tiếng Anh, điều kiện vật chất không bằng các nước khác mà tàu đã ghé qua, nhưng lòng nhiệt thành và tình cảm chân thật của bố mẹ nuôi gây cho tôi sự xúc động lớn. Sang năm tôi sẽ cố gắng sắp xếp để đến TP.HCM, vì tôi đã có gia đình nuôi ở đây chào đón”.
Mỗi nước khi tàu cập cảng, chúng tôi đều ít nhiều biết được văn hóa của nước đó với nhiều điều thú vị. Đó cũng là những trải nghiệm cần thiết đối với tuổi trẻ!
Phóng viên Thanh Niên (ngoài cùng bên trái) trong một gia đình nuôi tại Nhật - Ảnh: Bảo Trân |
Ngay khi sinh hoạt chung ở trên tàu, các đoàn đã có khá nhiều hoạt động nhằm giới thiệu văn hóa của nước mình đến bạn bè thế giới. “Country night” là điểm then chốt để thể hiện qua chương trình đêm giao lưu văn nghệ của mỗi nước.
Điều khá thú vị là mỗi khi nước nào biểu diễn, đều nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ thành viên các nước. Điều này cực kỳ quý giá, vì ở mỗi nước số lượng người tham gia chỉ có 28 thành viên (trừ Nhật Bản có 40 người) nên không thể đảm bảo hết công việc từ diễn viên đến trang trí, ánh sáng, trang điểm, tiếp đón khách…
Đây cũng là cách gắn kết hơn tình hữu nghị của thanh niên các nước - đúng như tiêu chí mà SSEAYP đề ra. Thuyền trưởng của tàu Nippon Maru năm 2008 Shirakawa cho biết: “Tôi thấy SSEAYP khá đặc biệt so với các chương trình khác vì thành viên đến từ nhiều nước và dĩ nhiên có nhiều tôn giáo khác nhau. Chính vì vậy điều khó khăn đối với chúng tôi là chuẩn bị thức ăn sao cho phù hợp với các thành viên. Tuy nhiên, tôi rất vinh hạnh được đồng hành cùng các bạn và cảm thấy mình trẻ hơn khi được sống chung với những người trẻ tuổi, năng động”.
Các thành viên SSEAYP 2008 chia tay gia đình nuôi tại cảng Nhà Rồng (TP.HCM) - Ảnh: Bảo Trân |
Hậu SSEAYP
Sau khi tham gia SSEAYP, đa số các thành viên vẫn giữ liên lạc với bố mẹ nuôi và vun đắp tình cảm ấy ngày một sâu nặng hơn. Bạn Hoàng Oanh - cựu thành viên SSEAYP năm 2005 - đã được bố mẹ nuôi từ Philippines bay sang dự đám cưới ở Hà Nội.
“Chúng mình sẽ dành tiền để mỗi năm có thể đi thăm được bố mẹ nuôi ở các nước, coi như là chuyến du lịch trong năm của mình” - vợ chồng Oanh quả quyết.
Và mỗi khi có bạn bè đi công tác đến nước nào, các thành viên đều cố gắng gửi quà cho bố mẹ nuôi của mình, như thầm cám ơn họ đã lo chu đáo cho mình những ngày tham gia SSEAYP.
Các thành viên đoàn Việt Nam tại SSEAYP 2008 - Ảnh: Bảo Trân |
Bên cạnh đó, chính các thành viên của 11 nước cũng có sự gắn kết bền chặt. Thường sau SSEAYP các thành viên đi du lịch rất nhiều, vì đến mỗi nước họ đều có bạn lo chu đáo. Cũng dễ hiểu, vì chúng tôi đã có hơn 50 ngày cùng sinh hoạt trên một con tàu nên tình cảm rất gắn kết.
Bạn Nazron (Brunei) - thành viên SSEAYP 2008 - đã có chuyến du lịch xuyên VN vào giữa năm 2009. Đến đâu bạn cũng có các thành viên người Việt chăm lo chu đáo. Không chỉ có Nazron, mà khá nhiều thành viên khác cũng tận dụng và cố gắng sắp xếp thời gian để đi thăm các thành viên sau khi SSEAYP kết thúc.
Được biết, chỉ riêng trong năm 2009, các thành viên VN đã đón nhiều người bạn từ các nước như Nhật, Indonesia, Brunei, Singapore, Thái Lan… Ngược lại, các thành viên của VN cũng tổ chức “du lịch bụi” đến các nước bạn.
Chính vì vậy các thành viên cho rằng chia tay SSEAYP, điều mà các bạn gặt hái được khá nhiều điều hữu ích, và quan trọng là cầu nối hữu nghị với thanh niên các nước được bền chặt hơn.
Đoàn Nhật với dòng chữ NO SSEAYP, NO LIFE (không có SSEAYP, không có cuộc sống này) - Ảnh: Bảo Trân |
Ngoài ra, hậu SSEAYP còn có nhiều chương trình mà chính các cựu thành viên các nước tổ chức như chương trình SIGA hằng năm. SIGA được tổ chức luân phiên nhưng có tính chất quan trọng, vì đây là đại hội cựu thành viên nhằm đóng góp cho SSEAYP của năm đó.
Năm 2009, SIGA được tổ chức tại thành phố Yogyakarta (Indonesia) dịp 30.4.2009. Đây cũng là dịp thành viên các năm trước có thể tham gia và đóng góp công sức của mình nhằm làm cho SSEAYP ngày càng lớn mạnh hơn.
Bạn Minh Tuấn (bên trái) tại Malaysia - Ảnh: Bảo Trân |
Bạn Vũ Phạm Minh Tuấn (22 tuổi) hiện công tác ở Ban Quốc tế Thành Đoàn TP.HCM vừa rồi cũng tham gia chương trình reunion (giao lưu cựu thành viên) từ ngày 19 - 27.11.2009 tại Maylaysia và Singapore.
Được biết, trong lần gặp mặt này, hầu hết các nước đều có mặt và riêng đoàn VN đã có 6 cựu thành viên tham gia. Tuấn cho biết: Tôi cảm thấy vui vì cuộc gặp mặt thật ấn tượng. Tại đây Tuấn được gặp lại những bạn bè và được chia sẻ những cảm xúc của các thành viên qua các thời kỳ.
Chính vì vậy câu nói “SSEAYP changes my life” (SSEAYP thay đổi đời tôi) vẫn được các cựu thành viên sử dụng khi nhắc đến SSEAYP…
Lê Hân
Bình luận (0)