Ngày 26.3, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án Trương Mỹ Lan (69 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các đồng phạm (giai đoạn 2) về các tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản (hơn 30.000 tỉ đồng), vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (hơn 106.000 tỉ đồng) và tội rửa tiền (hơn 445.000 tỉ đồng).
Ở phiên xét xử sơ thẩm vào năm 2024, bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND TP.HCM phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 năm tù tội rửa tiền, 8 năm tù tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, tổng hợp hình phạt là án chung thân.
Đồng thời, tòa buộc bị cáo Lan bồi thường hơn 30.000 tỉ đồng, tương ứng với mỗi trái phiếu doanh nghiệp có mệnh giá 100.000 đồng, cho hơn 35.000 bị hại.
Bị cáo Trương Mỹ Lan xin nhận trách nhiệm về trái phiếu
ẢNH: NHẬT THỊNH
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm trên vì cho rằng quy buộc cả 3 tội danh trên là không đúng. "Đã là người không ai phạm sai lầm cả. Mong tòa xử lý cho phù hợp. Có thể lần cuối cùng bị cáo đứng tại tòa phúc thẩm này", bị cáo Lan mở đầu phần trình bày.
Tuy nhiên, trong suốt 80 phút trình bày, có những lúc bị cáo vừa nói vừa nghẹn lời: "Bị cáo chỉ mong làm sao mà khắc phục được hậu quả. Bị cáo xin xem xét giảm án tối đa cho những bị cáo khác vì họ là những người làm công ăn lương".
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh phát mong tòa làm rõ việc Vạn Thịnh Phát không dính dáng gì đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nếu có bị cáo sẽ chịu trách nhiệm. Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng xin nhận hết tất cả trách nhiệm về trái phiếu, về SCB và mong tòa xem xét lại trái phiếu hơn 30.000 tỉ đồng. Bởi theo bị cáo phải là 28.000 tỉ đồng mới đúng.
Tóm lược 70 phút trình bày của Trương Mỹ Lan tại tòa
Thế nhưng sau đó, bị cáo Lan lại yêu cầu SCB phải chịu trách nhiệm đối với số tiền trái phiếu. "Vì uy tín của SCB, người dân đã tin tưởng vào ngân hàng này. Nếu SCB bồi thường thì sẽ giải quyết tất cả cho người dân", bị cáo Trương Mỹ Lan khai.
Cũng theo bị cáo Lan, trong giai đoạn 2 của vụ án, cơ quan điều tra đã xác minh có 287 tỉ đồng để sử dụng tái cơ cấu cho SCB chứ không phải cho bị cáo sử dụng.
Tháng 11.2021, SCB có báo cáo tài chính, nói bị cáo hỗ trợ. SCB mỗi tháng cần 5.000 tỉ đồng để trang trải nhưng không có tiền. Lúc đó bị cáo đã đi vận động người thân bạn bè để cho mượn, đây là tiền vay từ nước ngoài.
Về hành vi vận chuyển tiền trái phép qua biên giới, chủ tọa đặt câu hỏi: "Từ năm 2012 - 2022, các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thực hiện chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại. Tại sao lập những hợp đồng khống, mục đích để làm gì?".
Bị cáo Lan cho rằng, các công ty ma, công ty khống vì SCB tái cơ cấu hơn chục năm, do SCB cần để thành lập. "Tội danh vận chuyển trái phép ảnh hưởng đến hậu quả khắc phục rất lớn. Thời điểm đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa khuyến cáo gì đến sai phạm", bị cáo Lan trình bày.
Trong giai đoạn 1 của vụ án, cuối năm 2024, TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm tuyên phạt y án sơ thẩm tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan về 3 tội danh: tham ô tài sản (tử hình), đưa hối lộ (20 năm tù), vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (16 năm tù; sơ thẩm 20 năm tù). Tòa buộc bị cáo Lan phải bồi hoàn cho SCB hơn 673.000 tỉ đồng.
Bình luận