Trường hợp nào được xem là nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Lê Cầm
Lê Cầm
02/10/2023 11:16 GMT+7

Một trường hợp được xem là nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ khi có triệu chứng biểu hiện các nốt mụn nước trên da kèm sốt, đau đầu... và có yếu tố dịch tễ tiếp xúc người bệnh được xác định hoặc người bệnh nghi ngờ trong vòng 21 ngày.

Ngày 2.10, bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Thị Huỳnh Nga, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết đậu mùa khỉ là một bệnh có họ hàng với bệnh đậu mùa do vi rút gây ra. Biểu hiện bệnh có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh nhưng thường gặp nhất là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Bệnh đậu mùa khỉ lây lan do tiếp xúc gần với người có triệu chứng. Nốt ban, dịch cơ thể (như dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy đặc biệt có nguy cơ làm lây nhiễm. Quần áo, ga gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như dụng cụ ăn, bát đĩa bị nhiễm vi rút do tiếp xúc với người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây bệnh cho người khác.

Trường hợp nào được xem là nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ

Các yếu tố được xem là nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ

Theo Sở Y tế TP.HCM, trường hợp được xem là nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ khi có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai…). Và có một trong nhiều triệu chứng sau: đau đầu, sốt trên 38,5 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết); đau cơ, đau lưng đau nhức cơ thể; mệt mỏi.

Và có một trong các yếu tố dịch tễ sau: trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có tiếp xúc với người bệnh được xác định hoặc người bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh. Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng có quan hệ với nhiều bạn tình.

Sở Y tế khuyến cáo những trường hợp có dấu hiệu và yếu tố dịch tễ như trên cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Trường hợp nào được xem là nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ? - Ảnh 1.

Các nốt mụn nước ở người mắc đậu mùa khỉ

BVCC

Cần làm gì nếu nghi ngờ mắc bệnh?

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), nếu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, hãy khai báo với trạm y tế hoặc đến các cơ sở khám chữa bệnh. Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách từ 2 mét trở lên khi tiếp xúc nếu cần thiết. Không ăn uống chung, ngủ chung, bao gồm cả quan hệ tình dục với người khác. Sử dụng riêng các vật dụng, đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Thông báo cho những người tiếp xúc gần biết để tự theo dõi sức khỏe và liên hệ cơ sở y tế ngay khi có triệu chứng nghi ngờ.

HCDC hướng dẫn cách phòng bệnh đậu mùa khỉ

Xác định mắc bệnh bằng cách nào?

Bệnh nhân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại các tổn thương trên da. Trường hợp bệnh xác định khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật Real-time PCR và/hoặc giải trình tự gien.

Nếu được chẩn đoán xác định mắc bệnh thì sẽ thực hiện điều trị, cách ly tối thiểu 14 ngày và phải hết các triệu chứng bệnh (không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và các sang thương đã đóng vẩy khô).

Việt Nam đã ghi nhận 5 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó 3 ca "nội địa"

Bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên 35 tuổi, du lịch tại Dubai từ ngày 20.7 đến 22.9.2022, khởi phát triệu chứng ngày 18.9 với triệu chứng sốt, nổi nốt đỏ. Bệnh nhân về TP.HCM ngày 22.9.2022 khám ở hai bệnh viện, giải trình tự gien vi rút xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh nhân đậu mùa khỉ thứ hai 38 tuổi, ngụ Tuyên Quang, du lịch Dubai từ ngày 29.9 đến 18.10.2022, nhập cảnh Tân Sơn Nhất. Bệnh nhân có các triệu chứng đậu mùa khỉ từ ngày 11.10 với sốt kèm mệt mỏi, buồn nôn và xuất hiện các mụn mủ rải rác trên cơ thể. Cả hai trường hợp này đều du lịch tại Dubai thời gian dài và khởi phát triệu chứng ở đây, nên được xác định nguồn lây nhiễm từ nước ngoài.

Ca đậu mùa khỉ thứ 3 tại Việt Nam là ca nội địa đầu tiên, là nam thanh niên 25 tuổi, thường trú tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, tạm trú TP.HCM, khởi phát bệnh ngày 17.9 với các triệu chứng sốt, ớn lạnh, vã mồ hôi, ngứa, nổi mụn mủ ở cơ quan sinh dục. Ngày 22.9.2023, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM với các dấu hiệu nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ. Một ngày sau đó, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM cho kết quả bệnh nhân dương tính với vi rút đậu mùa khỉ. Bệnh nhân hiện đang được cách ly điều trị.

Trong 8 người tiếp xúc với người này, có 1 người là bạn của bệnh nhân hiện cư trú tại tỉnh Bình Dương. Người này hiện đã có kết quả xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ, là ca đậu mùa khỉ thứ 4 tại Việt Nam.

Ngày 1.10, theo HCDC, bệnh nhân nam, 34 tuổi, ngụ Bình Chánh, đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM với các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM, kết quả dương tính với đậu mùa khỉ, ngày 29.9. Bệnh nhân đang được cách ly điều trị. Đây là ca đậu mùa khỉ thứ 5 tại Việt Nam và là ca nội địa thứ ba.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.