Trường hợp nào văn bằng liên kết đào tạo không được công nhận?

Hà Ánh
Hà Ánh
18/10/2024 16:11 GMT+7

Trung tâm công nhận văn bằng (Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT) nêu ra 6 trường hợp văn bằng liên kết đào tạo chưa hoặc không được công nhận.

Trường hợp nào văn bằng liên kết đào tạo không được công nhận?- Ảnh 1.

Trong 9 tháng đầu năm nay, có trên 5.500 hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng

NGUỒN: TRUNG TÂM CÔNG NHẬN VĂN BẰNG

Hàng ngàn hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng mỗi năm

Sáng nay (18.10), hội thảo-tập huấn công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ do Bộ GD-ĐT tổ chức diễn ra tại TP.HCM.

Tại hội thảo, đại diện Trung tâm công nhận văn bằng (Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT) đã chia sẻ một số vấn đề về công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam. Trong đó, có thông tin thực trạng hồ sơ đề nghị công nhận văn bằng trong giai đoạn từ 2008 đến nay. Theo đó, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước có trên 5.500 hồ sơ, cao gấp 3 lần so với năm 2013.

Đại diện Trung tâm công nhận văn bằng cũng thông tin về thực trạng hồ sơ liên kết đào tạo và du học giai đoạn từ 2019-2024. Theo đó, mỗi năm có hàng hàng hồ sơ liên kết đào tạo và du học gửi đề nghị được công nhận. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, có 1.760 hồ sơ liên kết đào tạo và 3.758 hồ sơ du học.

Trường hợp nào văn bằng liên kết đào tạo không được công nhận?- Ảnh 2.

Thực trạng hồ sơ liên kết đào tạo và du học đề nghị công nhận văn bằng từ 2019-2024

NGUỒN: TRUNG TÂM CÔNG NHẬN VĂN BẰNG

6 trường hợp văn bằng liên kết đào tạo chưa/không được công nhận

Đáng chú ý, đại diện Trung tâm công nhận văn bằng nêu ra 6 trường hợp văn bằng liên kết đào tạo chưa hoặc không được công nhận.

  • Chương trình liên kết đào tạo chưa được cấp phép bởi Bộ GD-ĐT hoặc cơ quan có thẩm quyền Việt Nam. Chương trình được tuyển sinh và đào tạo khi quyết định cấp phép đã hết hiệu lực thi hành.
  • Cơ sở giáo dục nước ngoài không được kiểm định/công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền về giáo dục nước sở tại hoặc không được phép cấp bằng tại nước sở tại.
  • Cơ sở liên kết đào tạo tại Việt Nam không phải là cơ sở giáo dục ĐH.
  • Chương trình tuyển sinh sai đối tượng đầu vào; Văn bằng đầu vào không được công nhận và không đáp ứng điều kiện tuyển sinh của chương trình liên kết đào tạo theo Nghị định số 73/2012/NĐ-CP.
  • Chương trình thực hiện sai quy định của quyết định cấp phép.
  • Văn bằng cấp trong chương trình liên kết đào tạo không được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước cấp bằng công nhận.

Các điều kiện công nhận văn bằng liên kết đào tạo

Ngược lại, Trung tâm công nhận văn bằng (Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT) cũng nêu các điều kiện công nhận văn bằng liên kết đào tạo, gồm:

  • Cơ sở giáo dục nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận/kiểm định/cho phép đào tạo và cấp bằng.
  • Chương trình đào tạo được Bộ GD-ĐT hoặc cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cho phép thực hiện và tuân thủ theo các quy định hiện hành tại thời điểm thực hiện tuyển sinh và đào tạo;
  • Chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục.
  • Học viên đáp ứng các yêu cầu của quyết định cho phép. Mẫu văn bằng được cấp theo đúng quy định tại quyết định cấp phép và văn bằng được cơ quan có thẩm quyền của nước đó công nhận.

Hiện nay, việc công nhận văn bằng chủ yếu phục vụ nhu cầu tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự và yêu cầu tuyển sinh của các cơ sở giáo dục Việt Nam khi người học có nhu cầu tiếp tục học tập tại Việt Nam ở bậc cao hơn. Từ tháng 1.2017 đến hết tháng 11.2023, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) đã nhận được tổng 37.436 hồ sơ, được công nhận 35.662 hồ sơ (95,26%), chưa công nhận 1.774 hồ sơ (4,74%). Số hồ sơ chưa được công nhận bao gồm cả những hồ sơ chưa nộp đủ thủ tục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.